VPF từ chối tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường
Ngày 25/9, VPF đã có văn bản phúc đáp đại diện 6 CLB gồm: HAGL, Hải Phòng, SLNA, B.Bình Dương, Nam Định và Quảng Nam về việc triệu tập Đại hội đồng cỏ đông bất thường. Theo đó trong thông báo mà VPF gửi đến các CLB này có các nội dung đáng chú ý như sau: “Việc yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tài khoản 3, 4 điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Do đó, yêu cầu của Quý cổ đông không thuộc trường hợp triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Hội đồng quản trị Công ty VPF.
Về những ý kiến đóng góp, kiến nghị của Quý cổ đông, Hội đồng quản trị sẽ cùng với các cổ đông thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện cho phép. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với hoạt động tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp của Công ty VPF”.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến chiều 24/8 giữa đại diện lãnh đạo VFF, VPF và 27 CLB đang chơi tại V.League và giải hạng Nhất, đại diện các đội bóng gồm Hải Phòng, Quảng Nam, SLNA, B.Bình Dương và Nam Định có đề nghị việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Kế đến, HAGL cũng có ý kiến tương tự sau đó.
Cơ sở nào để VPF từ chối?
Dựa trên thông báo gửi tới 6 CLB kể trên, VPF cho rằng việc yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tài khoản 3, 4 điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF.
Cụ thể, về khoản 3,4 điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
– Khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp về Quyền của cổ đông phổ thông có 2 trường hợp triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Một là, HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao. Hai là, trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty, ở đây là VPF.
– Khoản 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3 phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Về khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF tương tự những khoản trên của Luật Doanh nghiệp. VPF có thêm một trường hợp để cổ đông có thể yêu cầu họp ĐHĐCĐ bất thường là “Nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá sáu tháng mà HĐQT mới chưa được thay thế”.
Căn cứ từ điều khoản, dựa trên Luật doanh nghiệp và Điều lệ VPF vốn được VPF trích dẫn trong văn bản phúc đáp 6 CLB, chúng ta thấy được rõ rằng Đại hội đồng cổ đông bất thường chỉ được xảy ra khi:
– HĐQT yêu cầu họp khẩn
– Số thành viên HĐQT bị giảm quá 1/3 số lượng so với quy định tại điều lệ
– HĐQT vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý, hoặc HĐQT vượt quá thẩm quyền được giao.
Cả 3 trường hợp trên đều không xảy ra. Ngay cả các quyết định về mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2021, HĐQT VPF cũng thông qua đúng quy trình. Đầu tiên, đưa ra đại hội thường niên của Ban chấp hành VFF xem xét và phê duyệt. Nên nhắc lại, VPF chỉ là đơn vị tổ chức giải đấu, còn Ban chấp hành VFF mới có thẩm quyền cao nhất về các quyết định. Vì thế, quyết định dừng mùa giải 2021 là kết quả thống nhất sau cuộc họp của Ban chấp hành VFF và VPF, lẫn các đội bóng phải thực thi nghĩa vụ.
Như vậy, việc VPF tuyên bố dừng mùa giải 2021 đã đi đúng các quy trình về chức năng, quyền hạn của mình. Và HĐQT không cần phải làm theo yêu cầu của một số lãnh đạo đội bóng về việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại các vị trí trong HĐQT.