Abramovich mua Chelsea với giá khoảng 190 triệu USD năm 2003. Đội bóng này được ông xây dựng, nuôi dưỡng để trở thành nhà vô địch Champions League mùa trước. Năm ngoái, Chelsea được Forbes định giá 3,2 tỷ USD, và ít người biết rằng đội chủ sân Stamford Bridge nợ Abramovich số tiền đáng kinh ngạc là 2 tỷ USD.
Kieran Maguire, một giảng viên tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, nói rằng điều đó mang lại cho Abramovich không thiếu đòn bẩy ở Anh, tùy thuộc vào mức độ trừng phạt sâu sắc có thể áp dụng. Tình huống xấu nhất dành cho các CĐV Chelsea lúc này đã được đặt ra. “Nếu muốn thu tiền về, Abramovich có thể yêu cầu từ khoản vay của Chelsea. Điều đó có nghĩa là Chelsea ngừng kinh doanh”, Maguire cho hay.
Tình hình này nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể tác động đến thế giới thể thao như thế nào, đặc biệt khi nhiều CLB đã đua nhau cắt đứt quan hệ với Nga. CLB Schalke 04 của Đức mới đây thông báo họ đã bỏ logo của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom khỏi áo đấu. Man United cũng đã cắt hợp đồng với hãng hàng không lớn nhất của Nga là Aeroflot, sau khi các lệnh trừng phạt cấm công ty hoạt động ở Vương quốc Anh. Nặng nhất phải kể đến việc UEFA đã quyết định rời địa điểm tổ chức trận chung kết Champions League 2021/22 từ St.Petersburg sang Paris.
Forbes ước tính tài sản của Abramovich là 13,3 tỷ USD, chủ yếu là từ sản xuất thép và kim loại. Tên của ông đã nhiều lần đứng đầu danh sách các nhà tài phiệt có nhiều khả năng phải đối mặt với các vòng trừng phạt tiếp theo của Vương quốc Anh về tài sản và lợi ích kinh doanh. Tuần trước, quốc hội đã buộc phải giải quyết dòng tiền của Nga vào London khi các chính trị gia Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nói rằng họ lo ngại lỗ hổng trong các quy tắc của Vương quốc Anh có thể làm sai lệch các biện pháp trừng phạt của họ trước việc Nga tấn công Ukraine.
Nghị sĩ Chris Bryant cho rằng Abramovich “không còn có thể sở hữu một đội bóng ở Vương quốc Anh”, đồng thời kêu gọi Anh nên xem xét việc thu giữ một số tài sản của Abramovich, bao gồm căn nhà trị giá 152 triệu bảng (200 triệu USD). Người phát ngôn của Abramovich vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về chuyện này.
Dữ liệu sổ sách mới nhất của Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea, xác nhận khoản vay 2 tỷ đô la “được cung cấp bởi bên kiểm soát cuối cùng, ông Roman Abramovich”. Trong năm qua, Abramovich đã cho Chelsea mượn thêm 26 triệu USD ngay cả khi The Blues trở thành tân vương Champions League hồi tháng 6 năm ngoái.
Maguire mô tả các khoản vay là đòn bẩy chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào vào tài sản của Abramovich. “Chelsea không có đủ nguồn lực để trả lại tiền. Nếu Chelsea bị bán, cuối cùng bạn cũng bán vì giá trị doanh nghiệp. Cho dù khoản tiền này dưới dạng vốn chủ sở hữu hay nợ đều không liên quan. Nhưng Chelsea có khả năng gặp rắc rối vì Abramovich có thể đòi lại tiền”, Maguire cho biết thêm.
Maguire cũng đưa ra giả thiết Abramovich có thể lập luận một cách hiệu quả rằng tài sản của ông bị đóng băng, ông ấy cần tiền, và sau đó Chelsea sẽ ngừng hoạt động. Ai muốn mua lại Chelsea sẽ cần có một khoản tiền khổng lồ.
Theo Kenneth Cortsen, một nhà kinh tế thể thao tại Đại học Bắc Đan Mạch, trường hợp của Abramovich đặt ra một câu hỏi lớn hơn là liệu Premier League, hay bất kỳ tổ chức bóng đá hàng đầu châu Âu nào, cần phải suy nghĩ lại về việc họ cho phép ai đứng trong hàng ngũ chủ sở hữu của CLB ở giải đấu của mình.