Inter dẫn đầu, khi Serie A 2001/02 bước vào vòng đấu cuối. Thời ấy chưa có đại án Calciopoli. Thời ấy người ta chỉ biết Inter là đội bóng lớn, có sức chi tiền mạnh nhất thế giới, nhưng bị “trời sinh” là phải diễn vai thất bại trong làng bóng đá Ý. Họ chỉ đoạt Scudetto 1 lần trong 20 năm.
Thượng đế sinh ra Juventus để thống trị Calcio, rồi lại sinh ra AC Milan để thống trị châu Âu. Như thế là hơi đơn điệu? Thế là Thượng đế tạo thêm Inter… để thất bại. Đấy là câu chuyện truyền khẩu về Calcio.
Và y như vậy: Inter đã không thể thắng Lazio trong vòng cuối để đoạt Scudetto. Christian Vieri và Luigi di Biagio liên tục ghi bàn chỉ trong 24 phút đầu. Nhưng Lazio “ngoan cố” gỡ hòa, thậm chí thắng ngược. Người ấn định chiến thắng 4-2 cho Lazio hồi ấy chính là Simone Inzaghi – HLV của Inter hiện thời.
Truyền hình đặc tả nước mắt các cầu thủ Inter ngay trong trận đấu. Các chuyên gia đọc môi phân tích một cuộc cãi vã ngay trên sân, mà theo đó dường như các cầu thủ Inter đã hỏi cầu thủ Lazio xem họ… nhận bao nhiêu tiền để quyết đấu như thế. Tức đến phát khóc, bởi thái độ quyết đấu của Lazio là… bất thường, xét trên quan điểm chung của trường phái bóng đá Ý.
Người Ý thường không cố thắng, khi không cần thắng. Người Ý sẽ không tấn công nữa, khi đã dẫn 2 bàn, mà phải phòng thủ để bảo vệ chiến thắng. Đấy là vấn đề trường phái. Ngược lại, trong trường phái Anh thì đã ra sân là phải tấn công, hướng đến việc ghi bàn. Đối thủ mạnh hơn cũng kệ, không có mục tiêu cũng được.
Bất ngờ lớn nhất xưa nay ở Premier League không phải là Leicester vô địch năm 2016, mà là Blackburn vô địch năm 1995. Blackburn dẫn đầu trước vòng cuối, nhưng thua một Liverpool không còn hy vọng tranh ngôi. Vẫn không sao, vì M.U bị cầm chân 1-1 trên sân đội West Ham vốn hoàn toàn không có mục tiêu. Blackburn hơn M.U đúng 1 điểm.
Khoan nói chuyện thắng một Bayern hoàn toàn không có mục tiêu, Barcelona thậm chí có thể thua trận cuối cùng mà vẫn vượt qua vòng bảng Champions League. Có thể Dynamo Kiev sẽ cầm chân Benfica, giống như West Ham cầm chân M.U, giúp Blackburn vô địch Premier League năm nào? Dĩ nhiên, đây chỉ là lý thuyết, là “có thể”.
Thực tế ra sao, chủ yếu phụ thuộc vào thái độ, tinh thần thi đấu của những người trong cuộc. Không ai biết các cầu thủ Bayern hoặc Dynamo Kiev sẽ đá trận cuối với Barcelona hoặc Benfica bằng tinh thần, thái độ nào.
Bàn về trường phái, như những câu chuyện nêu trên, thì người Đức không thiên về sự hào hứng, “đá tưng bừng” như dân Anh, cũng không “buông” khi không có mục tiêu gì như dân Ý. Bóng đá Đức nổi tiếng về kỷ luật và hiệu quả.
Bàn hơi khiên cưỡng thì thái độ của Bayern trong trận gặp Barcelona có thể ở vào khoảng giữa của bóng đá Anh và Ý. Đấy là một sự trung dung. Điều quan trọng nhất ở đây là thực tế lạnh lùng: cầu thủ Bayern cần nghỉ ngơi khi có dịp. Sẽ không có một Bayern đích thực trong trận này – bất kể là bàn về đội hình hay tinh thần, lối chơi.