Một năm sau, họ thua Chelsea 0-3 đầy dễ dàng ở vòng bảng Champions League, khiến con đường trở lại vinh quang của đội chủ sân San Siro đang mang nhiều sắc màu của đường hầm tăm tối hơn là nấc thang lên thiên đường.
Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid, đội bóng 14 lần vô địch Cúp C1/Champions League, khi đến thăm AC Milan cách đây 12 năm đã nói: “Cùng với Real Madrid, Milan cũng mang trong mình ADN Champions League”. Chẳng có lời khen nào giá trị hơn lời khen đó của Perez.
Bằng lời nói ấy, Perez đã đặt Milan sánh ngang cùng đội bóng của mình, Real Madrid – CLB thành công nhất hành tinh. Ngày Perez nói điều ấy, Real Madrid có 9 danh hiệu Champions League, Milan có 7, và nhiều người đã tin rằng ngày Milan vượt qua Real là không còn xa khi Real đã bị Milan thu hẹp khoảng cách quá nhanh.
Tuy nhiên, khi chúng ta nói về họ hôm nay là việc Real có gấp đôi số Cúp C1/Champions League mà Milan sở hữu. Vấn đề còn phức tạp hơn bội phần vì sự khác biệt của Real và Milan trong cơn bĩ cực. Real cũng có giai đoạn 6 năm liên tục bị loại từ vòng 1/16 Champions League, nhưng khác hẳn với AC Milan hôm nay. Kền kền trắng biết cách nuôi dưỡng hy vọng, liên tục đầu tư, liên tục thay đổi và luôn được duy trì đẳng cấp để lấy lại vị trí nhà vua của mình.
Nhưng còn Milan thì không, tiềm lực so với các CLB khác ở châu Âu như Manchester City, PSG hay Bayern là một trời một vực, nên khả năng trở lại đỉnh cao của họ chỉ có thể trông đợi bằng phép màu. Ngôi sao lớn nhất mà Milan đang có lẽ là Rafael Leao và Sandro Tonali. Cùng với hai lão tướng Zlatan Ibrahimovic hay Oliver Giroud, hoặc kể thêm Theo Hernandez.
Đấy là ít nhiều các cầu thủ còn có số có má của Rossoneri. Còn lại thì ta không thể biết họ là ai, bất chấp các bạn có thể lấy lý do về cách làm truyền thông thầm lặng của nước Ý không khuếch trương tên tuổi được của người ta như các bác người Anh hay quốc tịch Anh.
10 năm đã đủ dài để các tifosi nhìn nhận rõ hơn về bộ mặt nước Ý, bóng đá nước Ý, hơn là “ăn mày dĩ vãng” và “ảo tưởng sức mạnh” về các thế lực không còn như xưa nữa. Phải, những tifosi đã bắt đầu nhận thức hơn về chính người Ý sau 2 kỳ World Cup liên tiếp vắng mặt, sau các trận thua dễ dàng ở Champions League (mà có khi 2 năm qua chỉ có Atalanta là đỡ tệ nhất), hay sự thất bại của Cristiano Ronaldo, Matthijs de Ligt trong tham vọng phục hưng Serie A.
Đơn giản là các siêu sao ấy, hay sự nỗ lực của Juventus chỉ là của những cá nhân nhỏ lẻ trước một nền bóng đá đã xuống cấp. Những trận thua dễ dàng trước các đội bóng “không có tuổi” với Milan cách đây 20-30 năm chỉ là để nói lên: thời đại đã thay đổi, và Milan và nỗi buồn châu Âu e rằng sẽ còn kéo dài.