Vào cuối tháng 2/2014, Man United đã chơi trận lượt đi vòng loại trực tiếp Champions League trên sân của Olympiakos. Họ đã phải chịu đựng một mùa đông ảm đạm nhất khi hào quang bất khả chiến bại bị tước đi bởi những thất bại liên tiếp và ngày càng có cảm giác rằng David Moyes là lựa chọn sai lầm để kế thừa Alex Ferguson.
Các CĐV dù vẫn lên tiếng ủng hộ sự lựa chọn của Sir Alex, nhưng bằng giọng điệu kín đáo, họ đã chia sẻ sự bất bình của mình. Các cầu thủ đã gây ồn ào trước công chúng khi công khai sự nghi ngờ về Moyes ngay từ đầu, như Patrice Evra đã thừa nhận trong cuốn tự truyện của mình. Trong bầu không khí đó, quyền lực của Moyes đã bị xói mòn.
Nhưng BLĐ vẫn kiên định với sự ủng hộ Moyes. Họ khẳng định đây chỉ là “những cơn sốt mọc răng” của một triều đại mới và bức tranh lớn vẫn chứa đựng vô số sự lạc quan. Trong chuyến hành quân tới Hy Lạp, một thành viên của HĐQT đã chia sẻ chi tiết về công việc mà Moyes đang làm để hiện đại hóa mọi thứ tại Old Trafford.
Ông này cho rằng một “cơn bão đang đến” nhưng nó sẽ không thổi bay họ và sẽ không thay đổi niềm tin của họ vào Moyes. Đồng hương của Sir Alex mới trải qua 8 tháng của hợp đồng 6 năm và việc “thay ngựa giữa dòng” không nằm trong suy nghĩ của họ.
Thế nhưng trận thua 0-2 đêm đó tại Athens đã thay đổi tất cả. Moyes được thông báo ngầm rằng đó là thời điểm ông đã mất sự ủng hộ của HĐQT. Sau đó, Man United đã trở lại ấn tượng trong trận lượt về tại Old Trafford khi thắng 3-0 để lọt vào tứ kết Champions League (điều mà họ chỉ làm được một lần trong 8 mùa giải tiếp theo). Nhưng cuối tháng 4, sau những thất bại trước Liverpool, Man City, Bayern Munich và Everton, Moyes bị sa thải.
Vào đầu tháng 12/2015, Man United đã trải qua nửa mùa giải thứ hai dưới thời Louis van Gaal. Họ đứng thứ ba tại Premier League, kém hai đội dẫn đầu Man City và Leicester 1 điểm. Nhưng lúc này, Quỷ Đỏ thi đấu sa sút một cách thậm tệ, chỉ ghi được 7 bàn trong 9 trận trước đó.
Mỗi chiến thắng vào lúc đó không còn giống như một sự chứng thực cho triết lý được thổi phồng nhiều của Van Gaal mà mang dáng dấp lớp băng keo dùng để hàn gắn những vết nứt nội bộ đã xuất hiện kể từ khi Ferguson nghỉ hưu. Bảng xếp hạng đã nói dối.
Đây là khoảng thời gian Man City chuẩn bị có được Pep Guardiola, một kết quả đã đạt được sau 3 năm nỗ lực thuyết phục của giám đốc điều hành Ferran Soriano và giám đốc bóng đá Txiki Begiristain bất chấp lợi thế đã quen biết HLV này khi họ còn ở Barcelona. Mọi người đều biết điều đó – ngay cả HLV đương nhiệm Manuel Pellegrini, người đã giúp Man City vô địch Premier League lần thứ 2.
Với những động thái đang diễn ra, người ta cảm thấy dường như Man United lại bỏ lỡ một HLV giỏi giống như khi đã bỏ lỡ Juergen Klopp. Nhưng hệ thống đầu sỏ của Man United không thèm quan tâm. Tại một buổi họp báo cấp cao, một nhân vật lãnh đạo cấp cao đã tỏ vẻ dè bỉu việc Man City sẽ có Pep Guardiola và mô tả Van Gaal là “một HLV thiên tài”, người mà họ sẽ gia hạn hợp đồng dù giao kèo cũ vẫn còn 18 tháng.
Chỉ 6 tuần sau – sau khi bị loại khỏi Champions League ở vòng bảng và chỉ có 2 chiến thắng trong chuỗi 10 trận đáng sợ ở Premier League – BLĐ này hé mở khả năng bổ nhiệm Jose Mourinho. Và Van Gaal đã bị sa thải 24 giờ sau khi đánh bại Crystal Palace trong trận chung kết FA Cup.
“Ngựa mới thay” là Mourinho, HLV được phó chủ tịch Ed Woodward ca ngợi là “Manager tốt nhất thế giới hiện nay”. Ở trung tâm của thành Manchester, những tiếng cười khúc khích đã vang lên.
Vào tháng 1/2018, những rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên ở thời Mourinho đã bắt đầu xuất hiện. Thất bại trong trận derby trước Man City tại Old Trafford vào tháng trước, cho thấy những thiếu sót trong cách tiếp cận chiến thuật của Mourinho.
Không khí xung quanh khu huấn luyện Carrington đã bắt đầu trở nên tồi tệ. Mối quan hệ của Mourinho với Paul Pogba và những người khác trong phòng thay đồ đã trở nên tồi tệ. Man United đã cải thiện được thành tích nhưng càng ngày họ càng kém xa Man City của Guardiola và Liverpool của Klopp.
Tuy nhiên, vào cuối tháng đó, Man United đã trao cho Mourinho một hợp đồng dài hơn với các điều khoản hậu hĩnh. Sau khi kết thúc mùa giải 2017/18 đáng thất vọng, Man United có một mùa hè đầy căng thẳng ngày càng tăng ở hậu trường và một khởi đầu đáng báo động cho mùa giải mới.
Mourinho đã khẳng định với tờ báo La Repubblica (Ý) rằng thông tin về việc ông bị đe doạ sa thải là vô nghĩa. “Họ nói rằng tôi đang gặp nguy hiểm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Nếu sa thải tôi, các anh có biết họ sẽ phải đền bù cho tôi bao nhiêu tiền không?”. Câu trả lời là Man United phải trả 19,6 triệu bảng tiền bồi thường khi Ed Woodward và gia đình Glazer sa thải Mourinho vào tháng 12/2018.
Tất cả những hồi tưởng này nhằm để chỉ ra rằng hệ thống đầu sỏ của Man United đã trở nên ngày càng tầm thường và lạc lối trong con đường lãnh đạo của mình. Có niềm tin, có lòng trung thành và sau đó là sự bất mãn của kiểu người đã nhiều lần chứng kiến Woodward và nhà Glazer đâm đầu vào tường khi đưa ra các bản hợp đồng dài hạn hoặc gia hạn hợp đồng vào thời điểm đáng ra phải cân nhắc việc kết thúc.
Điều này đã thay đổi một chút trong quãng thời gian 2 năm và 10 tháng kể từ khi họ bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer, người thay thế Mourinho. Nhưng cũng đã có những khoảnh khắc nghi ngờ, như khi Man United sẵn sàng tiếp xúc Mauricio Pochettino ở đầu mùa giải trước, sau thất bại nhục nhã trước Tottenham ngay tại Old Trafford.
Nhưng sau đó họ lại đưa ra quyết định khiến Solskjaer trở nên an toàn vào mùa đông năm ngoái. An toàn đến mức giám đốc điều hành Richard Arnold, người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí của Woodward, đã nói vào tháng 3/2021 về “thành công phi thường mà Solsa đang mang lại”.
Man United đang đứng thứ hai tại Premier League vào thời điểm đó cho dù kém Man City tới 14 điểm. Trong giai đoạn kết thúc của mùa giải thứ tư trắng tay toàn bộ, Man United đã vào trận chung kết Europa League để rồi bị Villarreal đánh bại trên chấm luân lưu 11m.
Cần phải khách quan khi đánh giá về công tội trong nhiệm kỳ của Solskjaer. Trước khi ông đến, Man United đang ở tình trạng rối loạn và HLV này đã tạo ra một môi trường ổn định hơn, hài hòa hơn.
Không giống như giai đoạn ngày tàn của Mourinho, tình cảm gắn bó bền chặt giữa Solskjaer và CLB, hoặc ít nhất nó hiện diện là cho đến trận thua thảm hại 5-0 trước Liverpool, đã khiến hậu trường của Quỷ Đỏ quá hỗn loạn và sặc mùi sát khí. Nhưng không có thước đo nào, ở bất kỳ điểm nào, cho thấy thành tựu của Solskjaer lại giống như “thành công phi thường” theo lời ca ngợi của vị giám đốc điều hành của một CLB nổi tiếng.
Quyết định gia hạn hợp đồng cho Solskjaer vào tháng 7/2021 rõ ràng là kỳ lạ. Ngay cả một số người ở Old Trafford cảm thấy đó là một niềm tin hơi thái quá, nhưng họ tin rằng thương vụ này sẽ thể hiện sự ổn định, giúp ích cho việc tuyển dụng và lập kế hoạch dài hạn. Đó là ảo tưởng vô nghĩa.
Không ai cần tạo ảo tưởng về sự ổn định lâu dài nếu họ có kế hoạch dài hạn, thứ mà Man United rõ ràng không có trong suốt 8 năm qua. Vào nhiều thời điểm khác nhau, Woodward đã nói một cách hào hứng về “sự phục hưng văn hóa và triết lý của CLB” và cách Solskjaer đang làm chính là về điều đó.
Nhưng nói thì hay, còn làm được mới khó. Man United của Solskjaer hàng tuần vẫn đem đến những màn trình diễn tầm thường của những siêu sao chơi cực hay ở ĐTQG hay ở CLB cũ trước khi gia nhập Quỷ đỏ. Làm thế nào để nói về việc khôi phục các giá trị của kỷ nguyên Ferguson khi hết thua nhục nhã 0-5 trước Liverpool lại thất bại hoảng loạn 2-4 trước Leicester chỉ cách đó 8 ngày. Triết lý là triết lý nào? Phục hưng văn hoá là văn hoá nào?
Sự tự mãn và thoải mái chỉ xuất hiện trong gia đình nhà Glazers, chủ sở hữu của CLB, nhất là khi họ giao quyền điều hành cho Woodward, người đã trở thành người quản gia đắc lực nhờ công việc của mình tại JP Morgan. Woodward sau này đem đến 2 đối tác cũ là Matt Judge và Arnold, vốn cũng chỉ có chuyên ngành tài chính.
Việc tìm kiếm một giám đốc bóng đá của Man United kéo dài từ năm 2013 cho đến tận đầu năm nay, dẫn đến sự thăng chức của John Murtough, người đã chẳng để lại dấu ấn nào kể từ khi theo Moyes đến từ Everton vào năm 2013. Và những nhân vật vừa nêu tên đã tạo nên một nhóm đầu sỏ chuyên ra quyết sách cho CLB trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chính họ đã quyết định gia hạn hợp đồng với Solskjaer.
Công bằng mà nói, Solskjaer cũng có vẻ là một HLV có năng lực nhưng những gì đã diễn ra trong gần 3 năm qua đã cho thấy ông ta chẳng thể trở thành một Sir Alex mới với 27 năm tại vị, hay thậm chí là một giải pháp mang tính trung hạn. Cay đắng một điều là Man United không hề có một kế hoạch dự phòng cho tình huống này.
Điều đó đã dẫn đến việc bộ máy lập kế hoạch nhân sự của Man United đã hành động như bị ma nhập. Ngoài việc gia hạn hợp đồng với Solskjaer, họ còn có rất nhiều quyết định khó hiểu chỉ riêng trong mùa hè này: gia hạn với Eric Bailly và Juan Mata để ngồi chơi; giữ lại Jesse Lingard nhưng sử dụng rất ít; gia hạn với Edinson Cavani nhưng sau đó ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo; loay hoay với tương lai của Paul Pogba…
Việc đưa Solskjaer lên gần 3 năm trước dù sao vẫn là một trong số ít những quyết định ít sai lầm nhất của nhóm đầu sỏ này. HLV người Na Uy đã kìm được mạch sa sút của thời Mourinho, giúp các cầu thủ bình tĩnh và tự tin trở lại, thậm chí khởi sắc mạnh mẽ trong thời gian ngắn theo chân lý “thay tướng đổi vận”.
Chính điều này đã khiến Man United bị hoa mắt và bổ nhiệm Solskjaer là HLV chính thức với một BHĐ 3 năm thay vì “tìm kiếm người quản lý phù hợp cho dài hạn”. Và Solskjaer vẫn cứ an toàn ngay cả khi phép màu đã hết, vẫn khiến Ed Woodward và cộng sự gạt bỏ những sự thay thế khác như Pochettino, giống như khi xưa đã gạt bỏ cơ hội chiêu mộ Pep Guardiola vì “sự kỳ diệu của Van Gaal” hay thậm chí là cả Klopp vào năm 2014.
Vào thời điểm Klopp từ chức tại Dortmund vào tháng 5/2015, Man United đã có một cơ hội tuyệt vời để có được một HLV tài năng, người sau này dẫn dắt Liverpool đến chức vô địch Premier League và Champions League. Nhưng khi đó, Woodward đang nói với cả thế giới rằng Van Gaal là một lựa chọn “đỉnh của đỉnh” trong năm 2014.
Và Van Gaal “đỉnh của đỉnh” đã mang về Old Trafford một đống cầu thủ đắt tiền nhưng vô dụng như Marcos Rojo, Luke Shaw (trước đây), Daley Blind, Ander Herrera, Angel Di Maria, cộng với BHĐ đi mượn đắt giá Radamel Falcao, đưa Man United cán đích với 6 điểm nhiều hơn David Moyes.
Man United vẫn say mê Van Gaal khi Liverpool bổ nhiệm Klopp thay thế Brendan Rodgers vào tháng 10/2015. Có thể Liverpool đã may mắn tìm đúng chỗ vào thời điểm đó, nhưng rõ ràng, Man United đã nhiều lần thiếu tầm nhìn xa để có may mắn đó.
Ở thời điểm này, châu Âu đang có 2 HLV hạng A chưa có việc làm. Một là Antonio Conte, người đã dẫn dắt Juventus, Chelsea và Inter Milan tới các chức vô địch Serie A và Premier League. Người kia là Zinedine Zidane, HLV đã cùng Real Madrid vô địch Champions League 3 lần liên tiếp, cùng 2 danh hiệu La Liga. Hai HLV này có thể được coi thuộc tuýp chiến lược gia “sát thủ săn danh hiệu”.
Giữa 2 người này, Conte được cho là có khả năng trở thành HLV của Man United lớn hơn Zidane. Việc Conte sẽ mang lại sự chặt chẽ trong phòng ngự và tăng cường tính chiến thuật trong lối chơi của Man United là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, những người không thích Conte đến Man United luôn cho rằng HLV người Italia này là phiên bản khác của Mourinho, cả ở khía cạnh “cà khịa” và sở thích bè đảng.
Quản lý một CLB lớn cũng giống như quản lý một đất nước, mà người ta có thể sử dụng cách tiếp cận “pháp trị” hay “đức trị. Có những CLB tỏ ra rất phù hợp với phong cách pháp trị của HLV cứng rắn trong ngắn hạn, ví dụ như Real Madrid, Chelsea, Inter và PSG…
Trong khi đó, có những CLB khác lại ủng hộ cách tiếp cận mềm mại hơn. Man United luôn thích coi mình thuộc loại “đức trị”. Đó là lý do tại sao họ bổ nhiệm Moyes bằng BHĐ có thời hạn 6 năm, hy vọng “đức trị” của Moyes sẽ tiếp nối được sự an bình, vinh quang của thời Alex Ferguson.
Tuy nhiên, Moyes quá yếu ớt và chết ngợp trước cái bóng của Quỷ Đỏ. “Đức trị” của Moyes bị phá sản khiến Ed Woodward phải cuống cuồng chuyển hướng sang “pháp trị” kiểu Mourinho. Nhưng rồi Mourinho cũng bị sa thải, với đống đổ nát tan hoang do đường lối cứng rắn tạo ra. Đó cũng là lý do tại sao, sau Mourinho, họ tìm kiếm sự “đức trị” dưới thời Solskjaer.
Và câu hỏi rõ ràng, sau gần 3 năm của Solskjaer, là liệu họ có thực sự khôi phục được giá trị truyền thống hay không hay liệu bây giờ họ đã thụt lùi đến mức mà họ thấy mình đang bị “loạn đao pháp” chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi vũng lầy.
Kể từ sau trải nghiệm với Mourinho, những cái tên thu hút sự chú ý nhất từ giới đầu sỏ của Man United là những HLV có xu hướng trẻ và tiến bộ: Pochettino, Tuchel, Max Allegri, Julian Nagelsmann. Nhưng giờ, các HLV này đều có nơi có chốn và hiện chỉ có 2 cái tên sáng giá song thuộc trường phái “pháp trị”.
Cựu công thần Gary Neville – giờ hành nghề BLV của đài Sky Sport – đã tiếp tục chống lại khả năng mời Conte sau thảm bại 0-5 khi nói rằng Man United “sẽ không mang về một kẻ chỉ giỏi gây sát thương, một HLV chỉ ở tối đa 2 năm tại một CLB”. Một người khác trong BLĐ của Man United cũng tuyên bố: “Chúng tôi không muốn Antonio Conte. Đó sẽ lại là Mourinho khác”.
Chúng ta có thể hỏi: Tại sao Man United không bổ nhiệm Conte? Nhưng không phải CLB nào cũng hợp với Conte. Ví dụ, Man City đã nghiên cứu phát triển một triết lý bóng đá mà Conte sẽ không phù hợp. Họ có thể không bao giờ là một ông lớn như Man United, nhưng với tư cách là một dự án bóng đá, họ đã thành công hơn Man United nhiều.
Hay như Barcelona cũng sẽ không bao giờ chuyển sang kiểu Mourinho/Conte cho dù họ vừa sa thải Ronald Koeman. Họ mong muốn tìm kiếm một người nào đó có DNA của CLB như Xavi hay Pep Guardiola. Rõ ràng, nếu một CLB thực sự có tầm nhìn bóng đá rõ ràng, đã định hình cách hoạt động và cách mua cầu thủ, sẽ rất hiếm thấy họ chiêu mộ một HLV xuất sắc nhất đang sẵn có bất chấp phù hợp hay không phù hợp.
Man United đã dành vài năm qua để cố gắng huyễn hoặc rằng họ là kiểu CLB đang làm việc theo kế hoạch dài hạn. Nhưng thực tế cho thấy điều đó nghe giống như hô khẩu hiệu hơn là một niềm tin chân thành. Kế hoạch dài hạn đó có thực sự có không nếu nhóm đầu sỏ vừa yếu về chuyên môn bóng đá vừa đặt tầm nhìn vào quyền lợi của chủ sở hữu và các ưu tiên ngoài sân cỏ?
Chính vì thế, nhóm đầu sỏ mới liên tục gây sốc trong việc trọng dụng và sa thải HLV trưởng suốt 8 năm qua bằng triết lý: “Chúng tôi ủng hộ HLV… cho đến khi không thể ủng hộ nữa”.
Kiên nhẫn và ủng hộ là những đặc điểm đáng ngưỡng mộ, nhưng đã bao nhiêu lần trong 8 năm qua, họ đã đặt sự kiên nhẫn và ủng hộ đúng chỗ? Đã bao nhiêu lần họ cho thấy triết lý này thể hiện cho sự yếu kém của một năng lực lãnh đạo yếu kém, luôn phải đưa ra quyết định trong cảnh yếu thế?
Sẽ đến lúc “sự tuyệt vời” của Solskjaer không còn được ca tụng nữa. Nhưng nếu đội ngũ đầu sỏ của Man United tiến hành việc sa thải ngay lúc này thì Solskjaer vẫn còn có thể ra đi với lòng biết ơn và phẩm giá nguyên vẹn. Nhưng không được, bởi ông vẫn được HĐQT tín nhiệm và ủng hộ hết mình.