Ở thời điểm Maguire vụng về sút thẳng vào chân Jamal Musiala trong vòng cấm ĐT Anh, các CĐV trên sân Wembley không la ó phản đối quyết định của trọng tài, mà họ la ó để chỉ trích chính Maguire. Những khán giả xem trực tiếp trận đấu, người tặc lưỡi thở dài, người bật cười thành tiếng. Họ đã quen với điều đó. Họ có lẽ sẽ quay sang người bên cạnh mà quả quyết: “Tôi đã nói rồi mà”.
Chuyện Maguire mắc lỗi không còn khiến ai bị sốc, bất chấp thực tế đội trưởng của M.U vẫn là trung vệ đắt giá nhất lịch sử bóng đá hiện tại. Điều khiến Maguire tệ hại hơn không nằm ở việc anh mắc bao nhiêu sai lầm, mà ở cách anh mắc sai lầm. Với thân hình đồ sộ và chậm chạp, Maguire thường biến mình thành trò hề trên sân với các pha xử lý vụng về khó tin. Và sự vụng về đó dần dần bào mòn sự tự tin của trung vệ này, khiến anh ngày càng yếu đuối.
Ai cũng thấy điều đó, ngoại trừ Southgate. Ngay cả tân HLV của Man United, Erik ten Hag cũng sớm nhận ra điều này. Chỉ sau 2 trận chính thức đầu tiên tại Premier League, HLV người Hà Lan đã thẳng tay loại bỏ Maguire và… thành công.
Thế nhưng, Southgate vẫn bảo vệ Maguire vô điều kiện. Ông thậm chí tuyên bố trao suất đá chính cho Maguire tại World Cup 2022, cho dù anh có lật ngược tình thế tại MU hay không. Đáp lại niềm tin của Southgate, Maguire chơi một trong những trận đấu tệ nhất sự nghiệp và đẩy ông thầy của mình vào áp lực ngàn cân.
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Sự mù quáng của Southgate là căn bệnh chung của hầu hết HLV các ĐTQG. Sau khi Southgate bất ngờ được ngồi vào “ghế nóng” của Tam sư, Maguire trở thành một trong những “công thần khai quốc” của ông. Tại các giải đấu giúp Southgate làm nên tên tuổi như World Cup 2018 và EURO 2020, Maguire đều tỏa sáng rực rỡ. HLV 52 tuổi này có lý do để xem Maguire là thân tín, không chỉ về chuyên môn.
Trước Southgate, Joachim Loew là ví dụ điển hình nhất cho căn bệnh này. Sau khi cùng Đức vô địch World Cup 2014, Loew không dám hoặc không nỡ loại bỏ các công thần gắn bó lâu năm cùng ông. Kết quả, Đức lao dốc không phanh và HLV 62 tuổi mất việc. Roberto Mancini và ĐT Italia cũng phải trả giá đắt ở vòng loại World Cup 2022 vì từ chối thay đổi sau chức vô địch EURO. Ngay khi bắt đầu tái thiết, Azzurri đã khởi sắc và giành vé vào bán kết UEFA Nations League 2022/23.
Không chỉ là câu chuyện của thế giới, ngay ở khu vực Đông Nam Á, HLV các ĐTQG cũng có thói quen tương tự. Hẳn chẳng còn ai thấy xa lạ và bất ngờ khi mỗi dịp triệu tập ĐTQG, các lựa chọn nhân sự của HLV Park Hang Seo thường xuyên gây tranh cãi.
Ở ngoài dễ trách cứ, nhưng có lẽ chỉ những ai thật sự đứng ở vị thế của HLV cấp đội tuyển mới hiểu rõ cái khó của công việc này. “Mỗi năm tôi chỉ làm việc khoảng 6 tuần và cần nhớ rằng, chẳng tuần lễ nào trong 6 tuần này thực sự trọn vẹn nếu nhận lời dẫn dắt một ĐTQG”, Carlo Ancelotti giải thích cho quyết định không mặn mà với công việc dẫn dắt ĐTQG trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2014 trên tờ Marca.