Cụ thể, câu lạc bộ Leicester đã kiến nghị với ban tổ chức Ngoại hạng Anh rằng họ không có đủ số lượng cầu thủ cần thiết – 13 cầu thủ thi đấu và 1 thủ môn – để có thể bắt đầu trận đấu. Xét thấy đơn kiến nghị của Leicester là hoàn toàn phù hợp và được chấp thuận, giống như Everton cũng đã làm gần đây.
Đối với Leicester, đội chủ sân King Power lúc này lâm vào khủng hoảng lực lượng bởi nhiều yếu tốt. Đó là sự kết hợp của các trường hợp dương tính với COVID-19, chấn thương và các cầu thủ trở về làm nghĩa vụ quốc tế tại Cúp các quốc gia châu Phi.
Trận đấu ban đầu được lên lịch là ngày 19/12 nhưng thời điểm đó Everton là đội chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên bị hoãn và BTC Ngoại hạng Anh lên lịch lại sang ngày 11/1, thời điểm các câu lạc bộ mới trải qua những trận đấu tại FA Cup.
Đã có một số ý kiến cho rằng cách đây vài ngày Leicester đã có chiến thắng tưng bừng 4-1 trước Watford ở vòng 3 FA Cup, nhưng lại không đủ nhân sự cho trận đấu với Everton chỉ 3 ngày sau. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong chính sách đội hình giữa Premier League và FA Cup. Cụ thể, thể thức của Ngoại hạng Anh là “13+1” và có thể bị hoãn nếu không đáp ứng đủ tiêu chí này, nhưng ở FA Cup thì các đội bóng phải tuân thủ lịch thi đấu, ngay cả khi phải dùng đội hình trẻ.
Hướng dẫn từ trang chủ Ngoại hạng Anh về việc hoãn các trận đấu do Covid-19
“Hội đồng đánh giá các đơn xin hoãn trận đấu trên cơ sở từng trường hợp, dựa trên các quy tắc hiện có và hướng dẫn hoãn COVID-19 đã điều chỉnh, được thực hiện dựa trên biến thể Omicron mới.
Hội đồng sẽ đánh giá một số yếu tố, bao gồm khả năng của một câu lạc bộ để tạo ra một đội: tình trạng, mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm tàng của đợt bùng phát COVID-19 tại câu lạc bộ; và khả năng chuẩn bị để thi đấu trận đấu một cách an toàn của các cầu thủ.
Ban tổ chức cũng phải xem xét những rủi ro lớn hơn đối với phe đối lập và những người khác mà đại diện câu lạc bộ có thể tiếp xúc.