Một trận đấu chỉ được tổ chức khi đáp ứng được những tiêu chí về kỹ thuật, an ninh cùng nhiều điều kiện khác. Càng các trận đấu quốc tế thì tiêu chuẩn càng được nâng cao. Đơn cử như việc để đưa hệ thống VAR vào hoạt động thì FIFA đã phải huy động lượng máy móc và con người vô cùng lớn với chi phí lên đến hàng tỷ đồng.
Trở lại câu chuyện của V.League. Tại sao vấn đề cấp phép chuyên nghiệp được đẩy lên cao những ngày qua. Từ chuyện Hải Phòng, Nam Định nợ thuế đến hàng loạt các đội bóng đang thiếu hoặc yếu khá nhiều những tiêu chí mà AFC đặt ra. Từ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo trẻ, đến năng lực tài chính, sự độc lập trên tư cách một doanh nghiệp của CLB luôn được AFC đề cao.
Không phải tổ chức này khắt khe mà muốn phát triển và phát triển một cách bền vững thì các đội bóng phải hội đủ những tiêu chí cần thiết. Họ phải có cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ nhân lực vận hành nó. Và đương nhiên, để trả lương cho cả cỗ máy thì yếu tố tài chính cần được đặt lên hàng đầu.
AFC hiểu bức tranh bóng đá châu Á và họ muốn vạch ra một con đường, một giới hạn để hướng đến. Có thể ai đó coi những tiêu chí mà tổ chức này đặt ra là quá khắt khe, thiếu sự cảm thông với các nền bóng đá đang phát triển nhưng muốn bền vững, bạn phải chấp nhận tuân theo những quy định ấy.
Họ không muốn có các đội bóng phát triển mà thiếu nền tảng căn bản. Họ hiểu một khi các đội bóng thiếu căn bản bỏ cuộc, giải đấu sẽ bị xáo trộn, phong trào bóng đá bị khủng hoảng. Thế nên, thay vì cảm thông, AFC quyết định siết chặt đầu vào ở tiêu chí cấp phép dù đâu đó vẫn có sự đặc cách ở một vài thời điểm, một vài nội dung.
Thực tế tại V.League thời gian qua đòi hỏi phải nghiêm túc hơn nữa trong thực hiện tiêu chí cấp phép. Việc các cầu thủ nợ lương, mất việc vì tài chính của CLB thiếu ổn định là bài học cần khắc phục. Việc một số đội bóng chỉ đứng ở góc tiêu tiền thay vì kiếm tiền cũng làm nảy sinh mối nguy cơ cho giải đấu.
Một khi các ông bầu hết hào phóng hoặc gặp vấn đề về tài chính thì giải đấu sẽ bị khủng hoảng. Đó chưa kể là những phát ngôn, những hành động có thể làm phương hại đến hình ảnh, uy tín và chất lượng của sân chơi chuyên nghiệp mà phải rất khó chúng ta mới xây dựng được.
Chấp nhận siết chặt quy chế cấp phép có thể khiến các đội bóng cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng. Thậm chí, có người đặt ra giả thuyết một vài đội bóng không thể đáp ứng tiêu chuẩn và rời bỏ cuộc chơi. Khi ấy, quy mô giải đấu sẽ bị thu hẹp và sức sống động của phong trào mất đi.
Thế nhưng, nếu nhìn vào sự ổn định bền vững của giải đấu thì các nhà quản lý vẫn nên dũng cảm thực thi quy chuẩn. Chúng ta cần một hệ thống ổn định dù giảm quy mô thay vì duy trì số lượng mà luôn đối diện với nguy cơ khủng hoảng. Và nói cho cùng, muốn đi lên chuyên nghiệp thì bóng đá Việt Nam vẫn phải tự nâng cấp nền tảng của mình thông qua hoàn thiện bộ tiêu chí cấp phép của AFC.