Mô hình trong mơ
Cách đây ít ngày, Sanllehi vừa đón sinh nhật lần thứ 56 của mình. Và thật trùng hợp, con số 56 xuất hiện trong câu chuyện về Arsenal. Ngồi trong văn phòng của Real Zaragoza đang thi đấu ở Segunda, Sanllehi nhớ lại thời hoàng kim của mình.
“Tôi yêu mọi thứ ở Arsenal”, ông chia sẻ. “Bạn không thể tưởng tượng được đâu. Mọi thứ ở đó đều rất tuyệt vời. Tôi yêu từng con người và cả lịch sử của Arsenal. Tôi thực sự nghĩ mình đã ở đỉnh thế giới vào lúc đó. Tôi cũng yêu những ông chủ nữa, nhà Kroenke. Nhưng 10 tháng cuối cùng thật tồi tệ. Tôi phải sa thải 55 người mà không biết rằng mình là người thứ 56”, Sanllehi hài hước.
Dịch Covid-19 ập đến kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong xã hội, thể thao cũng không ngoại lệ. Với tư duy của một nhà quản lý, Sanllehi hiểu cho những ông chủ của mình: “Tôi không cảm thấy bị phản bội bởi nhà Kroenke. Họ sở hữu những CLB thể thao khổng lồ như LA Rams, Denver Nuggets, Colorado Rapids nhưng đột nhiên, tất cả đều không thể thi đấu”.
“Bạn vẫn phải trả lương mà chẳng hề được đảm bảo doanh thu truyền hình. Cả đội bóng bước vào hoảng loạn nhưng đó là hoảng loạn có logic, khi cả thế giới cùng như vậy. Nếu không có Covid-19, tôi tin chắc mình vẫn đang ở Arsenal, bởi mối quan hệ với nhà Kroenke vẫn rất tốt”.
Cũng tại Bắc London, Sanllehi trong vai trò Trưởng bộ phận bóng đá đã dựng lên mô hình quản lý CLB vòng tròn, thứ ông học được sau 2 thập kỷ ở Barcelona và giờ cũng đang áp dụng cho Zaragoza. Chính ý tưởng đó giúp Sanllehi thuyết phục Ivan Gazidis, lúc đó là CEO của Arsenal, đưa mình về Emirates để đẩy nhanh quá trình chuyển giao sau 22 năm cầm quyền của HLV huyền thoại Arsene Wenger. “Arsenal quyết định chia tay Arsene Wenger – nhà lãnh đạo nhúng tay vào mọi thứ”, Sanllehi cho biết. “Tôi dành sự tôn trọng tuyệt đối cho Wenger. Những gì ông ấy làm cho Arsenal là độc nhất và có lẽ là cách tốt nhất vào thời điểm đó. Nhưng bạn phải tiến về phía trước và đó là những gì đã xảy ra”.
Mô hình quản lý vòng tròn là như thế nào? Nói đơn giản, thay vì tập trung quyền lực trong CLB vào 1 người, Sanllehi sẽ chia đều nhiệm vụ ra cho 4 người. “Tôi nhớ vào tháng 12/2019, tôi ngồi ăn tối với 4 người bao gồm HLV mới được bổ nhiệm Mikel Arteta, Giám đốc kỹ thuật Edu, Trưởng bộ phận phát triển bóng đá Huss Fahmy và Giám đốc học viện Per Mertesacker”, Sanllehi nhớ lại. “Tôi đã nói với họ giờ mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta. Đây chính xác là mô hình mà tôi mong muốn.
Nếu nó không hiệu quả, chúng ta không thể bào chữa. Đây là nhóm mà tôi gọi là tập thể trong mơ”.
Arsenal vẫn “phản bội” Sanllehi
Sanllehi không nghĩ mình bị Arsenal phản bội nhưng di sản mà ông để lại Emirates không được tiếp nối trọn vẹn. Sanllehi là người thực sự ghét mô hình quản lý 1 người: “Tôi không đồng ý khi các CLB gọi HLV đội một là nhà quản lý”, Sanllehi cương quyết. “HLV đội một chỉ là HLV đội một mà thôi, như vậy là đủ. Ở thời đại ngày nay, lượng công việc là khủng khiếp và một người không thể làm tất cả. Tôi chỉ cần HLV tập trung vào đội một mà thôi”.
Sanllehi nói rõ hơn: “Bất cứ điều gì khiến HLV xao nhãng khỏi vấn đề của đội một đều không phải trách nhiệm của ông ta nữa, đơn cử như đi đàm phán, chất lượng mặt cỏ, quỹ lương, cơ sở y tế… Chúng tôi sẽ có những người khác đảm trách việc đó. HLV đội một thực tế có định hướng ngắn hạn, và thậm chí chỉ là thắng trận đấu tối nay mà thôi”.
Thế nhưng khi Sanllehi bị sa thải vào tháng 8/2020, rất nhiều thứ đã thay đổi ở Arsenal. Trách nhiệm của cả Edu và Arteta đều phình to ra để đảm trách cả công việc mà Sanllehi bỏ lại. Chức vụ của Arteta thay đổi, từ HLV đội một thành một cụm mà Sanllehi chắc chắn rất ghét: Nhà quản lý đội một. Ở nơi xa, Sanllehi vẫn nghĩ đội bóng cũ đã phạm một sai lầm khi đi lại vào vết xe đổ thời Wenger.
“Arsenal đã ít nhiều phản bội mô hình của tôi”, Sanllehi cau mày. “Với việc trở lại với cơ chế nhà quản lý đứng đầu, đó là một sai lầm nhưng đó là sai lầm của họ. Nếu tôi vẫn còn ở đó, tôi chắc chắn sẽ không để điều này diễn ra. Nhưng tốt thôi, chí ít thì đến thời điểm này, mô hình đó vẫn đang hoạt động hiệu quả với họ”.
Sanllehi không “mát tay” chuyển nhượng
Là một nhà quản lý bóng đá tài ba với mô hình tiên tiến được áp dụng ở nhiều CLB, Sanllehi lại không phải là một chuyên gia “săn” tài năng cho Arsenal. Trong số các hợp đồng mà ông đưa về Emirates, phần lớn đều là thất bại thảm hại, đơn cử như Pablo Mari, Denis Suarez, Nicolas Pepe, Willian… Tuy nhiên, cũng có một vài cái tên khá chất lượng như Gabriel Martinelli hay William Saliba.
Phải ra đi vì… Pepe
Ngày 15/8/2020, Arsenal thông báo sa thải Raul Sanllehi. Chỉ 1 ngày sau, Arsenal tuyên bố mở cuộc điều tra về vụ chuyển nhượng Pepe từ Lille vào mùa Hè năm trước. Truyền thông Anh tiết lộ Sanllehi phải ra đi vì đóng vai trò chính trong những khuất tất khi chiêu mộ Pepe. Arsenal phải trả tổng cộng 72 triệu bảng cho CLB nước Pháp để mua cầu thủ người Bờ Biển Ngà, mức giá được cho là quá cao so với thực tế. Nhận định từ các ông chủ Arsenal cho thấy nhiều người tham gia thương vụ đã không hành xử vì “lợi ích tối đa” của CLB.