Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Như một hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu, dù trước tiên thì hình ảnh ấy chỉ nói lên giá trị giải trí của bóng đá Anh: Andros Townsend ăn mừng “kiểu Ronaldo” sau khi ghi bàn ngay trên sân Old Trafford cuối tuần qua, dù anh dĩ nhiên là cầu thủ của đội khách Everton. Hóa ra, phần hồn của Ronaldo lại thuộc về đội khách trong khi Ronaldo đích thực của chủ nhà M.U lại chỉ còn là phần xác?
Trên ghế dự bị, M.U có Donny Van de Beek mà họ gần như chẳng bao giờ sử dụng. Paul Pogba từng là cầu thủ đắt nhất thế giới. Cristiano Ronaldo với 5 lần đoạt Quả bóng vàng. Jadon Sancho được ca ngợi như một trong những ngôi sao trẻ vĩ đại nhất thế giới, là hợp đồng “khủng” trong mùa hè vừa qua… Tóm lại, M.U có đến hàng trăm triệu bảng trên ghế dự bị – giá trị cao hơn rất nhiều so với đội hình chính của Everton. Cầu thủ ghi bàn cho Everton, Townsend, có giá thực tế 0 đồng (chuyển nhượng tự do), và giá trị ước tính hiện thời trên trang web Transfermarkt là khoảng 5 triệu bảng – bằng 1/6 giá trị của cầu thủ “làm cảnh” Van de Beek, hoặc vài phần trăm giá trị của Sancho, Ronaldo, Pogba – bất cứ ngôi sao nào bên phía M.U phải vào sân từ ghế dự bị.
Trong khi Ronaldo, Pogba, Sancho, Jesse Lingard… ngồi ngoài, thì đội hình chính của M.U có Fred – mẫu cầu thủ “thấy mặt là thấy thua”. HLV Ole Gunnar Solskjaer khẳng định: ông xếp đội hình rất đúng, nhất là việc để Ronaldo ngồi ngoài. Nếu giới quan sát thấy có gì đó sai sai, thì đấy là vấn đề của họ. Tất nhiên rồi. Nhưng, kết quả thì quá lạnh lùng, và là sự thật hiển nhiên: Solskjaer bảo ông rất đúng, người xem thấy “sai sai”, còn trên sân thì M.U không thể thắng, thậm chí suýt thua, ngay tại sân nhà.
Chỉ hòa Everton ngay sau khi thua Aston Villa, đều trên sân nhà, thì đấy là việc của Solskjaer chứ đâu phải của giới bình luận! Hồi đầu mùa, Solskjaer nói rất mạnh miệng: “M.U phải có kết quả thật tốt trong 7 vòng đầu tiên, chứ không được sớm mất điểm như hồi năm ngoái. Không ai vô địch sau 7 vòng đầu, nhưng người ta có thể mất ngôi vì 7 vòng đầu”. Nói vậy chẳng qua vì Solskjaer thấy giai đoạn đầu của M.U ở Premier League mùa này gồm toàn các trận khá dễ. Nào ngờ, dễ mà cũng không thể thắng. Vì M.U chẳng có bài bản gì để hy vọng chiến thắng.
Lối chơi rời rạc, vô hồn, mà có lẽ cũng chẳng có lối chơi gì. Tù túng, bế tắc, gần như tất cả chỉ là tự phát. Tất nhiên, bóng đá không có lối chơi hoặc con đường ưu việt nào – chỉ có những cách đá khác nhau chứ chẳng có cách nào là hay hoặc dở; đúng hoặc sai. Thậm chí, ở đẳng cấp cao, người ta còn phát huy nguyên tắc “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Cho nên, chẳng ai chê M.U không có lối chơi, bài bản rõ ràng (đấy là việc của Solskjaer). Vấn đề ở đây: bóng đá là môn đồng đội. Vì M.U không kết hợp được các cầu thủ vào một bài bản, chiến thuật hợp lý, nên sự thể hiện trên sân chỉ còn là giá trị rời rạc của từng cá nhân. M.U không có được một khối giá trị, nhờ nhà cầm quân biết kết dính các cá nhân, như Everton.
Không ai lại một mình chạy theo đối thủ một cách vô vọng, như cách truy cản “buồn cười” của Fred, trong tình huống dẫn đến bàn thua cho M.U. Trên lý thuyết, phòng thủ là việc dễ, vì nó có phương pháp, nguyên tắc, có thể chủ động. Dù thua hẳn về tài năng, người ta vẫn có thể phòng ngự ổn thỏa, nếu chơi đúng cách. M.U không làm được cái điều “dễ và cơ bản” này. Ngược lại, đấy chính là điều mà Everton làm rất dễ dàng. Cứ đá đúng cách, kết hợp được các cá nhân thành một khối vận hành đúng nguyên tắc, hệ thống, thì một đội yếu có thể không thua đối thủ trên tài. Và Everton không thua trên sân Old Trafford theo nguyên tắc ấy.
6 tuần “ác mộng” chờ M.U
M.U sẽ làm khách trên sân Leicester ở vòng đấu sắp tới tại Premier League, ngày 16/10. Đến cuối tháng 11 thì M.U gặp Arsenal, cũng tại Premier League. Ở khoảng giữa là 8 trận khác, đều rất khó khăn. Đó là các trận gặp Atalanta (2 lần) và Villarreal ở Champions League; gặp Liverpool, Tottenham, Man City, Watford, Chelsea ở Premier League. Đấy sẽ là 6 tuần “ác mộng” dành cho M.U nói chung cũng như HLV Ole Gunnar Solskjaer nói riêng?
2 – M.U chỉ thắng 2 trong 7 trận sân nhà gần đây nhất ở Premier League (hòa 2, thua 3). Ngay trước đó, M.U thắng 8 (hòa 1, thua 1) trong 10 trận ở Old Trafford. Khác biệt giữa 2 thời kỳ là có và không có khán giả tại sân.