Vì sao Oman thành công trước Việt Nam nhưng thất bại trước Nhật Bản, Saudi Arabia?
Thực ra không phải chờ đến trận đấu với đội tuyển Việt Nam, Oman mới tổ chức đá phạt góc mà người ta vẫn nói là khù khoằm. Cụ thể, họ bố trí 5 cầu thủ bu đặc trong vòng 5m50 vốn là khu vực hoạt động của thủ môn. Cách đá phạt góc này đã được Oman thực hiện trước Australia và Saudi Arabia. Nhưng họ không thực hiện thành công. Không có dữ kiện nào nói rằng Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam chủ quan và bỏ qua màn phối hợp này của Oman. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, Việt Nam rất bị động trước cách phối hợp đá phạt góc của đối thủ ở trận vừa rồi. Bàn thua của Việt Nam là một dẫn chứng tiêu biểu như thế.
Câu hỏi được đặt ra rằng, vì sao Oman không thành công khi đá phạt góc tương tự như thế khi gặp Nhật Bản hay Saudi Arabia? Thậm chí trong trận thua trước Australia, Oman không sử dụng? Câu trả lời nằm ở chính Australia. Đó là đội bóng có chiều cao tốt hơn nhiều so với Oman. Nút thắt câu chuyện nằm ở chính điểm này.
Một chuyên gia bóng đá nhiều năm dẫn dắt các đội trẻ của Việt Nam và là hậu vệ có kinh nghiệm trong quá khứ chia sẻ với Bongdaplus thế này: “Chiến thuật của Oman sẽ có giá trị khi đội Oman có chiều cao tốt hơn so với đối thủ và đương nhiên là không thành công nếu cầu thủ đội bạn cao hơn Oman. Những cầu thủ Việt Nam hôm qua khi gặp Oman bất lợi từ việc bố trí các cầu thủ có chiều cao trên 1m80 đứng sai vị trí và để đối phương đè trước mặt chúng ta. Điều đó dẫn đến hệ quả là thủ môn không đứng được ở một vị trí thuận lợi để tranh bóng.
Đáng ra, chúng ta phải bố trí 5 cầu thủ cao lớn, có chiều cao trên 1m80 vào trong vòng 5m50 cùng với Oman như Ngọc Hải, Tấn Tài, Tiến Linh, Hoàng Đức, Duy Mạnh. Trong đó, một huậ vệ cao lớn phải đứng chắn trước ở cột 1 (cột gần vị trí phạt góc). Ngoài ra, khi thấy thủ môn bị đối phương đè mặt như vậy, một hoặc hai hậu vệ Việt Nam phải liên tục đẩy, thúc người cầu thủ Oman. Đối phương đã có chiến thuật khôn ngoan như vậy thì mình phải sử dụng tiểu xảo liên tục.
Bởi chúng ta thấy ở bàn thua từ phạt góc, trọng tài không hề nhắc nhở gì cầu thủ Oman trong cầu môn. Khi đó, cầu thủ Việt Nam càng phải gây sức ép liên tục, đẩy, dồn cầu thủ Oman, không cho họ có thể đứng sát khung thành. Một mặt, điều đó giúp thủ môn Văn Toản có thêm khoảng trống để với tay. Mặt khác, hậu vệ Việt Nam làm như vậy sẽ dẫn đến ức chế cho đối thủ cộng thêm trọng tài phải ra mặt để dàn xếp lại. Tóm lại, giải pháp cho màn đá phạt góc này là cần bố trí các cầu thủ cao lớn đứng cùng với Oman. Thứ hai, cần bố trí một hậu vệ đứng chắn trước cột 1 và thứ ba cần tạo điều kiện để thủ môn rảnh tay hơn cứu thua”.
Ban huấn luyện và cầu thủ không nhạy bén
Cũng liên quan đến phương án chống quả đá phạt góc khù khoằm của Oman, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ với Bongdaplus: “Oman có cách dàn xếp đá phạt góc rất khó chịu. Thậm chí ngay cả khi pha đá phạt góc không thành công thì rất có thể chúng ta cũng chịu phạt đền khi hậu vệ Việt Nam luôn phải áp sát và ôm lấy hậu vệ Oman trong tình thế rất đông người đứng trong khu vực 5m50.
Nhưng tôi muốn nói thêm ở câu chuyện tổ chức chống phạt góc, tôi cho rằng Việt Nam đã đọc tình huống không nhanh nhạy. Bởi bàn thắng từ quả đá phạt góc của Oman không phải là lần đầu tiên họ thực hiện khó chịu duy chỉ trong trận đấu với Việt Nam. Đáng ra chúng ta sau khi thấy tình huống đầu tiên, thứ hai rồi thì cần phải có sự thay đổi và đưa ra phương án kịp thời. Nếu như muốn hạn chế tình huống đó bớt nguy hiểm đi thì Ban huấn luyện phải chỉ đạo cầu thủ ra khu vực mà cầu thủ Oman đá phạt góc và gây sức ép.
Mục đích là để cầu thủ Oman mất tập trung và đá kém chính xác đi. Khi đối phương đứng trong vòng 5m50 nhiều như thế thì yêu cầu từ người đá phạt góc phải thực sự chính xác và phải đưa bóng cuộn vào trong cầu môn. Vì thế, chúng ta cần cắt cử một cầu thủ chạy ra góc để thu hẹp góc sút và gây sức chế cho họ”.
Văn Toản có bài học lớn
Trong tình huống đá phạt góc này, thủ môn Văn Toản bị cho là người đã mắc lỗi. Hay chính xác là anh cũng chưa có kinh nghiệm đối phó với kiểu đá phạt góc khó chịu này từ Oman. Một chuyên gia cho rằng Văn Toản đã đấm trượt trong tình huống mà đội bạn đánh đầu vào cầu môn: “Ở tình huống đó, thủ môn phải làm sao với tay đấm quá bóng ra đã. Đúng là ở tình huống đó bất lợi. Nhưng thủ môn hơn cầu thủ một cánh tay cơ mà. Như tôi đã nói bên trên, cũng một phần vì hậu vệ Việt Nam không đẩy được cầu thủ Oman để giúp Văn Toản có một vị trí hợp lý nữa”.
Cũng ở một góc độ nữa là Văn Toản chưa có đủ độ tinh ranh để xử lý tình huống. Bởi theo quan điểm của một nhà báo dày dạn, nếu là thủ thành lọc lõi, rất có thể họ sẽ chủ động ngã sau va chạm ở vùng 5,5 m đặc kín này vì đó là vùng đặc quyền của thủ môn. Khi ấy, chắc chắn trọng tài sẽ phải xem xét tình huống rất kỹ và nó dễ khiến ý đồ của Oman phá sản. Nhưng Văn Toản không có được độ tinh quái ấy ở bất kỳ một tình huống đá phạt nào của Oman. Cái này là bài học không chỉ cho Toản mà còn cho cả các thủ thành khác của tuyển Việt Nam vì không chắc sẽ một mình Oman dùng chiêu này và chúng ta cũng còn gặp lại họ lần nữa.
Cũng theo quan điểm của một nhà báo khác dựa trên trận đấu giữa Nhật Bản và Oman, đội tuyển Nhật Bản bố trí thủ môn áp sát cầu thủ Oman. Trung vệ Maya Yoshida chủ động đứng tách ra để để thủ môn tranh chấp với cầu thủ Oman. Lợi thế dĩ nhiên thuộc về thủ môn Nhật Bản. Chỉ cần ngã ra, trọng tài sẽ phạt lỗi cầu thủ Oman vì tranh chấp với thủ môn trong khu vực 5m50.