Từ Gegen-pressing cho tới quan điểm đội bóng không thể phụ thuộc vào ngôi sao nào, và nhiều điều khác nữa, tất cả đều đòi hỏi thời gian để định hình cái gọi là “sản phẩm của Ralf Rangnick” tại Old Trafford. Lối chơi càng riêng biệt, đặc thù, thì càng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức bỏ ra trên sân tập, có ngay thế nào được. Thậm chí MU còn có thể… yếu đi, trong những ngày đầu do Rangnick huấn luyện. Ai hay đội bóng nào cũng vậy thôi. Vì họ phải tự thay đổi nhiều điều, phải phá bỏ những giá trị cũ, trong khi giá trị mới thì dĩ nhiên chưa thể có được.
Không thủng lưới đã là một cái “được” rồi. Đấy là điều tối thiểu cần hướng tới, khi một đội bóng thay HLV, cũng là điều quan trọng nhất mà một HLV mới cần làm cho được, trong lúc chờ đợi thành quả trên sân tập. Trong khía cạnh này, MU hiện đang thành công. Họ còn có thể tiếp tục thành công, nếu Rangnick đi đúng hướng trong khoảng thời gian sắp tới. Thật ra thì không khó. Như đã nêu, đối thủ của MU trong giai đoạn này không quá mạnh. Và, suy cho cùng, phòng thủ an toàn là điều dễ làm.
Gegen-pressing là như thế nào, thôi không nói nữa. Nhưng Gegen-pressing, cũng như tiqui-taca, rút cuộc là để làm gì? Pep Guardiola rất sợ cái điều căn bản mà người ta hay nói về triết lý của ông, nên ông hay tranh thủ… nói trước: “Chúng tôi không chuyền bóng chỉ để chuyền. Chuyền bóng là phải có mục đích rõ ràng”. Chỗ này, Rangnick cũng vội nói ngay trong những ngày mà khái niệm Gegen-pressing quá ầm ĩ: “Tôi không cần cầu thủ của mình pressing… chỉ để pressing”.
Nhanh chóng đoạt lại quả bóng, trước tiên là để đội mình có bóng. Các đội chủ trương, và xuất sắc, trong lĩnh vực pressing, đều là các đội có lối chơi dựa trên nền tảng giữ bóng nhiều. Man City, Liverpool, Chelsea chính là 3 đội dẫn đầu Premier League hiện thời, về tỷ lệ giữ bóng. “Top 6” trong lĩnh vực này ở Premier League hiện không có tên MU. Tỷ lệ giữ bóng bình quân của MU còn thấp hơn cả Brighton. Từ Jose Mourinho cho tới Ole Gunnar Solskjaer, đâu có ông nào hướng MU đến một lối chơi có đặc điểm giữ bóng nhiều (ngược lại là đằng khác). Đấy là lý do vì sao khi các cầu thủ MU đoạt lại được bóng, họ thường… không biết phải làm gì, trước hàng thủ Norwich!
Ở một khía cạnh khác, chỉ có West Ham ghi bàn từ tình huống phản công nhiều hơn MU. Muốn chơi phản công thì trước tiên bạn phải thiên về phòng thủ, và… giữ bóng ít. Gegen-pressing, trên nguyên tắc, là cách chơi trái ngược với sở trường phản công của MU. Bấy nhiêu, là đã thấy khó rồi. Vấn đề ở đây là, khi người ta đá Gegen-pressing, thì giá trị không nằm ở khả năng đoạt lại quả bóng ngay khi vừa mất bóng. Trả lời được (bằng lối chơi) câu hỏi “làm gì với quả bóng trong chân”, thì Gegen-pressing mới có tác dụng.