Chelsea không chỉ giữ bóng ít. Họ còn mất bóng khá nhanh và khá dễ, mỗi khi đưa được quả bóng qua phần sân đối phương. Hình như HLV Thomas Tuchel có cử chỉ trên màn hình cho thấy ông không hài lòng về điều này.
Đội giữ bóng nhiều không nhất thiết phải là đội tấn công. Cách đây khoảng chục năm, tức vào thời điểm rực rỡ nhất của lối chơi tiqui-taca nổi tiếng, giới chuyên môn đã thống nhất nhận định: giá trị phòng ngự của lối chơi ấy cao không thua gì giá trị tấn công của nó. Nếu như quả bóng luôn nằm trong chân bạn, thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn?
Vâng, tùy theo cách giữ bóng hoặc mục tiêu giữ bóng – chứ vấn đề chẳng phải là giữ bóng nhiều hay ít. Man City mới là đội có tính chất phòng thủ cao hơn, trong hoàn cảnh chính họ giữ bóng tròm trèm 70% trên sân Stamford Bridge. Suốt hiệp 1, Man City giữ bóng ở tỷ lệ áp đảo, nhưng không để làm gì. Ngược lại, Chelsea mới là đội tỏ ra nguy hiểm, lăm le, rình rập. Đấy chính là lý do vì sao HLV Tuchel hay tỏ ra bực bội mỗi khi Chelsea đưa được quả bóng qua sân đối phương và lập tức mất bóng. Có lúc, Romelu Lukaku chuyền không chính xác cho Timo Werner. Có lúc Werner lại xử lý kém khi nhận được đường chuyền độc của Marcos Alonso. Đấy đều là những cơ hội tấn công bị bỏ lỡ.
Xin được nhấn mạnh: “cơ hội tấn công” thôi, chứ lấy đâu ra cơ hội ghi bàn trong một hiệp đấu mà đôi bên cộng lại vẫn chẳng có cú sút nào đúng hướng khung thành! Chelsea thậm chí còn không tận dụng được các cơ hội hiếm hoi… để có được pha tấn công. Đường chuyền non của Mateo Kovacic cho Kai Havertz trong hiệp 2 là một trong những tình huống “bỏ lỡ cơ hội để có tình huống” đáng tiếc nhất.
Man City phòng thủ rất hay ngay cả khi họ có vẻ là đội tấn công. Phòng thủ khi chính mình còn đang giữ bóng. Và luôn dập tắt được nguy hiểm ngay trong khoảnh khắc vừa mất bóng. Và rút cuộc, Gabriel Jesus mở được tỷ số cho Man City ở cú sút đúng hướng khung thành đầu tiên của trận đấu – trong hiệp 2. Không nhờ sự xuất sắc của thủ môn Edouard Mendy, Chelsea sẽ còn thua tiếp ngay sau đó, ở cú sút chính xác thứ hai trong toàn trận!
Về mặt xu thế, trường phái tấn công đang tỏ ra thất bại trước trường phái phòng ngự ở Premier League mùa này. Liverpool là đội duy nhất chơi thiên về công có thể hài lòng sau 5 vòng đấu đầu tiên. Các đội còn lại cùng Liverpool trấn giữ “top 4” trong 5 vòng đầu – Chelsea, MU, Brighton – đều có bản chất phòng ngự, hoặc luôn phòng ngự kỹ càng. Các đội mang đậm tư tưởng tấn công như Leeds hoặc Arsenal đều thua bét nhè. Wolverhampton thì cứ tấn công mãi, sút cầu môn mãi, mà không ghi bàn.
Ngay cả Man City trong 5 vòng đấu đầu tiên cũng là trường hợp tiêu biểu cho thất bại của trường phái chơi thiên về công. Kỳ này khác biệt ở chỗ, HLV Pep Guardiola hẳn đã ám ảnh với 3 trận thua liên tiếp trước Chelsea của Thomas Tuchel cuối mùa vừa qua. Ông hẳn đã chuẩn bị đến mức độ kỹ nhất có thể, để thắng bằng mọi giá trong cuộc tái ngộ Tuchel này. Và cuối cùng, Guardiola đã chấm dứt được chuỗi trận thua Tuchel. Bằng một sự cẩn thận tuyệt đối trong vỏ bọc tấn công!
Man City trong trận thắng Chelsea vừa qua là đội phòng ngự bằng cách tấn công, giữ bóng trước tiên là để đối phương không có cơ hội tấn công. Họ thận trọng và sẵn sàng ứng chiến với tư thế của kẻ phòng thủ ngay khi đang giữ bóng. Ngược lại, ý đồ tấn công chớp nhoáng của Tuchel hoàn toàn phá sản. Đấy cũng là một trường hợp “phòng thủ thắng tấn công” vậy.