Trưa ngày 22/10 (giờ Việt Nam), lễ bốc thăm VCK World Cup nữ 2023 đã diễn ra. Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng E với Mỹ, Hà Lan và đội giành vé vớt trong 3 đội: Thái Lan, Bồ Đào Nha hoặc Cameron.
Nói về 2 đối thủ đã được xác định của thầy trò HLV Mai Đức Chung, ĐT Mỹ được đánh giá rất cao. Mỹ chính là đương kim vô địch thế giới. Trong 8 kỳ dự VCK World Cup, Mỹ chưa bao giờ nằm ngoài top 3 chung cuộc. Mỹ 4 lần vô địch thế giới, 1 lần á quân và 3 lần đứng hạng 3 chung cuộc. Trong khi ĐT nữ Hà Lan là đương kim á quân của giải. Tại Cúp châu Âu vừa qua, ĐT nữ Hà Lan cũng vào nhóm 8 đội mạnh nhất.
Đây là lần đầu tiên ĐT nữ Việt Nam được góp mặt ở sân chơi World Cup, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Tất cả các đối thủ ở World Cup đều là những đội bóng mạnh. Do đó, đây là cơ hội để ĐT nữ Việt Nam rèn luyện, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Thật không dễ để có thể mời được các đối thủ mạnh như vậy sang thi đấu cùng chúng ta, nhưng lần này chúng ta có cơ hội để thi đấu cùng họ, đó là điều hạnh phúc nhất. Chúng ta chưa thể đạt thành tích cao ở thời điểm này, nhưng toàn đội sẽ cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao để đạt được các yêu cầu đề ra về chuyên môn”.
Ban huấn luyện và LĐBĐVN đã trao đổi và thống nhất các phương án hợp lý nhất cho quá trình chuẩn bị của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Theo đó, đầu năm 2023, sau khi kết thúc lượt đi giải bóng đá nữ VĐQG 2023, ĐT nữ Việt Nam sẽ có đợt tập trung trở lại để bắt tay vào chuẩn bị cho các nhiệm vụ quan trọng trong năm, đặc biệt là VCK FIFA World Cup nữ 2023 Australia/New Zealand.
HLV Mai Đức Chung tiết lộ: “Ở lần tập trung này, Ban huấn luyện sẽ triệu tập lượng lớn các cầu thủ nhằm rà soát và tuyển chọn các gương mặt trẻ, mới để có thể kế cận đàn chị. Các lứa vận động viên nhiều tuổi phần nào cũng sẽ có những ảnh hưởng về thể lực. Vì thế, chúng tôi sẽ xen kẽ các cầu thủ mới và cũ để đạt được các yêu cầu tốt nhất về chuyên môn trong tập luyện và thi đấu”.
VCK World Cup nữ 2023 sẽ được tổ chức tại Australia và New Zealand từ ngày 20/7 đến 20/8/2023 trên 10 sân đấu. 10 địa điểm thi đấu được bố trí tại hai quốc gia, trong đó 4 điạ điểm tại New Zealand và 6 địa điểm tại Australia. Từng cụm sân tập, khách sạn tại các địa điểm thi đấu và kế hoạch di chuyển sẽ được bố trí để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đội.
Bảng A: New Zealand, Na Uy, Thụy Sỹ, Philippines Bảng B: Australia, Canada, Ireland, Nigeria Bảng C: Tây Ban Nha, Nhật Bản, Costa Rica, Zambia Bảng D: Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Đội play-off bảng B Bảng E: Mỹ, Hà Lan, Việt Nam, Đội play-off bảng A Bảng F: Pháp, Brazil, Jamaica, Đội play-off bảng C Bảng G: Thụy Điển, Italia, Nam Phi, Nigeria Bảng H: Đức, Hàn Quốc, Morocco, Colombia. |