Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Đầu tiên, hãy nói về Solskjaer trước. “Tôi từng là một thành viên của MU và tôi muốn đưa đội bóng trở về với phong cách tấn công truyền thống”, Solskjaer nói trong những ngày đầu nhậm chức. “Tấn công với tốc độ, sức mạnh và cá tính”.
Hãy nhìn MU của hiện tại, không khó để nhận ra MU bây giờ dựa chủ yếu vào phản công, chứ không phải tấn công. Solskjaer ưu tiên một đội hình thấp với khả năng chuyển trạng thái thật nhanh. Quỷ đỏ giờ dường như không có ý niệm gì về việc tổ chức tấn công khi có bóng.
Khi thua quá nhiều, Solskjaer cực đoan đến mức xoay đội hình về hệ thống 3 trung vệ với ưu tiên không gì hơn ngoài việc bổ sung quân số cho hàng phòng ngự để bớt thủng lưới.
Khi MU thắng ngược PSG tại Paris vào năm 2019, Rio Ferdinand đã hét lên trong trường quay của BT Sport rằng: “Đấy nó phải thế, những chàng trai trẻ đến và chơi bóng. Lùi sâu và phòng ngự ư? Ở đây chúng tôi không làm thế”.
Nhưng xin lỗi Rio, có vẻ như ông có vấn đề về thị lực khi lùi sâu và phòng ngự chính xác là những gì MU của Solskjaer đã làm trong suốt 94 phút ở Paris. Nhưng trong một ngày mà Quỷ đỏ tạo ra một kết quả thần kỳ, dường như không ai quan tâm xem lối chơi thực sự của họ là như thế nào.
Solskjaer đã giúp MU thắng trận đó theo đúng phong cách của người tiền nhiệm Jose Mourinho. Chính Mourinho cũng từng lên tiếng rằng ông chẳng thấy MU của sau này có gì khác so với thời của ông. Nhưng vì Mourinho rời Old Trafford với tư cách kẻ thua cuộc, không ai coi trọng lời ông nói.
Hãy quay về vấn đề chính, người ta nói nhiều về thứ gọi là “phong cách tấn công của MU”, theo kiểu truyền thống mà Sir Alex là kiến trúc sư. Vậy tại sao không một môn đồ nào của chiến lược gia người Scotland này triển khai được nó trên thực tế, dù họ luôn rao giảng và ca tụng như thể rất hiểu về nó.
Đây là một dẫn chứng có cơ sở. Steve Bruce vừa kỷ niệm trận huấn luyện thứ 1.000 trước khi bị Newcastle sa thải. Không nhiều HLV đạt đến cột mốc đó, vậy phong cách của Bruce là gì? Tấn công? Không, phong cách của Bruce đi từ siêu phòng ngự, đến tập trung phản công, rồi thành một hỗn hợp pha trộn cả hai vào giai đoạn cuối tại Newcastle. Nhìn chung không có gì rõ ràng.
Tiếp đến là Paul Ince, Roy Keane, Phil Neville, Gary Neville, Mark Hughes, Paul Scholes, Bryan Robson, Ryan Giggs… Ai trong số này dám nhận mình theo đuổi phong cách tấn công, hoặc được giới chuyên môn đánh giá là theo đuổi tấn công?
Đương nhiên, chuyện môn đồ không theo được sư phụ là rất đỗi bình thường trong cuộc sống. Nét thiên tài của Sir Alex nằm ở kỹ năng quản lý nhân sự hơn là chiến thuật. Ở đây không hề nói Sir Alex là người kém chiến thuật, chỉ có điều phong cách tiếp cận trận đấu của ông thay đổi theo thời gian, và đôi khi nó không hoàn toàn như những gì mà người ta vẫn nói.
Thời mới về Old Trafford, Sir Alex học hỏi theo những chiến lược gia hàng đầu châu Âu trong khi những HLV khác chỉ chạy theo phong cách Anh cổ điển. Nét tiêu biểu của Sir Alex là ông thay trợ lý liên tục, nhiều khi cũng không phải chủ đích. Và những trợ lý như Steve McClaren và Carlos Queiroz mới là người chịu trách nhiệm chính về cách MU thi đấu và luyện tập trong thời kỳ đó.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Solskjaer bây giờ khi vẫn trung thành với dàn bộ sậu Mike Phelan, Michael Carrick và Kieran McKenna – những người không chỉ ít kinh nghiệm bên ngoài mà còn khá bảo thủ.
Và hãy tiếp tục với một thử nghiệm vui. Hãy tưởng tượng Sir Alex chia tay MU vào năm 2000, tức là giữa nhiệm kỳ 26 năm của ông, rồi một người khác lên thay và làm y xì những gì “Máy sấy tóc” đã làm cho tới tận 2013.
Sẽ thật thú vị khi chứng kiến vị “tân” HLV trong tưởng tượng đó bị chỉ trích là không hiểu “phong cách tấn công truyền thống của MU”, khi chuyển từ 4-4-2 sang chơi phòng ngự phản công (đỉnh cao là chức vô địch Champions League 2007/08), rồi dùng một cầu thủ xuất thân chạy cánh để làm trung phong (với Cristiano Ronaldo).
Đương nhiên, điều đó sẽ không hoàn toàn đúng bởi miễn là MU vẫn giành danh hiệu, như cách Sir Alex trên thực tế đã làm, thì mọi người đều hài lòng với nó. Người duy nhất có khả năng phản đối học thuyết của Sir Alex, có lẽ, chỉ có thể là… Sir Alex.
Lịch sử được viết nên bởi những người chiến thắng, và Sir Alex đã dựng nên một hình mẫu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử với quá nhiều tập thể chiến thắng. Nhưng để nói rằng Sir Alex chỉ “sống chết” với bóng đá tấn công là vô cùng khiên cưỡng. Và dựa trên cơ sở mơ hồ đó để bắt, kỳ vọng, mong mỏi Solskjaer làm theo là quá viển vông. Solskjaer thực chất đang xoay sở với những gì đang có, hệt như Sir Alex đã làm trong từng thời kỳ, khác nhau chỉ là hiệu quả mà thôi!