Trụ sở bị lục soát, các quan chức có thể vào tù
Trước khi trận tiếp đón Atalanta diễn ra, văn phòng của Juve tại hai thành phố lớn Turin và Milan đã đồng loạt bị cảnh sát tài chính Italia khám xét để tìm kiếm các tài liệu kiểm toán liên quan đến chuyển nhượng của CLB này trong giai đoạn 2019-2021, nhằm điều tra về những báo cáo tài chính sai sự thực của Juve. Trên thực tế từ cách đây hơn 1 tháng, ủy ban giám sát các CLB chuyên nghiệp tại Italia – Covisoc đã bắt đầu tập hợp tài liệu ban đầu để chuẩn bị điều tra về 62 vụ chuyển nhượng của các CLB Serie A, trong đó chiếm phần lớn là của Juve.
Vụ chuyển nhượng quan trọng nhất trong tầm ngắm của cơ quan điều tra là khi Juve bán Joao Cancelo cho Man City và mua Danilo từ CLB Anh này, với tổng lượng tiền giao dịch trên giấy tờ là khoảng 101 triệu euro. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế lại chỉ xấp xỉ 3 triệu euro.
Tiếp đó là vụ trao đổi cầu thủ với Barca, bán Miralem Pjanic và mua Arthur. Tương tự vụ Cancelo – Danilo, Juve được cho là đã khai khống phí chuyển nhượng của các cầu thủ, nhằm gian lận trong các báo cáo tài chính. Pjanic 30 tuổi ở thời điểm chuyển sang Barca, cũng vừa trải qua mùa giải đầy khó khăn về phong độ, nhưng lại có phí chuyển nhượng tới 60 triệu euro (?!).
Một vụ điển hình nữa khi Juve và Marseille đã thực hiện hoạt động trao đổi các cầu thủ Franco Tongya và Marley Ake, với tổng giá trị lên đến 8 triệu euro. Tuy nhiên hiện nay Ake chỉ đang đá ở Serie C cho đội U23 Juve, còn Tongya cũng chỉ thuộc biên chế đội B của Marseille. Nghĩa là tài năng của họ rất hạn chế, nhưng lại có phí chuyển nhượng không hề thấp.
Tương tự, người ta cũng đặt câu hỏi trong các vụ thu nạp Adrien Rabiot và Aaron Ramsey đều theo dạng chuyển nhượng tự do. Cả hai tiền vệ này đều hưởng lương cao nhưng không thành công ở Juve. Chủ tịch Andrea Agnelli, giám đốc thể thao Federico Cherubini và người tiền nhiệm của ông – Fabio Paratici (nay đã sang Tottenham), phó chủ tịch Pavel Nedved đều bị điều tra. Cherubini đã phải làm việc trực tiếp với cảnh sát về các sai phạm. Nếu bị buộc tội thì ngoài việc bị phạt hành chính cũng như cấm hành nghề, họ còn có nguy cơ bị truy tố hình sự và ngồi tù.
Một vụ Calciopoli mới?
Với bất kỳ một người Italia nào không phải Juventino, họ cũng đều cho rằng Juve luôn là biểu tượng cho các hoạt động mờ ám về nhiều mặt: Quản lý, trọng tài cũng như sự can thiệp của các quan chức. Trong những năm qua, Juve đã thực hiện quá nhiều vụ chuyển nhượng tự do gây nghi vấn về rửa tiền và gian lận tài chính.
Juve đã thống trị Serie A trong 9 năm liền (2012-2020), liên tục đi sâu ở Champions League dưới thời HLV Massimiliano Allegri, nên người ta có thể hiểu được là Bianconeri giàu có hơn nhiều CLB khác ở Serie A. Dù vậy, những giới hạn của luật FFP đáng ra phải khiến Juve có chút kiêng dè khi chi tiêu, nhưng CLB này từng có thời gian liên tục vung tiền mua sao. Không chỉ các hợp đồng lớn như Gonzalo Higuain hay Cristiano Ronaldo, trong tay HLV Allegri nhiều thời điểm còn có tới hai đội hình tương đương đủ sức cạnh tranh Scudetto. Sự giàu có và hào phóng bất thường của Juve trong hoạt động mua bán cầu thủ và nuôi quân khiến bất kỳ tifosi nào cũng nghi ngờ, chứ chưa nói tới cơ quan điều tra.
Cách đây 15 năm, Calciopoli nổ ra đã khiến nhiều CLB bị trừng phạt, trong đó Juve nặng nhất khi đội bóng thành Turin lần đầu tiên trong lịch sử bị giáng xuống chơi ở Serie B. Khi ấy, bộ ba quyền lực Antonio Giraudo – Luciano Moggi – Roberto Bettega dính líu trực tiếp tới một loạt gian lận của Juve, tiêu biểu là dàn xếp tỷ số và điều khiển công tác trọng tài.
Lần này, Juve có thể không rớt hạng. Tuy vậy, nếu những hoạt động của nhà Agnelli bị chứng minh là sai phạm nghiêm trọng, họ có thể sẽ bị phạt nặng, phải rời khỏi vị trí điều hành CLB, đẩy Juve vào một cuộc khủng hoảng mới về đường hướng phát triển, không còn là các vấn đề chuyên môn thông thường dễ giải quyết nữa…
Ronaldo vô can
Mặc dù Covisoc có điều tra về vụ chuyển nhượng cũng như ràng buộc của Ronaldo với Juve, nhưng cá nhân tiền đạo người Bồ Đào Nha được cho là vô can. Theo đó, Covisoc nghi ngờ Juve có gian lận trong vụ chiêu mộ Ronaldo Hè 2018, cũng như về mức lương của CR7 trong 3 năm gắn bó với Bianconeri. Cụ thể, Covisoc cho rằng mức lương thực tế của Ronaldo ở Juve cao hơn so với con số được tiết lộ, khoảng 30 triệu euro/năm.
42. Trong 62 vụ chuyển nhượng đang bị đặt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra Italia lúc này, có tới 42 vụ liên quan trực tiếp đến Juventus trong giai đoạn từ 2019 đến 2021.
Napoli bị điều tra vụ Osimhen
Juve là đội dính líu nặng nhất đến cuộc điều tra gian lận này, nhưng Juve không phải CLB duy nhất. Napoli cũng đang bị điều tra về vụ mua Victor Osimhen từ Lille vào năm 2020. Osimhen được định giá 80 triệu euro, nhưng nhà chức trách Pháp tin rằng Lille chỉ được hưởng lợi khoảng 10 triệu euro. Ngoài thủ môn Orestis Karnezis, 3 cầu thủ vô danh Napoli gán sang Lille đều đã trở về Italia để chơi cho các đội bóng thuộc Serie C. Napoli cũng bị nghi ngờ gian lận tương tự trường hợp của Juve.