Đoạn phim quảng cáo mở đầu bằng cảnh tua ngược thời gian về buổi đào tạo tại Trường đại học Thương mại Harvard, nơi xuất phát của các tỷ phú trong hơn một thế kỷ qua. Sau đó, chúng ta nhìn thấy Ferguson đang ngồi đối diện với một vị giáo sư ngành quản trị kinh doanh trong một căn phòng lớn có đầy đủ ánh sáng.
Được cho ra mắt vào năm ngoái, đây là một buổi ghi hình với nhiều camera chất lượng cao, đem tới những gì bạn mong đợi từ một nơi có học phí 60.000 bảng Anh cho một khoá học sáu tuần về lĩnh vực quản lý.
Sir Alex không phải trả tiền, bởi ông là một trong những lý do khiến mức học phí trở nên đắt đỏ như vậy. Tiếp cận với sự thông thái của cựu Manager của Man United là thứ mà các CEO, nhà kinh tế, nhà đầu tư tài chính thuộc thế hệ tiếp theo sẵn sàng móc hầu bao.
Điều này không tệ chút nào với một người đàn ông từng thừa nhận trong cuốn tự truyện đầu tiên của mình rằng ông cảm thấy xấu hổ vì đã trượt kỳ thi 11 điểm trở lên (mức điểm đầu vào của một số trường ngữ pháp ở Vương quốc Anh) và sau đó được thầy hiệu trưởng khuyên một cách lịch sự rằng hãy học nghề để kiếm sống khi mới 16 tuổi.
Đoạn video trường Havard tiếp tục với cảnh Ferguson trả lời câu hỏi về “những điều quan trọng” trong sự nghiệp của ông. Trước mặt các sinh viên đang dõi theo từng cử chỉ của mình, Ferguson viết lên tấm bảng đen lớn các từ khoá: “Mục đích, Đam mê, Lợi nhuận” và gạch chân thật rõ ràng.
“Thử tưởng tượng xem, bạn là một ông trùm kinh doanh – một người có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Điều đó có thực sự khiến bạn bị ảnh hưởng, rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới đang lắng nghe những gì bạn nói về đội ngũ lãnh đạo và quản lý?”, vị giáo sư hỏi.
Ferguson chia sẻ: “Trong 26 năm tôi ở Manchester United, những thành tựu mà chúng tôi đạt được là rất phi thường. Khi tôi mới đến, câu lạc bộ chỉ trị giá 10 triệu bảng. Hiện giá trị của Man United đã lên tới 2 tỷ bảng. Đó là sự tiến bộ đáng kinh ngạc.
Nhưng không phải tất cả đều do tôi mà là nhờ những cầu thủ tuyệt vời tôi đã từng dẫn dắt. Và điều thú vị là chúng tôi không chỉ đào tạo nên những cầu thủ trẻ tài năng mà còn bồi dưỡng nên những con người tốt”.
Ferguson, nhà quản lý bóng đá thành công nhất trong lịch sử Premier League bước sang tuổi 80 vào ngày hôm nay. Để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, tờ The Athletic đã thực hiện một loạt bài viết đặc biệt dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các HLV, cựu cầu thủ và thậm chí là một vài ông chủ CLB nhằm khắc hoạ đầy đủ và sống động về người đàn ông vĩ đại này.
Đó là một bức tranh rộng lớn và nó cần phải như vậy để tất cả có thể hình dung về tài năng của Ferguson trong kinh doanh với những bài học ngoài bóng đá mà ông có thể truyền đạt tới mọi người.
Một đồng nghiệp cũ tại Man United nói rằng Ferguson dường như “bị ám ảnh” bởi tiền bạc và địa vị mà nó mang lại, trong khi cựu chủ tịch Martin Edwards tuyên bố hầu hết các quan điểm chung của họ là về tiền mặt. Ông cũng nói rằng những sở thích ngoài sân cỏ của Ferguson đôi khi sẽ khiến mọi người phải ngạc nhiên.
Alex Ferguson vẫn khó chịu với số tiền mà Jose Mourinho đã kiếm được từ việc bị sa thải còn nhiều hơn thu nhập của ông trong gần 40 năm huấn luyện. Khoan bàn tới chuyện đúng sai, nhưng không thể phủ nhận rằng Ferguson luôn tự ý thức sâu sắc về giá trị của chính bản thân ông, kể cả khi các dự án sau này ông tham gia hoàn toàn không liên quan gì tới bóng đá.
Michael Crick, trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2002 có tiêu đề “The Boss: The Many Sides of Alex Ferguson”, cho biết: “Alex Ferguson sẽ thành công trong bất kỳ sự nghiệp nào mà ông ấy muốn dấn thân: thể thao, kinh doanh, chính trị… bất cứ thứ gì ngoài lĩnh vực ngoại giao”.
Để hiểu rõ điểm này, chúng ta chỉ cần nhìn vào công ty mà Ferguson cùng với vợ Cathy thành lập ngay sau khi ông dẫn dắt Aberdeen giành chiếc cúp châu Âu đầu tiên với chiến thắng 2-1 trước Real Madrid tại UEFA Cup Winners ’Cup. Đó là vào năm 1983 và Ferguson đã đóng góp rất nhiều trong suốt 41 năm sau đó.
Ferguson là con trai của của một người thợ đóng tàu ở Govan. Ông bỏ học năm 16 tuổi để học việc chế tạo công cụ, sau đó trở thành một cầu thủ dẫn đầu giải đấu về thành tích ghi bàn, từng chuyển đến chơi cho Rangers; từng được lên ĐT Scotland; từng thất bại tại Rangers rồi trở thành cầu thủ kiêm HLV của CLB Falkirk.
Ferguson cũng từng là HLV trẻ nhất của Scotland khi dẫn dắt CLB East Stirlingshire; từng đưa CLB St Mirren từ giải hạng Ba lên giải hạng Nhất Scotland; từng bị sa thải; từng mua một quán rượu, từng gia nhập Aberdeen và đập tan sự thống trị của Celtic. Sau đó ông mới lập gia đình.
Công ty mang tên ACF (Alexander Chapman Ferguson) Sports Promotions có khởi đầu khá chậm chạp. Đến cuối tháng 7/1985, sau 12 tháng kể từ ngày đầu thành lập, toàn bộ tài sản ròng của AFC chỉ là 2.850 bảng. Một năm sau, con số này tăng lên 5.426 bảng, tương đương với gần 16.500 bảng ngày nay.
Hiện tại, giá trị của ACF đã tăng lên gấp nhiều lần. Theo các công bố mới đây, 17,5 triệu bảng là mức định giá dành cho công ty phát hành sách này của Alex Ferguson.
Được phong tước Hiệp sĩ vào năm 1999, Sir Alex và Phu nhân Catherine đã tham gia vào HĐQT với sự trợ giúp của 3 con trai là Mark, một chủ ngân hàng, Darren – nhà quản lý bóng đá và Jason, người từng hoạt động trong thế giới bóng đá và trở thành người đại diện của chính cha mình là Alex Ferguson.
Ba người này hiện là đồng sở hữu của AFC, chủ của các công ty con thuộc ACF: 3 chi nhánh đầu tư, 2 công ty sản xuất và 1 doanh nghiệp xuất bản. Họ có khoảng 10 triệu bảng trong khối tài sản. Các công ty con mang tên DAMAJA 1983, DAMAJA 1991 và DAMAJA 1999, được đặt theo tên các con trai của Ferguson và năm ông cùng với Man United giành cú ăn ba lịch sử năm 1999.
Nhưng làm thế nào mà người đàn ông Scotland bước sang tuổi 80 vào ngày hôm nay vẫn điều hành tốt và khiến công ty này sinh lời trong hơn 8 năm rưỡi kể từ khi ông nghỉ hưu? Tài sản ròng của ACF đã tăng thêm 5 triệu bảng từ năm 2019 đến 2020.
Trong số đó, 2 triệu bảng của quá trình tăng trưởng có thể được giải thích bằng việc Ferguson đã gộp những kỷ vật bóng đá của mình vào tài sản của công ty; phần còn lại đến từ thu nhập sau khi nghỉ hưu của ông. ACF có tài sản sản ròng 1,6 triệu bảng khi ông từ chức Manager của Man United sau 26 năm vào năm 2013.
Năm tháng sau thời điểm đó, “Ngài mũi đỏ” phá hành cuốn sách” Alex Ferguson: My Autobiography. Đó là cuốn sách thứ bảy và cuốn tự truyện thứ hai của ông. Tác phẩm này bán được hơn 800.000 bản trong 3 tháng đầu tiên bởi nó ra mắt đúng mùa Giáng sinh.
Đây là món quà ý nghĩa cho những fan lười biếng muốn nằm dài ra ghế sofa để ôn lại những ký ức về đội bóng yêu thích. Cuốn sách này giúp Ferguson thu về hơn 1 triệu bảng tiền bản quyền.
Cuốn sách thứ tám về nghệ thuật lãnh đạo mà Ferguson cùng với nhà đầu tư Sir Michal Mortiz viết năm 2015 vẫn bán chạy cho đến nay. Giữa hai lần xuất bản sách thành công đó, Ferguson được UEFA bổ nhiệm làm đại sứ huấn luyện và là giảng viên tại Harvard.
Ông cũng đã nhận lời làm đại sứ toàn cầu của Man United với bản hợp đồng hàng năm trị giá 2 triệu bảng. Con số đó dựa trên 20 lần xuất hiện mỗi năm với 100.000 bảng là con số chảy vào hầu bao của Ferguson mỗi khi ông phát biểu hoặc xuất hiện trước công chúng.
Không rõ liệu Ferguson có còn nhận mức phí giảng dạy khá cao hay không – bởi ông không còn làm việc tại Havard nữa, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy sức hút của Ferguson đã suy giảm.
Năm ngoái, ông bán đấu giá thành công bộ sưu tập rượu của mình với giá 3 triệu bảng. Tất nhiên, sành sỏi như Ferguson thì bộ sưu tập rượu của ông phải rất chất lượng. Nhưng giá của các chai rượu đó còn tăng lên nhiều bởi nó được sở hữu bởi một trong những người nổi tiếng nhất trong giới thể thao tại Anh.
Một số chai rượu còn được đấu giá kèm với chiếc áo hay tấm ảnh có chữ ký của Sir Alex Ferguson. Đầu năm nay, một bộ phim tài liệu Sir Alex Ferguson: Never Give In, do người con út Jason đạo diễn cũng đã được phát hành trên Amazon Prime.
Và không thể bỏ qua những con ngựa của Alex Ferguson. Khả năng của ông trong lĩnh vực đua ngựa hoàn toàn không phải là tin đồn. Sir Alex đã niêm yết công khai cổ phiếu của 7 con ngựa National Hunt (Clan Des Obeaux, Hitman, Lakota Warrior, Monmiral, Outlaw Peter, Protektorat và Sonigino) và thành công với What A Friend vào cuối thập kỷ trước.
Một trong những chiến mã giỏi nhất của ông, Clan Des Obeaux về nhì trong cuộc đua lớn diễn ra vào Ngày lễ tặng quà, King George VI Chase ở London. Trước đó, cũng trong năm nay, chú ngựa đua Pháp chín tuổi này đã 2 lần giành chiến thắng và sắp về đích nhanh nhất lần thứ ba trong 4 năm tham gia cuộc đua này.
Sau khi giành vị trí thứ hai ở cuộc đua diễn ra vào chủ Nhật, chú ngựa này đem về cho người chủ của mình 50.000 bảng. Tổng cộng, Clan Des Obeaux đã giúp Ferguson và ba người bạn đồng sở hữu kiếm được 900.000 bảng. Nhưng trong các bản báo cáo hoặc cập nhật kết quá, cái tên Ferguson gần như không được nhắc đến.
Tên của Ferguson đã được đề cập đến vào tháng 4, khi Clan Des Obeaux và 2 con ngựa khác mà ông đồng sở hữu giành chiến thắng trong 3 cuộc đua đầu tiên tại Aintree’s Grand National Festival nhưng Man United của Fergie lập hat-trick vào lưới Liverpool là một sự kiện rõ ràng là hoành tráng hơn nhiều và các nhà báo đã không thể bỏ lỡ nó.
Tất nhiên, có một lý do khiến “những chú ngựa của Fergie” nổi tiếng. Đó là bởi vì một trong số chúng, Rock of Gilbraltar, đã gây ra một cuộc khủng hoảng khiến Man United vẫn chưa thể thoát khỏi. “Nếu không có Rock of Gibraltar, nhà Glazer đã không thể mua được Man United”, một cựu thành viên của MU giải thích. “Việc nhà Glazer mua được Man United chính là một thảm họa”.
Đối với những ai chưa biết câu chuyện vốn được đưa lên trang nhất ở Anh trong nhiều tháng cuối năm 2003 và đầu năm 2004, chiến mã Rock of Gibraltar là một ngôi sao sân cỏ thực thụ. Từ tháng 4/2001 đến tháng 10/2002, nó đã thắng 10 trong số 13 cuộc đua, kiếm được gần 1,3 triệu bảng tiền thưởng.
Ở giai đoạn này, các đồng sở hữu của Rock of Gilbartar là Alex Ferguson và Sue Magnier, vợ của tỷ phú người Ireland John Magnier, người cũng là cựu cổ đông của Man United và là người đứng sau Coolmore Stud – trại chăn nuôi ngựa đua thuần chủng lớn nhất thế giới.
Ferguson gặp Magnier cùng cộng sự cánh hẩu là doanh nhân JP McManus lần đầu tiên tại Trường đua ngựa Cheltenham vào năm 1997. Từ khởi đầu khiêm tốn, McManus đã kiếm được nhiều tiền từ việc đánh bạc, cá cược ở các cuộc đua chó, đua ngựa.
McManus bắt đầu đầu tư vào tiền tệ, lĩnh vực mà ông đã học hỏi nhiều từ một tay chơi người Anh có số má là Joe Lewis, nhà đầu tư và chủ sở hữu phần lớn của Tottenham Hotspur. Ferguson bắt tay với Magnier và McManus, và khi ông già gân này ngày càng đam mê các chú ngựa, mối quan tâm dành cho bóng đá của bộ đôi người Ireland cũng từ đó lớn dần.
Khi lượng tiền bản quyền truyền hình khổng lồ được đổ vào Premier Leage và Man United, CLB lừng lẫy nhất nước Anh trở lại với vị thế hàng đầu tại giải đấu quốc nội và đấu trường châu Âu, cặp đôi này đã quyết định đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào đội bóng.
Edwards đã đưa CLB lên sàn giao dịch chứng khoán London vào năm 1991, kiếm cho mình một khoản lợi nhuận nhỏ và sử dụng phần còn lại của số tiền thu được để tài trợ cho sự phát triển của Old Trafford. Nhưng việc niêm yết công khai khiến Man United trở nên dễ bị tấn công bởi những kẻ săn mồi.
Thợ săn đầu tiên là ông trùm truyền thông người Australia gốc Rupert Murdoch. Vào tháng 4/1999, chính phủ Anh đã nhúng tay vào và chính thức phá hỏng thỏa thuận của Murdoch với giới chủ của Man United.
McManus đã không đầu tư vào cổ phiếu cho đến thời điểm năm 2001, giai đoạn có thể coi là ảm đạm nhất trong triều đại của Ferguson tại Man United. MU giành chức vô địch Premier League lần thứ ba liên tiếp vào tháng 5 năm 2001 nhưng liên tục bị loại sớm ở FA Cup và Champions League.
Tuy nhiên, điều tệ hại nhất là mối quan hệ giữa Ferguson và HĐQT. Dự định ban đầu của Ferguson là nghỉ hưu ở tuổi 60 vào cuối mùa giải 2001/02, khi hợp đồng của ông với Man United hết hạn.
Nhưng đã có những khúc mắc liên quan tới vai trò đại sứ CLB của Ferguson, điều gây thêm căng thẳng cho một mối quan hệ vốn đã không mấy êm đẹp. Trước đó, gần như Fergie đã có thể nghỉ việc sớm một năm, sau khi đánh bại Spurs trong trận “chung kết” quyết định chức vô địch mùa giải 2000/01.
Trước sức ép của NHM và các cầu thủ, BLĐ đã phải nhún nhường. Ferguson đã được tăng lương 500.000 bảng/năm cho hợp đồng cuối cùng của mình, một thỏa thuận 5 năm trị giá 1 triệu bảng mỗi năm để trở thành cố vấn kiêm đại sứ thể thao của Man United, và được bật đèn xanh để mua tiền vệ người Argentina Juan Sebastian Veron với mức giá kỷ lục 28,1 triệu bảng.
Ferguson cuối cùng cũng thay đổi ý định về việc giải nghệ. Lý do chính là gia đình của Ferguson đã thuyết phục ông tiếp tục nhưng đây cũng là bước ngoặt trong mối quan hệ của ông với Magnier và McManus, người cũng tình cờ nắm một lượng cổ phần đáng kể ở Man United.
Có vẻ như những quan chức tại Old Trafford đang ấp ủ một kế hoạch để thay đổi Man United, với Ferguson được ưu tiên cho một vai trò thiên về quản lý hơn là một đại sứ hình ảnh.
Biểu hiện của sự hợp tác này là Rock of Gibraltar, chú ngựa thần kỳ của Ferguson. Ông đã được ghi danh là người đồng sở hữu Rock of Gibraltar trong The Racing Post và ông cũng đã dắt theo chú ngựa siêu sao để nhận những tràng pháo tay khi nó giành chiến thắng.
Nhưng trên giấy tờ thì ai được công nhận là chủ của nó mới là điều quan trọng? Ai sẽ được nhận số tiền thưởng? Một nửa trong số 1,3 triệu bảng tiền thưởng của Rock of Gibraltar là một chuyện, 50% thời gian chú ngựa này được ăn no, tắm mát ở Collmore Stud lại là chuyện khác. Và sự khác biệt giữa hai vế này là khoảng 100 triệu bảng.
“Cho đến ngày nay, tôi vẫn không biết ai đúng ai sai trong câu chuyện đó. Nhưng một khi vấn đề về tiền bạc xuất hiện, sẽ không có chuyện họ giải quyết với nhau bằng tình cảm được nữa. Alex nghĩ rằng ông thực sự sở hữu một nửa con ngựa nhưng bộ đôi kia thì không”, một người bạn của Ferguson kể lại.
Ferguson nổ những phát súng đầu tiên khi đâm đơn kiện Magnier vào năm 2003. Đến thời điểm này, Magnier và McManus là những cổ đông lớn nhất tại Man United, với hơn 1/4 lượng cổ phiếu nắm giữ. Magnier đã phản đối vào đầu năm 2004 nhưng cuộc chiến thực sự đang được tiến hành bởi các nhà điều tra tư nhân và các thông tin rò rỉ trên phương tiện truyền thông.
Công ty điều tra Kroll đã được thuê để soạn thảo hồ sơ về Ferguson và Man United đã giúp Magnier và McManus đưa ra 99 câu hỏi khét tiếng được gửi đến HĐQT của Man United vào tháng 1/2004. Phần lớn các chất vấn đều liên quan đến các thương vụ chuyển nhượng.
Đồng thời, cặp đôi này cũng cáo buộc rằng Man United đã để con trai của Ferguson là Jason trở thành đại diện nội bộ của CLB. Hơn nữa, Magnier và McManus cho rằng Man United đã trả quá nhiều tiền cho các cầu thủ. HĐQT không có lựa chọn nào khác ngoài việc hứa sẽ rà soát lại nội bộ.
Kết quả chưa bao giờ được công bố và Jason Ferguson không bị kết tội vì bất kỳ hành vi sai trái nào. Nhưng Jason cũng đã giải thể công ty quản lý của mình và từ bỏ vai trò đại diện cho các cầu thủ ngay sau thời điểm đó.
Khi những cáo buộc đó tiếp tục xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của đài BBC3 vào năm 2004, Sir Alex Ferguson liệu có phớt lờ và bỏ qua mọi chuyện không? Tất nhiên là không rồi. Ông cáo buộc BBC đã “tấn công khủng khiếp vào danh dự của con trai tôi” và tẩy chay đài này trong 7 năm rưỡi.
Tuy nhiên, tranh chấp về con ngựa Rock of Gibraltar đã được giải quyết nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Vào tháng 3/2004, Ferguson đồng ý từ bỏ yêu cầu sở hữu chú ngựa cưng và nhận về một khoản tiền là 2,5 triệu bảng. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với Man United.
Gia đình Glazer, chủ sở hữu của NFL’s Tampa Bay Buccaneers, cũng đã tích lũy cổ phiếu trong suốt năm 2003. Khi Ferguson và những người Ireland làm hòa, Glazer mới sở hữu khoảng 1/6 lượng cổ phiếu của CLB nhưng đã thể hiện rõ tham vọng nắm trọn cả CLB, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ BLĐ và CĐV.
Đến tháng 10/2004, nhà Glazer đã có số cổ phiếu ngang bằng với Magnier và McManus chỉ dưới 30%, ngưỡng mà họ sẽ phải đưa ra một cuộc đấu thầu chính thức. Nhà Glazer đã đập tan bức tường đó vào tháng 5/2005 khi đưa ra thông báo rằng họ đã mua đứt lượng cổ phiếu của những người Ireland.
Trong vòng 6 tuần, CLB đã là của họ và Man United đã từ không có nợ nần trở thành con nợ 660 triệu bảng. Nhà Glazer đã vay rất nhiều tiền. Còn những người Ireland thì ra đi với khoản lãi 70 triệu bảng.
Cảm xúc về hậu quả của sự tiếp quản thù địch này có lẽ được tóm tắt chuẩn xác nhất bằng một giai thoại được kể lại trong cuốn sách năm 2007 của Daniel Taylor’s mang tên “This is the One – Sir Alex Ferguson: The Uncut Story of a Football Genius. (Tạm dịch: Đây là Số Một – Hiệp sĩ Alex Ferguson: Câu chuyện đầy đủ về một thiên tài bóng đá)
Man United đã vượt qua vòng loại Champions League sau trận đấu với Debrecen vào tháng 8/2005.Tại sân bay ở Budapest, nơi một số CĐV đã nhìn thấy giám đốc điều hành khi đó của Man United là David Gill. Sau khi vây lấy David Gill, họ đã đưa ra quan điểm về vai trò của Gill trong “vụ cướp Man United” của nhà Glazer.
Gill đã từng mô tả “nợ nần là con đường dẫn đến sự hủy hoại” nhưng khi người Ireland bán cổ phần, nhà Glazer thâu tóm đội bóng, Gill chẳng có động thái nào để ngăn cản và còn tìm cách để làm việc cho ông chủ mới. Các CĐV rốt cuộc không phải ai cũng am hiểu mọi thứ về bóng đá. Họ cần David Gill và Alex Ferguson, cũng như cho rằng những người này phải làm việc sao cho xứng đáng với đồng lương hậu hĩnh mà CLB trả cho họ.
Ferguson, tính đến lúc đó đã giành được 8 chức vô địch Premier League và một danh hiệu Champions League, đã cố gắng xoa dịu tình hình. Nhưng một NHM vẫn phản ứng: “Ông cũng đã làm chúng tôi thất vọng, Fergie. Ông có thể lên tiếng về điều đó nhưng tại sao ông không nói gì?”.
Những lời này khiến Alex Ferguson ngạc nhiên và tức giận. Trong bối cảnh đầy cảm xúc phức tạp đó, Ferguson tuyên bố sẽ không từ chức và thể hiện sự trung thành với với CLB. Khi một CĐV khác đưa ra câu hỏi bao lâu nữa thì nhà Glazer tăng giá vé, Ferguson đáp trả: “Nếu cậu không hài lòng thì hãy xem các trận đấu của Chelsea để biết giá vé họ bán thế nào”.
Luận điểm mà Ferguson cố gắng đưa ra là vé ở Old Trafford vẫn sẽ rẻ hơn những nơi khác nhưng đó không phải là cách để thuyết phục các CĐV Man United đang thất vọng. Họ đã thể hiện sự tức giận với Ferguson và phản đối dữ dội nhà Glazers.
Họ hô hào tẩy chay CLB khi chủ Mỹ nói: “Bất cứ khi nào nghĩ về Fergie, tôi đều thấy đây là một HLV xuất sắc. Bỏ qua thành tích ở Man United, những gì ông ấy làm được ở Aberdeen thật không thể tin được. Tôi sẽ luôn tôn trọng ông ấy vì điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng chỉ có ông ấy có thể ngăn cản nhà Glazer”.
Nhìn lại toàn bộ câu chuyện liên quan đến chú ngựa đua Rock of Gibraltar, một cựu giám đốc điều hành của Man United tin rằng đó chính là lý do khiến vị thế của Ferguson tại CLB bị suy yếu nghiêm trọng, điều này giải thích tại sao ông ấy rất “tôn trọng” nhà Glazer khi họ đến.
Nhưng đây cuối cùng lại là điều tốt nhất với Alex Ferguson bởi vì nó đã chấm dứt mối hiềm khích giữa Manaher với hội đồng quản trị, đồng thời củng cố vị trí của David Gill. Ông đã thực sự nắm được cách vận hành bóng đá và hai người họ đã trở thành một cặp đôi tuyệt vời.
Fergie đã may mắn thoát ra khỏi một cuộc tranh chấp gay gắt với các cổ đông lớn nhất của câu lạc bộ; may mắn khi vẫn được gắn bó thêm một lần nữa với Man United và giành thêm 5 chức vô địch Premier League trong vòng 8 năm, từ 2006 đến 2013; và may mắn nhất là nghỉ hưu trước khi những hậu quả từ việc Glazer thâu tóm MU hiển hiện ngày một rõ ràng. May mắn cũng là một loại năng lực và đó là điều Ferguson sở hữu.