Chúng ta đã từng hoảng loạn, mất lòng tin vào tương lai để rồi đi đến một quyết định chưa từng có trong lịch sử: Hủy giải!
Giờ thì cả xã hội đã thấu hiểu khái niệm “trạng thái bình thường mới”. Nói một cách cụ thể, dễ nhận thấy nhất chính là việc, đối diện và chung sống với dịch bệnh. Một số chuyên gia còn đề xuất, hãy coi Covid-19 như một căn bệnh thông thường như bao căn bệnh khác mà loài người đang phải đối diện. Tất nhiên, để loại trừ nỗi sợ hãi, hoảng loạn trong xã hội khi ngày nối ngày có hàng ngàn, đến hàng chục ngàn ca nhiễm mới là điều không hề dễ dàng. Nhưng, chúng ta cũng chẳng thể làm gì khác là coi mọi thứ nhẹ nhàng, phải tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sống và phát triển. Trái đất vẫn quay và chúng ta vẫn phải làm việc, tiến lên phía trước chứ không thể dừng lại vì đại dịch.
Vấn đề đặt ra với bóng đá Việt Nam là chúng ta sẽ đối diện với dịch bệnh, đối diện với những tình huống nằm ngoài kịch bản như thế nào? Chắc chắn một điều, Covid-19 sẽ không sớm bị đẩy lui. Bóng đá Việt Nam lại có quá nhiều sự kiện trong năm 2022. Thế nên, quỹ thời gian dành cho V.League là vô cùng hạn hẹp. Các nhà chuyên môn đã nhọc công xây dựng một kế hoạch thi đấu nhằm hài hòa tất cả các mục tiêu. Trong đó, những giải pháp cho tình huống không mong muốn đã được tính đến và buộc phải tính đến ngay ở thời điểm này.
V.League từng phải dừng lại vì một số cầu thủ SLNA là F2 để rồi sau đó, chúng ta phải tranh cãi rất nhiều về thứ hạng chung cuộc. Nhưng đáng tiếc nhất chính là việc, V.League đã bị hủy vì quan điểm cho rằng, chưa biết đến bao giờ dịch mới bị đẩy lùi dù đã có khái niệm “bình thường mới”. Hệ quả là V.League đã có một cột mốc đáng quên về hình ảnh, giá trị thương mại và tầm nhìn phát triển. Thế nên, ngay từ lúc này, chính những người làm bóng đá phải xác lập được nguyên tắc chung, tầm nhìn chung và cả trách nhiệm chung nhằm xây dựng giải đấu chứ không phải toan tính nhằm có lợi nhất cho mình.