Đáng lẽ, kết quả thắng 1-0 phải là “nhãn hiệu độc quyền” của Thomas Tuchel. Kết quả ấy nói lên mức độ chắc chắn trong phòng ngự – điều mà ai cũng phải làm trong bóng đá đỉnh cao, và với Tuchel thì nên nói thêm: “phải làm được”. Chelsea gần như không thể thủng lưới trong những ngày đầu của triều đại Tuchel. Và khi đã đảm bảo một sự vững chắc gần như tuyệt đối nơi hàng thủ, thì rút cuộc hàng công của Tuchel phải ghi bàn như một điều phải đến mà thôi. Một bàn là quá đủ, hoặc quá nhiều, nếu bạn không thủng lưới.
Chelsea luôn là như vậy kể từ khi Tuchel xuất hiện giữa mùa trước, thay chỗ Frank Lampard. Cứ thế, họ vươn lên “top 4” và vô địch Champions League, với chiến thắng 1-0 trước Man City của Pep Guardiola trong trận chung kết. Nhưng bây giờ, Chelsea liên tục thua 0-1, trước Man City ở Premier League và Juventus ở Champions League. Bây giờ, tỷ số 0-1 lại nói lên sự bế tắc trong tấn công, và sự bất an của một hàng thủ không thể đảm bảo giữ nguyên mành lưới. Chính Tuchel thừa nhận bàn thua trước Juventus là kiểu thủng lưới “không thể chấp nhận”, trong tiêu chuẩn của ông.
Trong chuyến làm khách trên sân Juventus gần nhất trước đây, Chelsea cũng là ĐKVĐ Champions League, cũng lên ngôi vô địch sau khi thay HLV giữa mùa. Họ cũng thất thủ trước Juventus. Nhưng khi ấy, Chelsea lập tức sa thải HLV Roberto Di Matteo, trong buổi sáng hôm sau. Bây giờ, tất nhiên chẳng ai dám nói Tuchel đối diện nguy cơ bị sa thải. Nhưng, Man City và Juventus vừa nhắc một điều mà chính Tuchel chắc chắn hiểu rõ: mùa này đương nhiên là sẽ khó khăn hơn hẳn so với mùa trước. Thua liền 2 trận, vẫn chưa sao. Vậy, thua bao nhiêu trận thì mới “có sao”?
Áp lực gần như là không tồn tại khi Tuchel vừa đến thay chỗ Lampard. Bây giờ khác hẳn: đấy là thứ áp lực sẵn có, nơi một đội bóng vừa tăng cường trung phong 97 triệu bảng, lại đang giữ chức vô địch Champions League. Có thể Chelsea mệt mỏi, toàn đội hoặc vài cầu thủ cụ thể. Họ không thể cứ sắc bén mãi, từ thể lực cho tới tinh thần, cá nhân cho tới lối chơi toàn đội. Tuchel cũng có thừa nhận chỗ này hoặc chỗ khác, có lý giải vài điều, hơi mông lung. Nhưng tóm lại, ông “không biết vì sao thua, vì sao Chelsea đá dở như vậy”. Dở và thua từ hàng thủ lên đến hàng công. Trong bóng đá đỉnh cao, áp lực có thể là nguyên nhân, là xuất phát điểm dẫn đến mọi tình trạng chẳng ai mong muốn.
“Rất khó thi thố trước một đối thủ quá thiên về phòng ngự như Juventus” – bình luận của Tuchel có vẻ không mấy thuyết phục. Juventus chỉ giữ bóng 26,9% và sút chính xác đúng 1 lần. Vài ngày trước đó, chính Chelsea “diễn vai Juventus”, khi đội bóng của Tuchel giữ bóng rất ít dù là đội chủ nhà, và thậm chí không sút chính xác quả nào trong suốt trận. Khi ấy, Man City đâu có khó thắng trước một đối thủ quá thận trọng!
Tóm lại, Chelsea của Tuchel thua liền 2 trận, trong 2 cách chơi, chiến thuật, hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Đừng hỏi “vì sao thua”, hoặc đừng lấy làm lạ khi HLV Tuchel nói chính ông “không biết vì sao thua”. Đây chỉ là vấn đề phát biểu, một trong những thủ tục phổ biến và đáng ghét nhất ở các giải đấu đỉnh cao. Không có luật nào bắt người trong cuộc phải nói đúng sự thật.
Dù sao đi nữa, khi Tuchel nói vậy, thì cũng có lý. Vấn đề hiện thời của ông là không nhất thiết phải có lý do để… Chelsea thua. Khác biệt chỉ là: nếu ông thua ở mùa trước, thì cũng chẳng sao. Còn bây giờ, bất cứ trận thua nào cũng là vấn đề, là bất ngờ, là… lỗi của Tuchel. Nhà ĐKVĐ Champions League thì dĩ nhiên là đội “kèo trên” chứ còn gì nữa!
Đã phải xác định đây sẽ là mùa bóng cực kỳ khó khăn rồi. Vậy, bất cứ thời điểm khó khăn nào của Chelsea mùa này, đều chẳng lạ.