Có bao giờ bạn đặt câu hỏi xem quãng đường từ sân Tottenham Hotspur đến Emirates của Arsenal là bao nhiêu? Câu trả lời là 4,7 dặm và 30 phút đi ô tô! Quãng đường đấy là con số định mệnh của hận thù. 4 dặm, cũng là quãng đường mà 109 năm về trước đã đặt sân Highbury (sân nhà cũ của Arsenal) đến cạnh sân White Hart Lane (sân nhà cũ của Tottenham).
Chính vì khoảng cách ngắn ngủi đó mà Arsenal và Tottenham hận thù nhau. Một khoảng cách chật chội sinh ra hai đội bóng chật chội mà “con gà tức nhau tiếng gáy”. Vâng, sự đố kỵ sâu sắc nhất thường nằm ở cạnh mình nhất. Họ đã ghét nhau từ 109 năm về trước. Và đến khi cả hai đổi sân vận động, họ vẫn cách nhau 4 dặm. Khoảng cách mà người ta ví von “có thể bắn ná vào nhau”.
Không chỉ giành đất, giành fan, mà thương nhân Henry Norris khi sở hữu Arsenal đã có một hành động ma quỷ là dùng tiền mua suất lên hạng, đẩy Tottenham xuống giải hạng nhì trong tức tối. Ngày họ quay lại giải đấu cao nhất xứ sương mù, 365 ngày chất chứa nỗi ấm ức được giải phóng bằng đồng xu, chai nước. Hận thù chính thức được xác lập.
Tin nổi không? Trong lịch sử hơn 130 năm tồn tại, chỉ có tổng cộng 15 cầu thủ khoác áo cả hai đội bóng này. Con số này chỉ bằng một nửa so với cặp CLB nổi tiếng là “bất cộng đái thiên” Barcelona – Real Madrid, nơi có tới 33 cầu thủ khoác cả hai gã khổng lồ Tây Ban Nha. Năm 2000, người ta cứ nói về vụ chuyển nhượng Luis Figo từ Barca sang Real và còn nhắc mãi đến hôm nay. Nhưng năm 2001, khi Sol Campbell gia nhập Arsenal thì anh cũng chẳng khá hơn với biệt danh “Judas” và nhận thư dọa giết.
Câu chuyện thù địch giữa hai đội bóng này còn được nâng lên một tầm cao mới như một tôn giáo. Đấy là việc các cổ động viên của Arsenal đã chọn ra một ngày có tên là “Ngày St.Totteringham’s day”, đó là ngày kỷ niệm việc Tottenham không thể kết thúc ở vị trí cao hơn Arsenal trên bảng xếp hạng chung cuộc (kể cả tôi xếp thứ 6, anh xếp thứ 8 đi chăng nữa, cứ hơn anh là được). Đổi lại, người hâm mộ Tottenham chọn ngày 14 tháng 4 hàng năm làm “Ngày Thánh Hotspur”, để kỷ niệm chiến thắng 3-1 của họ trước Arsenal tại trận bán kết Cúp FA 1990/91 diễn ra vào ngày 14/4/1991. Các ngày “lễ kỷ niệm” này theo ghi nhận là tổ chức rất linh đình, ăn mừng thâu đêm suốt sáng như đón năm mới.
Từng đó câu chuyện nhỏ để chúng ta biết rằng derby Bắc London khốc liệt ra sao?
Thời thế thay đổi, Tottenham trắng tay đều đặn theo từng năm, Arsenal thì chỉ phấn đấu một vị trí trong Top 4, họ cũng chỉ là những kẻ “ngáng đường khó chịu” trong cuộc đua song mã Liverpool vs Manchester City hôm nay. Tuy nhiên, hận thù Bắc London mãi là thứ bất biến trong xã hội thay đổi này.