Phải nhấn mạnh, tấm vé đến World Cup là tổng hòa những cố gắng của cả hệ thống. Có cương, có nhu, có dài hạn, có ngắn hạn, có những quyết định dũng cảm và kiên trì của nhà quản lý, có sự nỗ lực, hy sinh của các cầu thủ. Và thêm nữa, bóng đá nữ không thể đi xa nếu thiếu đi những người bạn đồng hành chung thủy, hào phóng. Từ cấp CLB đến giải VĐQG lẫn ĐTQG đều có những nhà tài trợ dù khiêm tốn về giá trị nhưng hào phóng về sự thương yêu. Bởi, nói cho cùng, nếu muốn quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp sẽ không đổ tiền vào bóng đá nữ. Thế nên, từng khoản tiền mà bóng đá nữ nhận được suốt thời gian qua ở mọi cấp độ thật đáng trân trọng. Chính nhờ sự hào phóng đó mà các cầu thủ bóng đá nữ, các CLB nữ, nhà quản lý đã không cảm thấy đơn độc và có điều kiện để theo đuổi giấc mơ World Cup.
Tài trợ bóng đá nữ là bài toán nan giải. Từ cấp CLB đến giải VĐQG hay ĐTQG luôn gặp khó khăn trong việc xã hội hóa, thu hút các nguồn tiền từ doanh nghiệp. Thế mới có chuyện, các CLB nữ hầu hết sống bằng nguồn tiền từ ngân sách địa phương. Những khoản tiền tài trợ có được cũng đến từ các đối tác thân thiết vốn kết giao bởi sự chia sẻ chứ không hướng đến mục tiêu quảng bá thương hiệu. Chẳng thế mà hơn một thập kỷ qua, giải nữ VĐQG chỉ gắn bó với nhà tài trợ độc quyền Thái Sơn Bắc. Và mỗi lần họp báo, nhà tài trợ này luôn mong mỏi có thêm các đối tác cùng đồng hành với mình trong việc chắp cánh cho bóng đá nữ nhưng đến nay vẫn chưa thành.
Trong vinh quang không quên những người đã cùng mình thề nguyền trong bão tố. Bóng đá nữ đã có một vị thế khác, nhưng để đi vào lịch sử, họ thật may mắn vì không đơn độc. Họ chắt chiu từng đồng tài trợ, từng sự quan tâm để biến sự gian khó thành động lực chiến chắng. Và hy vọng rằng, với tấm vé đến World Cup, bóng đá nữ sẽ vui hơn, sẽ đón nhận được sự quan tâm lớn hơn từ xã hội để tạo ra nền tảng mới cho sự phát triển.