Đấy hẳn nhiên đều là những CLB giàu có. Giàu để làm gì, nếu không dám tiêu xài? Cho nên, vấn đề ở đây là những gã nhà giàu tiêu tiền thế nào, hơn là họ tiêu xài bao nhiêu. Barcelona tiên tiền một cách ngớ ngẩn, đến nỗi giờ đang oằn mình cõng món nợ bạc tỷ trong khi thành tích chuyên môn lại rất bết bát. PSG và M.U có hơi khác: đáng lẽ họ không cần tiêu hoang như những con số đã thể hiện. M.U cũng lụn bại hẳn về thành tích, chỉ khác Barcelona ở chỗ họ chưa trở thành chúa chổm. PSG thì vẫn như cũ. Đấy là thế lực số 1 trong làng bóng Pháp, nhưng ra ngoài nước Pháp thì chẳng làm ai sợ hãi.
Xem ra, chỉ có Man City là thật sự thành công. Tốn kém thì quá rõ rồi. Ở một khía cạnh nào đó, thành công nhờ bỏ tiền ra mua phương tiện cũng chẳng hay ho gì lắm. Nhưng một mặt, Man City có rất nhiều tiền, chẳng lẽ không mua. Mặt khác, họ mua và đạt được mục đích trong khi những đội nhà giàu xung quanh thì không. Đấy là khác biệt quan trọng.
Nói huỵch toẹt ra thì Man City chỉ là một gã nhà quê hạng bét của bóng đá đỉnh cao, trong bức tranh tổng thể về truyền thống suốt trăm năm nay. Hồi M.U của Alex Ferguson làm “cú ăn ba” hiển hách, thì Man City còn đang chơi bóng ở giải hạng Ba. Thành tích đỉnh cao của họ, có liệt kê cũng chỉ để thấy xấu hổ khi so sánh với các đội bóng danh tiếng. Một đội như vậy không những phải mua, mà còn phải chịu mua đắt, nếu muốn vươn lên. Cùng mức đãi ngộ như nhau, dĩ nhiên một ngôi sao sẽ chọn CLB nổi tiếng, hơn là đến Man City.
Bây giờ, vị thế số 1 của Man City ở Premier League là điều chẳng cần giới thiệu. Đội này đang ở giai đoạn thành công nhất trong lịch sử 142 năm tồn tại. Tuy vẫn chưa hiện thực hóa giấc mộng vô địch Champions League, nhưng Man City dù sao cũng đã tiến đến cột mốc xa nhất từng có, là vào chung kết. Và khi người ta đánh giá Man City “thất bại” trong trận chung kết Champions League 2021, thì đấy cũng là chi tiết thành công. Bởi đấy là sự thừa nhận đẳng cấp (đáng lẽ phải vô địch) của Man City. Không ai nhìn nhận PSG như vậy, khi đội này thua Bayern Munich trong trận chung kết Champions League 2020.
Ruyad Mahrez luôn đá chính ở Champions League mùa này, nhưng anh chỉ đá chính 8/23 trận ở Premier League. Ngược lại, Gabriel Jesus (thường là cùng vị trí với Mahrez) đá chính 15/23 trận ở Premier League nhưng chưa hề đá chính ở Champions League. Đấy chỉ là một trong cơ man ví dụ cho thấy Man City “có điều kiện” như thế nào. Mua rồi mua nữa, cho đến khi có thủ môn tuyệt vời, là ví dụ khác. Còn hơn “không biết cách mua” như M.U hoặc Barcelona.
Nghề chơi cũng lắm công phu, đâu phải cứ giàu là được! Có khi giàu mới khổ, bởi bạn “phải” tiêu xài, và thiên hạ sẽ xem bạn tiêu xài thế nào để phán xét.