Ngay trước khi FIFA trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2021 cho Lewandowski, thì một lão tướng khác là Luka Modric, ở tuổi 36, đã tỏa sáng trong trận chung kết Siêu Cúp Tây Ban Nha, được cả thế giới khen ngợi. Chắc là Modric cũng đáng vứt đi, trong mắt Rangnick? Cách đây 3 năm, Modric (33 tuổi) trở thành ngôi sao duy nhất trong cả một kỷ nguyên giật được giải thưởng danh giá Quả bóng vàng ra khỏi cuộc cạnh tranh tay đôi giữa Ronaldo và Messi (từ năm 2008 đến nay, vẫn chưa có ai khác ngoài Modric làm được như thế).
Vấn đề không nằm ở độ tuổi cụ thể? Vâng. Rangnick vừa nói cách đây không lâu, rằng pressing là con đường duy nhất của bóng đá đỉnh cao hiện thời, và muốn chơi pressing thì điều cốt lõi phải có là khả năng chạy liên tục, chơi với cường độ cao nhất có thể.
Theo Rangnick, bạn cứ nhìn vào bất cứ đội bóng nào, trận đấu nào, ở giải nào, cũng đều nhận ra điều này. Có thể hiểu: vấn đề là phải chạy sao cho đúng cách, cho khôn ngoan, chứ chẳng phải cứ chạy hùng hục, càng không có mối liên hệ tuyệt đối nào giữa khả năng chạy với độ tuổi. Vậy, đấy là việc của… Rangnick, chứ không phải của các cầu thủ. Chạy sao cho đúng cách là vấn đề chiến thuật, là bài bản của HLV mất rồi, không phải của cầu thủ nữa. “Nói đạo lý” cho lắm vào!
Kỳ thực, Rangnick hay bất kỳ HLV nào, đều có quyền nhìn về bóng đá đỉnh cao bằng nhãn quan riêng của mình. Không nhất thiết phải mổ xẻ chiến thuật hoặc quan điểm Gegen-pressing của Rangnick là đúng hay sai. Báo giới, dựa vào số liệu thống kê, chứng minh rằng Aston Villa mới là đội pressing tốt hơn, tích cực hơn M.U, âu cũng là chỗ thừa thãi. Bởi rút cuộc thì đội pressing tốt hơn cũng đâu có thắng!
Bóng đá Anh không phải nền bóng đá số 1 thế giới về khả năng chuyên môn, Premier League cũng chưa chắc là giải đấu hay nhất thế giới về tính chất chuyên môn. Nhưng có một điều chắc chắn: Premier League là giải đấu giàu mạnh nhất thế giới. Lương cao, hợp đồng khủng, tràn ngập ở Premier League. Và đấy cũng là hấp lực duy nhất để kéo Rangnick về M.U giữ ghế HLV trong nửa mùa bóng. Vì lương cao, kể cả sau khi chấm dứt hợp đồng huấn luyện ngắn hạn, chuyển sang vai trò cố vấn như dự kiến, Rangnick sẵn sàng “mang tiếng”, với mọi kết quả tồi tệ có thể xảy ra. Suy cho cùng, HLV vĩ đại nào mà chẳng thất bại!
Cũng dễ hiểu. Nhưng đáng lẽ Rangnick phải thấy ra một điều quan trọng. Dân Anh có câu, đại khái là nếu bạn đã thừa tiền để thuê, thì cần gì phải nhọc sức lao động nữa! Trong bóng đá, nếu bạn khôn ngoan hơn, thì chẳng cần chạy? Tiền thì M.U không thiếu. Tài năng trong đội (do có tiền) cũng đầy ắp rồi. Bớt chạy, có khi lại hay?