Nụ cười trên thị trường chuyển nhượng
Sau khi đăng ký thành công Jules Kounde vào thời điểm cuối thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2022, Barcelona có thể thở phào nhẹ nhõm. Trong vài tháng qua, họ sống với nhiều tâm trạng khác nhau. Cuối cùng, “gã khổng lồ” xứ Catalunya nhận được cái kết có hậu dù phải trả cái giá không nhỏ.
Kể từ khi nắm quyền, ông Laporta luôn tìm cách chống chọi lại với những khoản nợ khổng lồ của CLB. Nhưng vị luật sư này đã chứng minh một điều, Barca không thể “chết”. Dù khó khăn nhưng Los Blaugrana vẫn mang về hàng loạt tân binh sáng giá như Lewandowski, Franck Kessie, Christensen, Raphinha, Jules Kounde, Hector Bellerin, Marcos Alonso. Tổng cộng 158 triệu euro đã được họ ném ra “chợ Hè” 2022.
Nhưng vấn đề không hẳn nằm ở chuyện tiền bạc. Quy định về giới hạn quỹ lương của Ban tổ chức La Liga đã khiến cho họ không thể đăng ký tân binh. Để tồn tại, Barca đã phải “tự xẻ thịt” khi chấp nhận bán thêm 24,5% cổ phần của Barca Studios. Với động thái này, Chủ tịch Laporta hy vọng có thể gặt hái thành công ngắn hạn để bù vào những khoản sẽ mất đi trong tương lai. Nhưng dù sao, Barca cũng cho thấy họ sẵn sàng dám hy sinh vì khát khao thành công.
Cũng trong nỗ lực khẳng định mình, Nottingham Forest đã làm tất cả để tìm lại hào quang xưa sau khi trở lại Premier League. Tổng cộng 175 triệu euro được vung ra, mang về tới 21 tân binh. Điều đó có nghĩa rằng, CLB lừng danh một thời này gần như “thay máu” lực lượng cũ để chinh chiến ở Ngoại hạng Anh trong hình hài mới.
Rất nhiều ngôi sao được chiêu mộ như Jesse Lingard, Willy Boly, Neco Williams, Dean Henderson hay Renan Lodi với hy vọng xây nên giấc mơ hoang đường. Quá sớm để nói về thành bại của Nottingham Forest, nhưng ít nhất họ vẫn được xem là kẻ chiến thắng khi cho thấy tham vọng lớn.
Sự “can đảm” của Nottingham Forest là minh chứng cho thấy sức mạnh kinh tế của giải Ngoại hạng Anh. Trong mùa Hè này, cả giải đấu chi tới 2,25 tỷ euro để chiêu mộ cầu thủ, tức ngang với 4 giải La Liga, Serie A, Ligue 1 và Bundesliga cộng lại.
Nụ cười đã xuất hiện trên môi của Man City. Pep Guardiola chỉ bổ sung hai tân binh là Erling Haaland và Kalvin Phillips, nhưng đều có “sức nặng”. Đặc biệt, Haaland ngay lập tức cho thấy khả năng ghi bàn khủng khiếp dù vừa “chân ướt chân ráo” tới Ngoại hạng Anh. Ngoài ra, Arsenal hay Tottenham cũng có thể hài lòng. Arsenal thăng hoa nhờ tân binh Gabriel Jesus, còn Spurs hứa hẹn đáng sợ hơn với những ngôi sao Ivan Perisic, Richarlison, Clement Lenglet và Yves Bissouma.
“Kẻ vớ bẫm” nhất thị trường chuyển nhượng chính là Ajax. Họ đã thu về tới 233 triệu euro từ bán cầu thủ. Trong đó, chỉ tính riêng việc bán hai cầu thủ Lisandro Martinez và Antony cho M.U cũng giúp CLB Hà Lan thu về 160 triệu euro.
Những thất bại cay đắng
Không phải CLB nào cũng mua sắm thành công. Chelsea, trong giai đoạn đổi chủ, đã trải qua mùa Hè biến động. Họ buộc phải chia tay hàng loạt cầu thủ sáng giá như Ruediger, Christensen, Marcos Alonso theo dạng chuyển nhượng tự do. HLV Thomas Tuchel cũng bán sạch bộ đôi tiền đạo từng được kỳ vọng lớn là Timo Werner và Lukaku. Ở chiều ngược lại, The Blues buộc phải vung tiền chiêu mộ Raheem Sterling, Kalidou Koulibaly, Marc Cucurella, Wesley Fofana và Aubameyang để thay thế.
Không thể nói rằng, những tân binh của Chelsea thi đấu kém cỏi nhưng rõ ràng, việc xáo trộn quá nhiều đội hình đã khiến The Blues hứng chịu kết quả tồi tệ trong giai đoạn đầu mùa giải trước.
Tương tự, Liverpool cũng “ngồi trên đống lửa” khi chứng kiến bản hợp đồng trị giá 100 triệu euro, Darwin Nunez gây thất vọng lớn. Và khi tấm áo của Sadio Mane để lại vẫn quá rộng với những người thay thế, CLB vùng Merseyside đã liên tục đón nhận những kết quả đáng thất vọng.
Tuy nhiên, Leicester City mới là CLB gây thất vọng nhất. Trong Hè này, họ đã chia tay nhiều trụ cột như Kasper Schmeichel, Wesley Fofana. Nhưng đổi lại, CLB không chi một đồng nào chiêu mộ cầu thủ. Gánh nặng chất chồng lên vai HLV Brendan Rodgers ngày một nhiều hơn. Vị trí cuối bảng cho thấy “Bày cáo” tệ tới mức nào.
Mùa Hè 2022 cũng chứng kiến màn đào tẩu bất thành của nhiều ngôi sao. Cristiano Ronaldo đã dành cả mùa Hè để đòi rời M.U. Thậm chí, CR7 sẵn sàng vứt bỏ sự chuyên nghiệp được xây dựng trong cả sự nghiệp để “nổi loạn” đòi ra đi. Quỷ đỏ ngăn cản là một chuyện nhưng vấn đề ở chỗ, không có CLB nào sẵn sàng giải cứu Ronaldo. Nó là biểu hiệu cho thấy, siêu sao số 7 thực sự hết thời.
Không giống như Ronaldo, Frenkie de Jong được cả M.U lẫn Chelsea săn đón nhưng cầu thủ này thất bại trong việc… đòi nợ Barcelona số tiền 18 triệu euro. Ngôi sao người Hà Lan từ chối ra đi để ở lại đòi nợ. Nhưng anh không những không nhận được tiền mà còn đối diện với tương lai mù mịt sau giai đoạn nổi loạn.
Trong khi đó, giải Serie A thất vọng cùng cực khi không thể giữ chân ngôi sao như De Ligt, Kessie, Perisic, Insigne, Scamacca, Dries Mertens, Koulibaly… và chứng kiến họ ra nước ngoài chơi bóng. Nó phản ánh thực tế rằng giải Serie A không còn sức hút. Việc hàng loạt ngôi sao ra đi ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của các CLB Italia ở đấu trường châu Âu.
Giải Ngoại hạng Anh chi tiền bằng 4 giải đấu còn lại
Theo Transfermarkt, giải Ngoại hạng Anh chi ra 2,25 tỷ euro ở thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2022, bằng 4 giải đấu hàng đầu cộng lại gồm Serie A (749,23 triệu euro), Ligue 1 (557,85 triệu euro), La Liga (509,69 triệu euro), Bundesliga (484,58 triệu euro). Thâm hụt chuyển nhượng của giải Ngoại hạng Anh lên tới 1,35 tỷ euro.
Antony đắt giá nhất “chợ Hè” 2022
Antony là tân binh đắt giá nhất thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2022 khi chuyển từ Ajax sang M.U với giá 95 triệu euro. Đứng thứ hai là trung vệ Wesley Fofana (sang Chelsea, 80,4 triệu euro). Tiếp theo là Aurelien Tchouameni (sang Real Madrid, 80 triệu euro), Darwin Nunez (sang Liverpool, 75 triệu euro)…