Có lẽ vì đấy là một cầu thủ vừa tầm thường về tài năng, vừa kém thông minh đến mức không hiểu vì sao mình ghi bàn hoặc ngồi ngoài. Solskjaer vừa nói về bàn thắng “may mắn” của MU – như một minh chứng rằng, ông quả không được thông minh cho lắm!
Giới hâm mộ Old Trafford ăn mừng bàn thắng quyết định trong những phút bù giờ của Cristiano Ronaldo, đến gần cả tiếng sau khi trận đấu kết thúc. Đấy là một trong những chỗ cốt lõi, tuyệt vời nhất của môn bóng đá. Và ở đây, chúng ta đang nói về đội bóng nổi tiếng nhất, với những khán giả cũng vào loại nổi tiếng nhất, ngay trên quê hương của môn bóng đá. Vĩ đại như thế, nên tiếc thay, Solskjaer khó lòng hiểu nổi. Đây là vấn đề trình độ.
Vì sao Ronaldo nói riêng hoặc MU nói chung ghi được bàn thắng quyết định ở phút 90+5? Solskjaer phát biểu sau trận rất lâu, nói rất dông dài, toàn những chuyện ai cũng nói được. “Lấy trọn 3 điểm trên sân nhà là quan trọng. Trận thắng này tốt hơn trận thua trước đó” – đại khái như vậy. Để rồi, ông kết luận “… và cuối cùng, chúng tôi đã gặp may”. Xin lỗi ngài Solskjaer: sai ngữ pháp mất rồi. Ông phải nói “Tôi gặp may”, có thể vì bản thân ông không hiểu vì sao. Còn MU nói chung và Ronaldo nói riêng xứng đáng chiến thắng. Họ chẳng những không hề gặp may. Họ quá xui khi đang bị ông huấn luyện đấy!
Giả sử MU không thắng Villarreal thì cũng chẳng phải là chuyện động trời. Đâu cần nhắc lại thầy trò Solskjaer đã thua Young Boys hoặc Aston Villa như thế nào. Tùy quan điểm thôi, nhưng nếu MU chỉ hòa Villarreal tại sân nhà Old Trafford, thì có lẽ đấy mới là kết quả hợp lý nhất. MU có ưu thế sân nhà và lực lượng hơn hẳn, nhưng đội khách từng thắng họ trong trận chung kết để đoạt chức vô địch Europa League cách đây chưa lâu, và khác biệt lớn nhất là MU thua hẳn ở vị trí HLV trưởng. Nên đáng lẽ phải hòa. Vậy mà cuối cùng, MU giành được chiến thắng cực kỳ quý giá, và quan trọng.
Sao lại nói đấy là “may mắn”, hả Ole? Đấy là nỗ lực tuyệt vời đến mức khó mà diễn đạt cho hết, của Ronaldo đấy chứ. Ở tuổi 36, Ronaldo ghi đến 5 bàn trong 5 trận đấu ngay khi vừa trở lại MU – bấy nhiêu đã là trên mức tuyệt vời rồi. Nhưng, còn một điều quan trọng hơn, mà thật đáng buồn rằng Solskjaer hình như không hiểu. Ronaldo đem lại cho MU những thứ quý giá, còn hơn cả số bàn thắng cụ thể mà anh ghi được. Đó là nỗ lực tột bậc, là tinh thần thi đấu đến cùng. Ronaldo không chỉ thể hiện rõ phẩm chất đã giúp anh trở thành siêu sao số 1 thế giới (Lionel Messi thì chủ yếu phát huy tài năng thiên bẩm, không bằng Ronaldo trong khía cạnh này). Anh còn nêu một tấm gương rực sáng để đồng đội noi theo.
Không bao giờ “buông bỏ”, và tấm gương ấy vẫn chưa đủ. Nỗ lực của Ronaldo thì vĩ đại rồi (trong suốt lịch sử Champions League, không ai ghi bàn quyết định chiến thắng ở phút 90 hoặc thời gian bù nhiều hơn Ronaldo). Nhưng còn phải vận dụng đầu óc nữa. Phải biết kết hợp sự thông minh với kinh nghiệm già dặn và nỗ lực tột bậc thì mới có được các bàn thắng đặc trưng như Ronaldo. Giá trị của lão tướng BĐN, khi được đặt vào môi trường thích hợp, thì càng phát huy rực rỡ. Một trong những đặc điểm lớn nhất của bóng đá Anh, qua hàng trăm năm phát triển, chính là cách mà người ta tán dương nỗ lực của cầu thủ.
Bóng đá Anh không nổi tiếng về phẩm chất kỹ thuật, sự sáng tạo, hoặc vẻ đẹp nghệ thuật, như vài siêu cường bóng đá khác. Nhưng bóng đá Anh luôn nổi tiếng nhất về nỗ lực. Khán giả luôn tán dương giá trị ấy.
Có thể Solskjaer muốn tỏ ra “khiêm tốn” nên mới dùng từ “may mắn”? Mặc kệ ông, nhưng đừng kéo người khác – hàng chục ngàn cổ động viên tại Old Trafford, và các cầu thủ MU vừa vắt kiệt khả năng, sức lực – vào cái sự khiêm tốn giả tạo của mình. Vả lại, như đã nêu, nỗ lực tột bậc trong bóng đá là cái điều vĩ đại phải được tán tụng, phát huy. Gọi đấy là “may mắn”, tức Solskjaer vừa tát vào mặt siêu sao vĩ đại vừa cứu ông!