– L’Equipe: Cách đây không lâu, anh được hỏi về tình trạng tinh thần của Neymar trên chương trình “Dimanche Soir Football” (Bóng đá tối Chủ nhật)…
Thierry Henry: Đúng vậy, cậu ấy có vẻ không ổn lắm… Nhưng có những nguyên do. Trong những cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Neymar thường xuyên nói về tình trạng sức khỏe của bản thân, về sức ép… Khi nghe thấy điều đó, trong đầu tôi luôn xuất hiện câu hỏi: Liệu cậu ấy có khỏe không? Liệu chúng ta có lắng nghe cậu ấy nói hay không? Phải chăng cậu ấy cần sự giúp đỡ? Có nhiều thứ trong đầu cậu ấy, như bất cứ ai trong chúng ta.
– Vậy có phải khi Lionel Messi không có phong độ tốt từ khi đến PSG, đó cũng có thể liên quan đến trạng thái tinh thần của cậu ấy?
Bạn cần đặt câu hỏi này cho cậu ấy, tôi không thể trả lời thay cậu ấy được. Nhưng khi chúng ta nói về Messi hay Neymar, về những cầu thủ xuất chúng, chúng ta thường bỏ qua trạng thái tinh thần của họ. Khi Lionel khóc lúc rời Barca cũng vậy, đó không phải là điều được lập trình sẵn. Khi bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ rời khỏi nơi nào đó và đột nhiên điều đó lại xảy ra, nó sẽ giáng một cú sốc tinh thần cho bạn. Khi tôi rời Arsenal để đến Barca năm 2007, tôi phải mất 1 năm mới ổn định lại tinh thần… Tôi bị chấn thương, sắp ly hôn, tôi phải học tập để thích nghi với một hệ thống mới. Bạn phải chiến đấu bằng tinh thần.
– Vậy khi anh hỏi HLV Franck Haise của Lens rằng “Ông có khỏe không?” Đó chẳng phải là bất thường ư?
Đúng vậy. Chẳng ai đi hỏi những câu như vậy. Thành thực mà nói, tôi không nghĩ ông ấy sẽ trả lời. Nhưng ông ấy dừng lại và nói: “Tôi sẽ tìm đến một giáo viên yoga lúc mệt mỏi và chúng tôi đã tập thở, tôi cần điều đó”. Từ câu trả lời ấy khiến tôi tự nói với bản thân, dù là HLV, cầu thủ hay bất cứ ai, họ cũng cần được hỏi “Anh có khỏe không”? Ai cũng có lúc phải ra những quyết định, phải bước vào một hệ thống mới, phải tiến về phía trước.
– Năm ngoái, nữ VĐV tennis Naomi Osaka và đặc biệt VĐV thể dục dụng cụ Simone Biles đã nói về chứng trầm cảm của họ. Tại sao đó vẫn là điều cấm kỵ trong bóng đá?
Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào nếu một cầu thủ nói như vậy vào cuối trận đấu, giải thích rằng anh ta không được khỏe. Vào thời kỳ của tôi, điều đó khó hơn nhiều, hoàn toàn là điều cấm kỵ. Ngay cả trong nội bộ CLB. Bạn vào phòng thay đồ, bạn hỏi: ‘’Cậu khỏe không?’’ – “Khỏe’’, đồng đội của bạn sẽ đáp thế, ngay cả khi mọi thứ không suôn sẻ. ‘’Cậu ngủ có ngon không? – Có’’ ngay cả khi không phải như vậy. ‘’Cậu có đau không? – Không’’, ngay cả khi rất đau. Ngày nay, cầu thủ có thể cởi mở nhiều hơn. Nhưng nếu bạn nói: ‘’Về mặt tinh thần, tôi không được khỏe’’, thì trận đấu sau bạn có thể phải trả giá đắt. CĐV của đối thủ sẽ hát gì, sẽ hò hét gì khi bạn thực hiện quả ném biên hoặc khi bạn đặt chân đến SVĐ? Họ biết tỏng bạn là ai. Họ sẽ gây sức ép. Không dễ dàng cho bạn đâu.
– Vốn luôn là người rất mạnh mẽ bề ngoài nhưng có khi nào anh phải khóc thầm không?
Khóc là điều không nên. Bạn không thể cho người khác thấy nhũng điểm yếu của mình. Khi ấy, tôi tự nói: “Thierry, đừng khóc, đừng khóc, đừng khóc”! Song, tôi vẫn khóc một mình nhưng đấu tranh để không suy sụp. Còn bây giờ, tôi sẽ khóc, nếu gặp những cú sốc tinh thần.
– Anh có từng bị trầm cảm khi còn là cầu thủ không?
Tôi không biết, tôi không có dấu hiệu bị trầm cảm. Giống như mọi cầu thủ lúc bấy giờ, đó là “Bạn thi đấu và bạn im lặng”. Khi tôi đến muộn, tôi sẽ nghe được câu: “Cậu lấy đồ và đến đội dự bị 3 tháng”. Không có bất cứ cuộc thảo luận, tranh cãi nào cả. May mà thời gian đó đã qua và mọi thứ đều tốt đẹp. Với tư cách là một HLV, nếu một trong những cầu thủ của tôi đến muộn, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao. Chúng ta phải hiểu rằng các cầu thủ cũng là con người, giống như HLV, CĐV, BLV, nhà báo…
– Liệu thực sự cầu thủ có thể nói về nỗi sợ hãi của mình không?
Nếu một cầu thủ nói ở cuối một trận đấu: “Tôi không dám sút quả phạt đền này, tôi sợ”, thì tôi không biết liệu người ta có lắng nghe cậu ấy không. Ví dụ, trước khi tiến đến sút quả phạt đền trong trận gặp Italia ở ở tứ kết World Cup 1998, Aime Jacquet đến cạnh tôi và hỏi: “Cậu sút nhé?”, tôi không do dự mà trả lời “Ừ” giống như cách mà tôi đã làm ở giải tứ hùng Clamart với đội bóng Les Ulis (đội bóng quê nhà của Henry). Thầy nhìn tôi: “Ừ hay vâng?”, “à, vâng thưa thầy”. Và từ đó, tôi thường xuyên được chỉ định sút penalty, ngay cả khi tôi không vững tin lắm (cười).
– Liệu phát biểu của một ngôi sao bóng đá có thể làm nên chuyện?
Chúng ta kể ra đây như Neymar, Messi, Mbappe đi, vì họ là những siêu sao tại Pháp. Nhưng lời nói của bất cứ cầu thủ nào cũng đều có giá trị. Chúng ta đang ở năm 2022, mọi thứ cần phải cởi mở. Nếu một cầu thủ gặp vấn đề về tinh thần hoặc vấn đề khác, hãy để cậu ta nói ra. Và mọi người không có phản ứng tiêu cực là hoàn toàn bình thường. Đôi khi bạn cảm thấy áp lực từ bố mẹ, người đại diện, công chúng, truyền thông, CĐV, HLV hay từ chính bạn. Khi tất cả cộng lại, nó khiến bạn không thể chịu đựng được. Vậy phải nói ra thôi. Đừng vô trách nhiệm với bản thân bằng những câu như “Tôi không sợ”, “Tôi không đau”, “Tôi vẫn ổn”… Đó không phải sự thật.
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.