Potter từng múa ba lê solo trước hàng nghìn người, trong gala thường niên tại Ostersund đội bóng mà ông khởi nghiệp cầm quân. Đó là cách Potter truyền thông điệp “hãy bước ra khỏi vùng an toàn” tới các học trò. Các cầu thủ Ostersund bị “kích động” bởi HLV người Anh, cũng hăng say tham gia phong trào văn nghệ.
Cùng nhau, họ tạo ra “học viện văn hóa” tại đội bóng Thụy Điển. Mỗi năm, thầy trò Potter có một chương trình ca múa nhạc đầy màu sắc, lúc thì diễn kịch, lúc thì hát đồng ca, lúc thì biểu diễn vở Hồ thiên nga. Potter chẳng có chút khiếu văn nghệ nào nhưng từng trùm mũ len qua đầu đọc rap như một rapper thứ thiệt.
Những gì Potter hướng đến trước tiên là team building, xây dựng đội ngũ gắn kết, thấu hiểu và chia sẻ. Chiến lược gia sinh năm 1975 này tin rằng tất cả những khía cạnh khác trong bóng đá rồi sẽ đến sau khi có một tập thể gắn bó như gia đình. Thế nên với mỗi cầu thủ, ông muốn họ phát huy hết tiềm năng con người, bộc lộ hết cá tính trước khi nghĩ tới chuyện rèn giũa chơi bóng.
Sau khi giúp Ostersund thăng hạng, Potter viết một bức email gửi cho tất cả phụ huynh của cầu thủ trong đội, yêu cầu họ viết thư tay cho con trai để bày tỏ niềm tự hào về thành tích trên sân cỏ. Đích thân Potter cũng viết thư riêng cho từng cầu thủ. Sau đó, Potter kẹp hai bức thư vào phong bì gửi cho mỗi học trò vào cuối mùa giải. Một hành động ý nghĩa và đánh thức tình cảm, sự gắn bó giữa CLB, cầu thủ và gia đình.
Đấy là Graham Potter của nửa thập kỷ trước. Hiện tại dù sự nghiệp đã phát triển lên cao, phương pháp huấn luyện được hiện đại hóa nhưng Potter vẫn trung thành với tôn chỉ “team building”. Bất cứ ai tác động xấu đến phòng thay đồ tức là đối đầu Potter. Hè này, Neal Maupay và Yves Bissouma đã phải rời Brighton vì làm “vẩn đục” bầu không khí đội bóng.
Trên lý thuyết, một HLV đề cao tinh thần tập thể như Potter là rất đáng quý. Nhưng Ostersund, Brighton không phải là Chelsea. Những đội bóng hàng đầu thế giới luôn sở hữu nhiều cái tôi lớn, có khí chất ngôi sao đôi khi vượt trên cả tập thể. Potter đủ khôn ngoan để hiểu điều đó. Vấn đề là ông sẽ hài hòa thế nào trong trải nghiệm khắc nghiệt đầu tiên tại một CLB tầm cỡ.
Chelsea từ trước tới nay vốn là một đội bóng “liên hiệp quốc” nơi tập trung cầu thủ tứ xứ với nhiều nền văn hóa khác biệt. Thế nên ở vị trí HLV trưởng, họ cũng thường sử dụng các HLV nước ngoài giàu kinh nghiệm. Potter mới là HLV nội thứ hai bên cạnh Frank Lampard trong 26 năm trở lại đây. HLV người Anh tại Stamford Bridge quả là của hiếm, nhưng có quý hay không thì cần thời gian phán xét.