Sự thay đổi để đẩy lùi quan điểm bảo thủ từ phía HLV Park Hang Seo không chỉ thể hiện ở góc độ nhân sự, tức là khi ông thầy Hàn Quốc sử dụng 4 gương mặt mới trong đội hình vốn đã thuộc bài trước đó gồm Văn Toản, Tấn Tài, Công Phượng và Đức Huy.
Bởi lối chơi của đội tuyển Việt Nam đã có những nét tươi mới hơn, đặc biệt trong khâu tấn công. Đội có tâm thế cầm bóng, giữ bóng và chơi bóng. Theo thống kê, đội tuyển Việt Nam có khoảng 3-4 tình huống dứt điểm trong vòng cấm đối thủ. Đó có thể xem là dẫn chứng cho một sự thay đổi từ phía ĐT Việt Nam và HLV Park Hang Seo.
Đây không phải là một ngày thi đấu tròn trịa với cả hai hậu vệ biên lần đầu tiên thi đấu cùng nhau ở đội tuyển Việt Nam. Hồ Tấn Tài đã khởi đầu với một sự thất vọng. Tình huống anh cản đối phương trong vòng cấm địa một cách thô kệch dẫn đến việc ĐT Việt Nam phải chịu phạt đền từ sớm. Nhưng sau đó, cũng chính Tấn Tài luôn là người chủ động trong các tình huống đoạt bóng từ xa để tổ chức phản công cho đội tuyển Việt Nam. Bàn thắng mà Tiến Linh có được cũng xuất phát từ sự chủ động dâng cao của Tấn Tài. Anh thực hiện một pha cướp bóng trong chân cầu thủ Oman, dứt điểm từ xa quyết đoán khiến thủ môn đối phương không thể ngăn cản trước khi Tiến Linh đệm bóng vào gôn trống.
Ở phía đối diện, Hồng Duy có hiệp 1 khá tương phản. Anh là cầu thủ nổi bật nhất trong xử lý tình huống khi có bóng trong chân. Rất nhiều pha bóng Hồng Duy cho thấy khả năng xử lý khéo léo của mình. Cũng chính hậu vệ này có pha nhoài người chặn đứng cú sút cận thành của Al Yahyaei trong hiệp 1. Nhưng cũng trong hiệp 1 này, chúng ta không thấy một sự chủ động nơi Hồng Duy. Chính xác, anh lựa chọn quá an toàn khi không có nhiều tình huống sẵn sàng dâng cao để gây áp lực từ xa cho đối thủ. Đó là điều trái ngược hoàn toàn với một Tấn Tài dù chịu sức ép lớn từ đối phương nhưng vẫn mạnh dạn dâng cao.
Một điểm đáng tiếc nữa chính là pha phát hụt bóng của Hồng Duy dẫn đến một chuỗi tình huống sau đó và kết thúc là quả đá phạt đền thứ 2 của Oman, dẫn đến tỷ số 3-1.
HLV Branko Ivankovic không phải chờ tới trận đấu với Việt Nam để đưa ra bài đá phạt góc khù khoằm, khi số đông cầu thủ Oman có mặt trong vòng 5m50 để cản trở thủ môn Văn Toản. Nhưng đội tuyển Việt Nam cho thấy mình chưa chuẩn bị kỹ càng để đối phó. Dù Oman đã thực hiện rất nhiều những pha phối hợp đá phạt góc như thế ở trận gặp Nhật Bản, Saudi Arabia hay Oman nhưng ĐT Việt Nam vẫn lúng túng và bị thủng lưới.
Đó có thể là một điểm mà chính HLV Park Hang Seo và Ban huấn luyện của Việt Nam cần rút kinh nghiệm, khi công tác đánh giá và chuẩn bị cách chống đòn tủ của đối phương phải được làm tỉ mỉ hơn và trau chuốt hơn.
Hai tình huống mà đội tuyển Việt Nam chịu phạt đền đến từ những dư âm của một lối đá không hay vốn hình thành ở V.League. Nếu như pha bóng của Duy Mạnh với tay của anh va vào mặt cầu thủ Oman phía sau có thể là 50-50 thì trước đó, Tấn Tài với pha cản người không bóng thô kệch đáng phải chịu chỉ trích.
Đó là một pha bóng mà Tấn Tài đã quan sát và vẫn dùng tay để đánh nguội đối phương, dù rằng đó không phải là tình huống còn nguy hiểm với khung thành Việt Nam nữa. Trước Saudi Arabia, Việt Nam chịu thiệt từ việc phản ứng trọng tài. Trước Oman, chúng ta lại chịu thiệt từ cách chơi bóng tiểu xảo vốn xuất hiện nhiều ở V.League.
1 bàn thua từ phạt đền và 2 bàn từ bóng bổng càng khoét sâu vào 2 điểm yếu của ĐT Việt Nam. Trong 10 bàn thua của ĐT Việt Nam suốt 4 trận đã qua, đoàn quân của HLV Park Hang Seo đã chịu liên tiếp những kịch bản tương tự như vậy. Trước Trung Quốc, chúng ta nhận 2 bàn thua trực tiếp và 1 bàn thua gián tiếp từ bóng bổng. Trước Australia, Việt Nam cũng chịu 1 bàn thua từ bóng bổng tương tự. Khi đấu với Saudi Arabia, Việt Nam chịu 2 bàn thua từ phạt đền và 1 quả bóng bổng từ đối phương.