Từ lâu, Chelsea của Abramovich đã không còn thế mạnh “độc quyền” về khả năng rải tiền nữa. Họ không sánh bằng PSG, Man City, hoặc sắp tới là Newcastle về hầu bao của các ông chủ. Nhưng trong số này, chỉ có Chelsea đủ tư cách vô địch Champions League. Nguyên nhân lớn nhất ắt không nằm ở sức mạnh tiền bạc.
Chelsea có một đặc điểm “quái lạ”: rất hay thành công vang dội ngay sau khi thay HLV giữa mùa. Cả hai chức vô địch Champions League 2012 và 2021 đều do các HLV chỉ vừa cầm quân vài tháng đem về (Roberto Di Mateo và Thomas Tuchel). Chức vô địch Europa League 2013 cũng vậy (Rafael Benitez).
Ở khía cạnh khác, Chelsea khét tiếng là đội thay HLV như thay áo. Đã có 16 đời HLV khác nhau (có vị chỉ làm tạm thời, có vị làm HLV nhiều lần) từ khi Abramovich tiếp quản Chelsea từ năm 2003. Giới thạo tin khẳng định một điều: Chelsea sa thải hoặc mời HLV nào, Abramovich cũng luôn là người quyết định cuối cùng, dù ông không trực tiếp nhúng tay vào quá nhiều việc.
Tin hay không tùy bạn, nhưng người ta quả đã viết trong một cuốn sách về Abramovich, kể chuyện nhân vật này sang Anh để đàm phán mua lại CLB… MU hồi năm 2003. Nhìn qua cửa sổ khi phi cơ bay ngang sông Thames, Abramovich thấy một sân bóng xinh đẹp phía dưới. Hỏi đấy là sân nào, Abramovich được tả hữu cho biết đấy là sân Stamford Bridge của Chelsea.
Rất nhanh chóng, Abramovich trở thành ông chủ mới của Chelsea. Còn MU thì hai năm sau được bán cho gia đình Glazer. Thay cả CLB cần mua chỉ sau một thoáng quyết định, chứ thay HLV thì đâu có gì khó. Thay đổi như thế mà vẫn thành công, thì đấy là một bản năng?
Tất nhiên, đã có những nhân vật số 2 hoặc số 3 nào đó trực tiếp làm việc cật lực (và xuất sắc), trước khi Abramovich đưa ra quyết định chóng vánh, cuối cùng. Ngay lúc này, Chelsea vẫn đang thành công rực rỡ, là ĐKVĐ Champions League và FIFA Club World Cup. Giám đốc Marina Granovskaia vừa được trao giải nhà điều hành xuất sắc nhất năm 2021.
Ngày xưa, ngay khi tiếp quản Chelsea, Abramovich dễ dàng mua hết những cầu thủ mà ban huấn luyện muốn có. Nhưng ít ai lưu ý: cú chiêu mộ thành công nhất khi ấy có lẽ không phải là bất cứ ngôi sao nào. Đấy là Peter Kenyon, giám đốc điều hành đã nhảy từ MU sang Chelsea ngay trong năm 2003. Từ Kenyon đến Granovskaia, đấy là cả một lịch sử riêng, thuộc lĩnh vực điều hành CLB, trong lịch sử 117 năm tồn tại của Chelsea.
Đấy là mảng khuất ít được lưu ý. Và đấy là mảng quyết định, như một chất xúc tác: tiền tỷ rải ra có đem lại thành công trong bóng đá nhà nghề hay không. Không có chất xúc tác này (hoặc có nhưng là… thuốc dỏm), thì… cứ xem MU suốt 8 năm qua khắc biết.