Đó không chỉ là thất bại của Hải Phòng mà còn là sự tan vỡ giấc mơ cho những đội bóng có tham vọng khác mà cụ thể ở đây là Bình Định, Viettel. Những bản hợp đồng bạc tỷ, những khoản đầu tư kếch xù sẽ không mang lại kết quả như mong đợi khi mà Hà Nội giành chức vô địch quá dễ dàng. Nói cách khác, không phải Hà Nội quá hoàn hảo mà các đối thủ của họ chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ khát khao để thay đổi trật tự vốn được coi như thuộc về Hà Nội.
Trước ngày khai màn V.League, ít người dám nghĩ, Hải Phòng sẽ chen chân vào nhóm đua tranh vô địch. Chẳng ai đủ niềm tin rằng Hà Nội sẽ trở thành “kẻ ngáng chân kiêu hãnh” của Hà Nội FC. Với một lực lượng không quá dày, một ông thầy mới, một ban lãnh đạo “tay ngang”, nhiệm vụ trụ hạng vững vàng được cho là phù hợp nhất với Hải Phòng.
Nhưng người Hải Phòng không thích đi vào lối mòn, không thích chấp nhận thực tế vốn được đóng khung dành cho họ. Họ muốn khác, nghĩ khác và đã làm khác. Bản thân việc dịch chuyển chiến lược đầu tư, dịch chuyển quan điểm quản trị đã cho thấy mong mỏi làm bóng đá theo góc nhìn khác của người Hải Phòng.
Và thực tế là Hải Phòng đã khác rất nhiều so với chính họ. Họ khác từ việc chuyên tâm vào bóng đá, vào cuộc đấu trí, đấu sức, đấu chiến lược với đối thủ thay vì quá chú tâm vào những pha “xử lý kỹ thuật trên khán đài”. Bức thư tay ngắn ngủi của Chủ tịch Văn Trần Hoàn gửi hơn 22 ngàn khán giả có mặt ở sân Lạch Tray trong trận đấu với Hà Nội với tinh thần: Không chỉ trích đội khách đã cho thấy một Hải Phòng rất khác. Và khi chuyên tâm vào việc nghĩ lớn, làm lớn và cạnh tranh đối thủ bằng tinh thần chiến đấu, sự chuẩn mực về chuyên môn thì Hải Phòng đã thổi bùng lên ngọn lửa “thay đổi” ở cuộc đua đến ngôi vô địch. Tất nhiên, Hà Nội vẫn là ứng viên vô địch, bằng chiến thắng lịch sử của mình Hải Phòng đã góp phần giúp V.League hay hơn, hấp dẫn hơn, đáng chờ đợi hơn và thành công hơn.