Đằng sau tấm vé dự World Cup futsal
Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam liên tiếp gặt hái những thành công từ khu vực, châu lục đến thế giới. Việc các ĐTQG tham dự VCK Asian Cup hay thậm chí là sân chơi World Cup không còn là điều quá xa lạ. Nếu ở nhiệm kỳ 2014-2018, VFF có những định hướng quan trọng và vun đắp cho giấc mơ World Cup, điển hình là ĐT futsal Việt Nam lần đầu trong lịch sử thắng Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2015 để có vé dự World Cup futsal 2016 thì đến năm 2020, mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Cũng vì dịch bệnh nên VCK futsal châu Á 2020 không thể diễn ra và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn các đại diện của châu Á đi dự World Cup futsal. Theo AFC, những đội bóng có thành tích tốt nhất trong 5 kỳ Asian Cup futsal gần đây sẽ dự World Cup futsal 2021 và Iran, Nhật Bản và Uzbekistan đã được chọn. Hai suất còn lại được tổ chức vòng play-off với sự tham dự của 4 đội mạnh khác là Việt Nam, Iraq, Thái Lan và Lebanon. Ban đầu AFC dự kiến để hai đội tuyển ĐNÁ là Thái Lan và Việt Nam gặp nhau, hai đội Tây Á là Iraq và Lebanon gặp nhau. Nếu vòng play-off diễn ra với các cặp đấu như trên thì rất khó cho ĐT futsal Việt Nam bởi Thái Lan quá mạnh.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC, ông Trần Quốc Tuấn đã có những ý kiến quan trọng và gần như làm đảo lộn tình thế khi các đội tiến hành bốc thăm để xác định các cặp thi đấu play-off. Đây là cột mốc quan trọng đảm bảo tính khách quan và công bằng giữa các khu vực tại châu Á và lá thăm đã đưa ĐT futsal Việt Nam gặp Lebanon tại vòng play-off. Trải qua 2 trận đấu, Văn Vũ và đồng đội đã vượt qua đội bóng Tây Á để lần thứ hai giành vé dự World Cup futsal. Và khi giành được vé dự giải futsal lớn nhất thế giới, ông Trần Quốc Tuấn và Trưởng đoàn Trần Anh Tú đã thông qua các mối quan hệ để giúp ĐT futsal Việt Nam có chuyến tập huấn chất lượng tại cường quốc futsal thế giới là Tây Ban Nha trước khi sang Lithuania dự World Cup futsal 2021. Và ở giải đấu năm đó, nhờ được tập huấn, cọ xát với nhiều đối thủ chất lượng nên thầy trò HLV Phạm Minh Giang đã gây chấn động tại sân chơi thế giới khi vượt qua vòng bảng, thậm chí cầm hòa đội xếp thứ 16 thế giới là CH Czech trước khi thua đương kim á quân Nga với tỷ số 2-3 tại vòng knock-out.
Ghi dấu ấn rộng khắp
Trước khi được bầu làm Quyền Chủ tịch VFF từ tháng 1/2022 đến nay, ông Trần Quốc Tuấn trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực VFF đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác ngoại giao, quan hệ mật thiết giữa VFF với nhiều LĐBĐ mạnh ở cả châu lục lẫn thế giới. Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã chủ động gặp gỡ, trao đổi và đặt nền móng cho các mối quan hệ hợp tác phát triển trong lĩnh vực bóng đá với các LĐBĐ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Qatar, UAE, Saudi Arabia, CLB Wolfsburg (Đức)… Nhờ đó, các ĐTQG Việt Nam được tạo điều kiện đi tập huấn dài ngày, thi đấu cọ xát với các đội mạnh trước khi tham dự những giải đấu quan trọng.
Khi làm Ủy viên Ban chấp hành AFC, ông Trần Quốc Tuấn là một trong những người vận động Asian Cup 2019 mở rộng số đội tham dự từ 16 lên 24. Sau đó, ĐT Việt Nam lần thứ hai góp mặt tại tứ kết Asian Cup. Dấu ấn chuyên môn của HLV Park Hang Seo tại giải đấu đó là rất rõ nét khi giúp ĐT Việt Nam giành vé vào vòng knock-out. Đặc biệt, ông Trần Quốc Tuấn cũng có đóng góp thầm lặng trong vai trò hậu cần, đề xuất sân bãi tập luyện do có quan hệ tốt với các LĐBĐ nước ngoài.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Trần Quốc Tuấn đã đem nhiều “công thức”, đặc biệt là quy trình “bong bóng khép kín” từ thế giới về áp dụng cho nhiều giải đấu quốc nội cũng như các ĐTQG. Tháng 7/2022, ĐT nữ Việt Nam đã thi đấu giao hữu với ĐT nữ Pháp. Cũng trong tháng 7/2022, Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và đoàn công tác VFF đã tới thăm trụ sở mới của FIFA tại Paris (Pháp) và có buổi làm việc với Chủ tịch FIFA và Chủ tịch AFC, mở ra những hướng đi mới, tích cực cho bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.
VFF nhận được nhiều hỗ trợ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, dù không thể trực tiếp gặp gỡ nhưng VFF vẫn duy trì và phát triển mối quan hệ với các tổ chức bóng đá quốc tế và các LĐBĐ quốc gia: tiếp nhận 10.000 bộ xét nghiệm Covid-19 do Chủ tịch LĐBĐ UAE trao tặng; nhận hỗ trợ tài chính thông qua gói hỗ trợ Quỹ đoàn kết của FIFA nhằm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19; AFC hỗ trợ 50.000 USD giúp các trường học ở các tỉnh miền Trung Việt Nam khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra năm 2020; quỹ hỗ trợ trang thiết bị của UEFA; các khoản hỗ trợ thường xuyên của FIFA Forward, AFAP luôn được VFF theo sát và triển khai đúng tiến độ, nhằm ổn định quỹ tài chính phục vụ các hoạt động của VFF.