Để làm rõ hơn khái niệm “quyền lực cầu thủ”, chúng ta hãy cùng xem những gì diễn ra ở một số CLB như Chelsea hay Man United. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên trang Atheltic hồi năm ngoái, cựu tiền vệ CLB Chelsea là Mikel Jon Obi từng chia sẻ: “Ở Chelsea có những cầu thủ rất uy quyền. Họ là những người đã cống hiến cho CLB trong suốt nhiều năm nên tiếng nói của họ trong phòng thay đồ rất có trọng lượng”.
“Những cầu thủ này có quyền làm gì đó để đảm bảo mọi thứ trong đội được vận hành một cách trơn tru. Nếu CLB đi chệch hướng, họ sẽ làm tất cả những gì có thể để thiết lập lại trật tự”.
“Khi nhận thấy một HLV làm việc không tốt, các cầu thủ có quyền làm gì thì bạn biết rồi đấy. Họ sẽ mạnh dạn đưa ra quan điểm, hoặc làm những việc khác để cuối cùng BLĐ CLB phải thay tướng. Nếu kế hoạch thành công thì đó thực sự là câu chuyện rất vui. Vâng, ở Chelsea đôi khi chúng tôi vẫn loại bỏ HLV theo cách ấy, nhưng tất cả cũng chỉ vì muốn CLB tốt lên mà thôi”, Mikel kết luận.
Đúng như chia sẻ của Mikel, ở Chelsea từng xảy ra những vụ “cưa ghế thầy” xuất phát từ chủ trương của nhóm “quyền lực đen”. Nổi tiếng nhất là việc Andre Villas-Boas bị đẩy ra đường vào năm 2012. Điều đáng nói là sau khi “Mourinho đệ nhị” bị buộc phải thôi việc, Chelsea đã mạnh lên trông thấy và họ thậm chí còn đoạt chức vô địch Champions League vào cuối mùa.
Như vậy, có thể thấy việc các cầu thủ thể hiện quyền lực ở Chelsea hóa ra không khiến cho con tàu The Blues tan vỡ. Ngược lại, nhờ việc bổ nhiệm HLV Roberto Di Matteo vào giữa mùa mà Chelsea đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi.
Tất nhiên, không phải mọi HLV đều cảm thấy thoải mái khi bị mất việc bởi tác động của chính các học trò. Đơn cử như Jose Mourinho, HLV lừng danh người Bồ Đào Nha sau khi rời Man United đã trút bầu tâm sự: “Bây giờ chúng ta không còn ở thời kỳ mà một mình HLV có thể đương đầu với những cầu thủ thiếu chuyên nghiệp và không được giáo dục tốt như trước nữa”.
Vấn đề ở chỗ đó chỉ là quan điểm một chiều của cá nhân HLV Mourinho vốn nổi tiếng có cái tôi rất lớn. Cần nhớ, quản lý đội bóng là nhiệm vụ của HLV, vậy nên nếu ai không thể làm tốt công việc của mình thì người đó phải chuyển đi nơi khác cũng là chuyện dễ hiểu.
Nếu “Người đặc biệt” không đồng tình với điều này thì ông hãy nhìn vào những tấm gương như Pep Guardiola hay Juergen Klopp. Đây là những nhà cầm quân tài ba, đã gắn bó với Man City và Liverpool nhiều năm nhưng chưa hề gặp phải vấn đề tương tự như Mourinho ở Old Trafford. Vậy tại sao Guardiola và Klopp lại làm được như vậy? Lý do đơn giản là vì họ biết cách thể hiện cái uy, hiểu tâm lý học trò và khéo léo trong việc đương đầu với những cầu thủ quyền lực.
Trở lại với MU, trong khi có quan điểm cho rằng những cầu thủ quyền lực đang làm hỏng Quỷ đỏ thì thực tế lại hoàn khác. Chẳng thế mà ở mùa giải trước, HLV Ole Gunnar Solskjaer từng giúp MU cán đích ở vị trí thứ 2 tại Premier League bất chấp việc ông không phải là vị chiến lược gia được đánh giá cao về mặt chuyên môn.
Không khó để nhận ra MU đạt thứ hạng cao như thế phần lớn là do nỗ lực của các cầu thủ, chứ không phải tài phép của HLV Solskjaer, người trước đó mới chỉ có kinh nghiệm làm việc ở Na Uy và từng khiến CLB Cardiff City phải xuống hạng. Trên lý thuyết, một đội bóng lớn như MU đáng ra cần được dẫn dắt bởi một HLV tầm cỡ hơn. Nếu không có tác động của những cầu thủ quyền lực trong phòng thay đồ, MU của HLV Solskjaer có thể đã có thành tích tệ hại hơn nhiều.
Ở MU bây giờ, quyền lực của các cầu thủ cũ (chẳng hạn như Roy Keane hay Rio Ferdinand) thậm chí còn lớn hơn so với Ronaldo. Việc những “chuyên gia” này liên tục bảo vệ đồng đội cũ Solskjaer là hành động xem ra có phần bất công với CR7 và các cầu thủ hiện giờ của Quỷ đỏ.
Nên biết, MU lúc này đang được dẫn dắt bởi HLV Rangnick trước đó chuyên làm quản lý chứ không có nhiều kinh nghiệm cầm quân. Nếu MU cứ chơi chệch choạc vì triết lý bất hợp lý của vị HLV tạm quyền này, Ronaldo và các đồng đội của anh mà không lên tiếng thì đó mới là mặt trái của “quyền lực cầu thủ”.