Trước tiên, hãy làm quen với hiệu số bàn thắng thua từ những tình huống cố định. Tại Premier League 2020/21, M.U đã nhận tới 14 bàn thua từ các tình huống cố định, nhiều thứ 2 ở giải đấu. Ngược lại, Quỷ đỏ chỉ ghi được vỏn vẹn 7 bàn từ những pha bóng chết.
Điều này có nghĩa hiệu số bàn thắng/thua từ tình huống cố định của M.U là -7. Họ chính là đội có hiệu số bàn thắng/thua từ bóng chết tệ nhất ở Premier League, bằng với Sheffield Utd, đội bóng đã phải xuống hạng. Nếu so sánh với Big Six thì kỹ năng phòng ngự, tấn công bằng các tình huống cố định của M.U là tệ hơn cực nhiều nếu đặt cạnh Man City (+7), Chelsea (+5) hay Liverpool (+2).
Số liệu này chỉ ra tình huống cố định là một trong những điểm yếu nhất của M.U và họ cần phải cải thiện. Đây chính là lý do vì sao Ramsay được đưa về Old Trafford. Bởi anh là một HLV tình huống cố định cực giỏi. Mùa trước, Ramsay làm việc cho Chelsea và là HLV các tình huống cố định ở Stamford Bridge. Hiệu quả công việc của Ramsay được thể hiện qua việc The Blues có hiệu số +5 từ các pha bóng chết, nằm trong Top 5 tại Premier League. Năm 2019, khi mới 27 tuổi thì Ramsay đã có bằng Pro của UEFA. Sau thời gian làm việc ở những đội trẻ của Swansea, Shrewsbury, tài năng của Ramsay đã được phát hiện, rồi anh được Chelsea mời về làm việc. Và giờ thì anh được M.U chiêu mộ.
Bổ nhiệm Ramsay là bước tiến lớn của Quỷ đỏ trong việc chuyên nghiệp hơn, nguy hiểm hơn trong các tình huống cố định. Bởi trước khi có Ramsay thì người đảm nhiệm việc huấn luyện các pha bóng chết tại Old Trafford là trợ lý HLV Martyn Pert và HLV thủ môn, Richard Hartis. Rõ ràng, đây đều là những người không chuyên và đó là lý do khiến M.U rất kém trong các pha bóng cố định ở cả tấn công lẫn phòng ngự.
Nhìn rộng ra, không chỉ ở MU hay Premier League, mà các tình huống cố định đang ngày càng quan trọng hơn trong thế giới bóng đá hiện đại. Anh ở World Cup 2018, rồi Italia vô địch EURO 2020 là minh chứng về điều này, khi cả 2 luôn rất nguy hiểm ở các pha bóng chết. HLV tình huống cố định ở Italia là Gianni Vio, một cựu nhân viên ngân hàng ở Venice, người giành phần lớn thời gian để làm việc ở những giải đấu cấp thấp tại Italia, trước khi có cơ hội trở thành HLV của Azzurri. Vio được chính HLV Roberto Mancini mời về sau khi ông có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu hàng nghìn các tình huống cố định khác nhau. Vio thậm chí còn mở một website về chủ đề này và cũng xuất hiện trong quyển sách That Extra 30 Per Cent, nôm na là nói về việc nâng cao kỹ năng chơi bóng chết sẽ giúp đội bóng ghi được nhiều bàn hơn.
Trước đó, năm 2008, khi Walter Zenga làm HLV của Catania, ông đã mời Vio về làm việc cùng mình. Ngay trong trận đầu tiên, Vio đã tạo ra dấu ấn lớn khi giúp Catania đánh bại Napoli 3-0, trong đó có 2 bàn được ghi từ tình huống cố định. Bàn đầu tiên tới từ 1 pha bóng cố định bên cánh trái. 3 cầu thủ tấn công của Catania di chuyển ra ngoài vòng cấm để kéo những người theo kèm họ ra xa khung thành, cùng lúc đó 4 cầu thủ Catania khác chạy vào cột gần chiếm khoảng trống và 1 trong số đó đã ghi bàn.
Bàn thứ 2 tới từ một pha đá phạt góc. Nhiều cầu thủ Catania đứng ở cột gần, thu hút sự chú ý của hậu vệ và thủ môn Napoli, tạo ra khoảng trống cho một đồng đội bất ngờ xuất hiện ở cột xa rồi ghi bàn. Mùa giải năm đó, Catania trụ hạng thành công với chỉ 1 điểm hơn nhóm xuống hạng. Và công của Vio là rất lớn.
Tại EURO 2020 vừa qua, chỉ có 1 bàn từ đá phạt trực tiếp. Đó là pha lập công của Mikkel Damsgaard ở trận bán kết giữa Anh và Đan Mạch. Siêu phẩm được Damsgaard tạo ra ở Wembley nhưng đó là thành quả của tập thể và ghi dấu ấn lớn bởi Mads Buttgereit, HLV tình huống cố định của Đan Mạch. Ở pha ghi bàn, Damsgaard đã được giúp sức bởi 3 trung vệ đồng đội, những người đã tạo ra “bức tường” ngay trước hàng rào của Tam sư. “Bức tường” này di chuyển đúng thời điểm Damsgaard thực hiện cú sút và cản tầm nhìn của thủ thành Jordan Pickford.
Đội tuyển Việt Nam hôm qua thua 3 bàn trước Oman thì 2 là xuất phát từ các tình huống cố định. Bàn thứ 2 còn tới trực tiếp từ quả phạt góc. Cách đá phạt góc kiểu Oman không phải lạ nếu bạn thường xuyên xem các giải đấu lớn trên thế giới. Oman cũng không phải vượt trội về thể hình so với Việt Nam. Trên sân, họ chỉ có 2 tiền đạo có chiều cao tốt là Al-Hajri (1m82) và Al Sabhi (1m83). Các cầu thủ còn lại hầu hết chỉ loanh quanh trên dưới 1m70. Với Việt Nam, Quế Hải cao 1m79. Duy Mạnh 1m81. Còn có thêm Hoàng Đức 1m85 về hỗ trợ. Nghĩa là không thể nói là Oman chơi kiểu lấy thịt đè người, đè chiều cao trước VN trong các pha bóng cố định. Nhưng chúng ta vẫn thủng 2 bàn từ bóng chết.
Thế nên chúng ta thua không phải vì thấp hơn họ, mà thua vì cách chúng ta tổ chức phòng ngự trong tình huống cố định là rất kém. Bóng đá thế giới ngày càng tập trung, chú trọng hơn vào các pha bóng chết. Việt Nam chơi ở đẳng cấp giành vé dự World Cup thì cũng phải cải thiện tính tổ chức trong các tình huống cố định. Chẳng biết thầy Park có chú ý không?
Mà điều quan trọng là thất bại này cho thấy Việt Nam còn thiếu rất thiếu thứ để ra một sân chơi lớn thực sự. Không chỉ là tình huống cố định, mà còn là việc làm quen với VAR (thói quen chơi tiểu xảo nhưng lộ liễu gặp VAR là ‘toang’), những cái bẫy chiến thuật (Trung Quốc dụ cho Việt Nam dâng cao trong hiệp 2 để sử dụng bóng bổng)…
Thua thì cũng thua rồi. Nhưng chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học để sau mỗi 1 lần vấp ngã như thế này, hy vọng đội tuyển sẽ lớn mạnh hơn.
– App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
– YouTube: https://youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
– Website: https://fptplay.vn
– Fanpage: https://www.facebook.com/truyenhinhfptplayofficial