Vấn đề là: sao kênh Sky Sports lại hỏi một câu quá… phản bóng đá như vậy? Sao họ có thể chọn đấy làm đề tài? Bóng đá đâu phải là như vậy! Có thể Lionel Messi, hoặc chính Cristiano Ronaldo ở thời điểm phong độ rực rỡ nhất, sẽ làm cho đội bóng mạnh lên, sẽ tự mình quyết định toàn cục. Vài siêu sao hiếm hoi nữa, có thể làm như vậy. Nhưng tuyệt đại đa số thì không. Ronaldo hay Messi ngay bây giờ đều không còn khả năng ấy. Họ đã chìm vào quy luật chung từ lâu rồi. Nên nhớ: bóng đá là môn đồng đội.
Bóng đá không phải là môn chơi mà bạn có thể trả lời câu hỏi: Cristiano Ronaldo có làm cho M.U trở nên mạnh hơn hay không!
Vẫn có thể bàn, ở một khía cạnh khác. Câu trả lời thuộc về HLV trưởng. Đấy mới là nhân vật có câu trả lời “nặng ký” nhất. Hỏi “Ronaldo có làm cho M.U mạnh lên hay không”, thì cũng là hỏi “Ole Gunnar Solskjaer có biết cách dùng Ronaldo một cách hiệu quả hay không”. Bàn về năng lực huấn luyện, nhất là trong hàng ngũ các đội mạnh ở Premier League, thì quá rõ ràng: Solskjaer kém lắm. Nếu vẫn cứ gọi M.U là một trong các ứng cử viên vô địch ở Premier League, thì đấy là ứng cử viên vô địch có HLV bất tài, vô dụng nhất.
Mua Ronaldo về… để thất bại (ví dụ như thế), thì đấy trước tiên phải là thất bại của người mua, của HLV trưởng – chứ đấy không phải là thất bại của Ronaldo. Ít ra, đấy không phải là kết luận bao trùm. Mặt khác, nếu Ronaldo chưa hoặc không thể làm cho M.U mạnh lên, thì đấy cũng có thể là do HLV không biết cách dùng người.
Phải nói kỹ hơn về chi tiết “dùng người” này. Vấn đề không chỉ là Ronaldo nên đá ở đâu, hoặc đá như thế nào. Vấn đề còn nằm ở lối chơi của toàn đội, liên quan đến sự vận hành của các cầu thủ xung quanh nữa. Ronaldo có những ưu điểm riêng, không phải giới thiệu nữa. Muốn anh phát huy tốt những ưu điểm ấy, phải tạo ra một lối chơi, hệ thống chiến thuật, sao cho Ronaldo tốn sức ít nhất, có cơ hội ghi bàn nhiều nhất. Phải làm sao để những đường bóng bất chợt dội ra từ hàng thủ đối phương luôn có thể lọt ngay vào tầm khống chế của Ronaldo.
Làm sao thì làm (đấy là việc của ban huấn luyện). Và đấy cũng chỉ là một ví dụ. Một ví dụ khác: hay tranh luận tất cả những điều vừa nêu, chỉ cần thay cái tên Ronaldo bằng Marcus Rashford.
Ronaldo luôn khao khát thành công, đến một mức độ giống như “lòng tham vô đáy” vậy, giống như Pep Guardiola. Họ không bao giờ thấy đủ. Rashford nữa. Bởi Rashford giờ là người của xã hội Anh mà. Vì nhiều lý do, Ronaldo hoặc Rashford luôn có nhu cầu tỏa sáng. Tự thân họ luôn là nguồn lực vĩ đại, chỉ chờ phát tiết trong một cách sử dụng hợp lý của nhà cầm quân. M.U có hay không cách sử dụng hợp lý ấy?