Nợ nần ngập đầu vì quản lý tài chính không tốt
Trước khi cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu từ chức, ông đã chi tiêu bạt mạng trong 6 năm nắm quyền ở Barca. Riêng trong các năm 2017, 2018 và 2019, Bartomeu đã lần lượt đưa về Nou Camp bộ ba Dembele, Coutinho và Griezmann là những cầu thủ đều có giá trên 100 triệu bảng nhưng họ lại không thể hiện được gì nhiều.
Hồi tháng trước, người kế nhiệm Bartomeu là Joan Laporta thừa nhận Barca đang gánh khoản nợ lên tới hơn 1 tỷ bảng. Ngoài việc chi quá nhiều tiền cho việc nâng cấp đội hình, gã khổng lồ xứ Catalan lâm vào tình cảnh bi đát như vậy cũng là bởi họ có chính sách trả lương rất bất hợp lý.
Theo Sky Sports, có thời điểm riêng phần lương của tiền đạo Lionel Messi đã chiếm 110% tổng thu nhập của đội bóng. Ngay cả khi Messi đã đầu quân cho PSG hồi đầu tháng 8, quỹ lương của đội chủ sân Nou Camp vẫn ở mức quá cao so với nguồn thu (chiếm 95%).
Do BTC La Liga ra quy định mới buộc các đội không được phép dùng quá 70% nguồn thu cho việc trả lương, Barca đã gặp vô vàn khó khăn trong giai đoạn đầu mùa giải. Bên cạnh việc thanh lý hàng loạt những cầu thủ như Messi, Griezmann, Junior Firpo, Emerson Royal, Ilaix Moriba, Jean-Clair Todibo, Miralem Pjanic và Francisco Trinca để thu lại 111,5 triệu bảng, BLĐ Barca cũng phải thuyết phục những công thần (Busquets, Pique hay Alba) giảm lương mới có thể đăng ký các tân binh như Depay hay Aguero.
Mua sắm thiếu hiệu quả
Như đã nói ở trên, Barca đã chi rất nhiều tiền cho việc chiêu mộ bộ ba tấn công Coutinho, Dembele và Griezmann, nhưng những gì họ nhận về lại không tương xứng. Kể từ khi chuyển từ Dortmund đến Barca, Dembele thường xuyên gặp rắc rối với chấn thương. Về phần mình, Coutinho không đá tốt như hồi anh còn khoác áo đội bóng cũ Liverpool hay chơi cho Bayern Munich theo dạng cho mượn.
Trong khi đó, tiền đạo Griezmann rõ ràng đã đánh mất sự sắc sảo khi được Barca giải phóng hợp đồng với Atletico. Cách đây ít hôm, BLĐ Barca đã đồng ý để chân sút người Pháp này trở lại khoác áo đại diện thủ đô Tây Ban Nha theo dạng cho mượn. Đáng chú ý, trong thỏa thuận này có điều khoản cho phép Atletico mua đứt chân sút người Pháp với giá “chỉ” 40 triệu euro. Đây là con số chỉ bằng 1/3 so với những gì Barca từng trả Atletico để sở hữu Griezmann, nghĩa là chỉ sau 2 năm họ đã chấp nhận khoản lỗ 80 triệu euro từ việc đầu tư vào cầu thủ này.
Phải săn hàng giá rẻ
Do gặp khó khăn về tài chính, trong phiên chợ Hè vừa rồi chỉ chi vỏn vẹn 13,1 triệu bảng để tăng cường lực lượng. Nếu như cách đây 4 năm, trên hàng tấn công của Barca là bộ ba trứ danh Messi, Suarez, Neymar (MSN) thì bây giờ các tiền đạo mà họ hiện có chỉ là Luuk de Jong, Aguero, Depay và Martin Braithwaite.
Nên biết, Braithwaite vốn chỉ là chân sút thuộc dạng “hạng 2”. Về phần mình, De Jong đến với sân Nou Camp từ Sevilla theo dạng cho mượn, còn Depay và Aguero đều là những mặt hàng “miễn phí” vì trước đó họ đã lần lượt hết hợp đồng với Lyon và Man City.
Tương lai mờ mịt thời “hậu Messi”
Với việc đã thất bại trong việc giữ chân siêu tiền đạo chủ lực Messi, sức mạnh của Barca đương nhiên bị giảm đi đáng kể. Đúng là Messi nhận lương quá cao, nhưng không ai có thể phủ nhận việc anh là chỗ dựa vững chắc của Barca trong suốt nhiều năm qua. Chẳng nói đâu xa, mùa giải trước tuy Barca chỉ cán đích ở vị trí thứ 3 trên BXH La Liga, cầu thủ người Argentina sinh năm 1987 này vẫn ghi tới 38 bàn trên mọi đấu trường và giành danh hiệu vua phá lưới La Liga với 30 lần lập công.
Khi Messi chuyển đi nơi khác, Barca bây giờ đơn giản không còn ngôi sao nào đủ sức sắm vai đầu tàu để kéo cả đội đi lên. Khó khăn về tài chính khiến Barca không đủ sức mua những tên tuổi lớn. Thay vào đó, họ buộc phải đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo được.
Gương mặt tiêu biểu trong số này là Ansu Fati, tiền đạo mới 18 tuổi đã vinh dự được tiếp quản chiếc áo số 10 vĩ đại do Messi để lại. Bên cạnh đó phải kể đến trường hợp của Pedri (cũng 18 tuổi), tiền vệ mới tham dự EURO 2020 cùng ĐT Tây Ban Nha và Olympic Tokyo 2020 cùng ĐT U23 Tây Ban Nha.
Trong trận Barca thảm bại 0-3 dưới tay Bayern cách đây không lâu (vòng bảng Champions League), HLV Koeman đã cho thấy ông bất lực đến thế nào khi phải tung vào sân hàng loạt những cầu thủ tuổi teen như Pablo Gavira (17 tuổi), Yusuf Demir, Alejandro Bald (cùng 18 tuổi).
Tóm lại, Barca bây giờ chỉ còn biết trông cậy vào những cầu thủ trẻ tiềm năng (nhưng còn lâu mới có thể vươn đến tầm ngôi sao) cùng những tân binh không quá chất lượng. Với lực lượng nghèo nàn như thế, xem ra BLĐ Barca có sa thải HLV Koeman thì họ cũng khó tìm ra được ai đó có khả năng làm tốt hơn vị chiến lược gia người Hà Lan này.