– Phóng viên Marca: Ông đã làm được nhiều điều và có một mối liên hệ đặc biệt với các CĐV của Real Madrid, dù chỉ ở đây 2 mùa giải?
– HLV Fabio Capello: Vâng, lần đầu tới Real Madrid năm 1996, tôi đã ký hợp đồng 3 năm. Nhưng rồi Silvio Berlusconi (cố chủ tịch AC Milan – PV) gọi điện, và tôi đã xin phép chủ tịch Lorenzo Sanz để mình ra đi. Sự nghiệp của tôi bắt đầu với Berlusconi và khi ông ấy cần, tôi phải giúp đỡ. Vì tôi mắc nợ ông ấy.
Khi tôi trở lại sân Bernabeu 10 năm sau, thì chủ tịch Ramon Calderon là người quyết định chúng tôi sẽ chia tay trước khi La Liga kết thúc. Tôi nhớ rằng mùa giải còn 9 hay 10 vòng gì đó và Real Madrid đang kém Barca 9 điểm, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn vô địch. Chỉ có điều, ông ấy đã mời một HLV khác và tôi trở lại Italia.
– Ông hãy nói thêm về màn ngược dòng ấy ở La Liga?
– Đó là một màn ngược dòng đáng kinh ngạc, gần như là không tưởng. Tôi đã nói với các cầu thủ rằng hãy coi mỗi trận đấu còn lại như một trận chung kết Champions League. Và họ đã làm được.
– Ông đã phải xây dựng lại đội bóng ở lần đầu đến Real Madrid năm 1996?
– Xin lỗi vì ngắt lời anh, nhưng tôi làm điều đó 2 lần. Sau nhiều năm trắng tay, tôi đã đến để tái thiết đội bóng và khôi phục tinh thần chiến thắng của Real Madrid.
– Giờ mà nói Real Madrid không có tinh thần chiến thắng thì thật kỳ lạ. Nhưng nó đã xảy ra ở mùa đầu tiên của ông là mùa giải 1996/97, khi đội bóng thậm chí không được dự cúp châu Âu?
– Chính tôi cũng cảm thấy kỳ lạ. Nhưng vì đến từ một đội bóng như AC Milan, nơi chiến thắng là điều bình thường, tôi nhận ra rằng mình phải khôi phục tinh thần ấy. Đó là điều mà tôi vẫn tự hào, khi thấy các cầu thủ cảm thấy kiêu hãnh khi khoác lên mình chiếc áo trắng.
Tôi đã hồi sinh Real Madrid hai lần, nhưng lần đầu là quan trọng nhất khi đội bóng đã lãng quên tinh thần chiến thắng. Giờ thì nếu Real Madrid mời bạn, bạn sẽ biết mình sắp dẫn dắt đội bóng giỏi nhất, với những cầu thủ xuất sắc nhất.
– Đó là lý do các CĐV Real Madrid rất yêu quý Fabio Capello, dù ông không giành được Champions League?
– Phải, dù Champions League là thứ quan trọng nhất ở Madrid, nhưng mọi người vẫn đánh giá cao những gì tôi làm được.
– Vài tuần trước, Carlo Ancelotti đã được gia hạn và chủ tịch Florentino Perez nói rằng ông ấy là HLV lý tưởng của Real Madrid. Ông biết rõ về ông ấy, người từng là học trò của ông tại Milan, vậy ông đánh giá thế nào về HLV Ancelotti?
– Cậu ấy là số 1 thế giới.
– Rất rõ ràng nhỉ?
– Dĩ nhiên. Carlo đã giành chiến thắng ở tất cả những nơi mình từng làm việc. Cậu ấy đến Đức và vô địch, đến Anh và làm điều tương tự. Còn ở Italia, đó không chỉ là chiến thắng mà là một điều kỳ diệu.
– Bí mật của Ancelotti là gì?
– Đó là sự thông minh. Cậu ấy không có một sơ đồ tủ nào cả, mà biến hóa dựa trên những cầu thủ mình có. Bạn không thể chơi với một phong cách mãi được, mà phải đặt các cầu thủ vào đúng chỗ và tạo điều kiện để họ thể hiện 100% khả năng của mình.
– Điều đó nói nghe có vẻ dễ dàng?
– Nhiều HLV vẫn nói: “Chúng ta phải chơi theo kiểu này”. Nhưng điều đó không đúng. Hãy xem lại trận El Clasico gần nhất ở Siêu Cúp Tây Ban Nha xem. Barca biết rõ Real Madrid có một đội hình chất lượng và những tiền đạo tốc độ, nhưng vẫn kéo hàng phòng ngự lên nửa sân. Nhìn thấy thế, Carlo chắc hẳn đã nghĩ rằng: “Ồ, cảm ơn nhé”.
– Đó là điều Xavi vẫn nói?
– Có những HLV luôn khăng khăng: “Đây là hệ thống của tôi, là phong cách của tôi”. Nhưng bạn phải nghiên cứu và chuẩn bị cho từng trận đấu, phải hiểu rõ đối thủ, cá tính và điểm mạnh, điểm yếu của họ để đề ra lối chơi phù hợp.
– Vậy ông nghĩ gì khi người ta nói rằng Ancelotti thực ra chỉ giỏi quản lý phòng thay đồ?
– (Cười to) Xin lỗi, tôi không thể nhịn cười được. Người nào nói vậy thì chẳng hiểu gì về bóng đá. Vì điều khó khăn nhất chính là quản lý phòng thay đồ. Đội bóng càng nhiều ngôi sao thì lại càng khó kiểm soát. Mà trong tay Carlo có bao nhiêu ngôi sao?
– Ông có ngạc nhiên không khi Xavi bị chỉ trích chỉ vài tháng sau khi giúp Barca vô địch La Liga?
– Không, bóng đá là vậy. Vấn đề lớn nhất của Barca là Lewandowski đã sa sút và không còn chơi ở đẳng cấp thường lệ nữa.
– Ông nghĩ sao khi trong bối cảnh các CLB ngày càng ít kiên nhẫn, vẫn có một HLV tồn tại tới 12 năm ở Atletico như Simeone?
– Tôi không biết, thật đáng kinh ngạc. Ở Anh cũng có những trường hợp như vậy (Wenger, Ferguson…), nhưng họ không thực sự huấn luyện. Một tuần có khi họ chỉ đến theo dõi các buổi tập 2 lần. Và Ferguson luôn thay đổi đội ngũ trợ lý 4 năm một lần để tự làm mới mình.
Đó là lý do tôi thấy những gì Simeone làm được là một điều kỳ diệu. Vì cậu ấy vẫn tự điều hành các buổi tập hàng ngày. Ngoài ra, việc duy trì động lực cho đội bóng cũng rất khó. Tôi nghĩ El Cholo làm điều đó thông qua những thủ lĩnh trong phòng thay đồ.
– Vậy thời của ông, ai là thủ lĩnh trong phòng thay đồ của Real Madrid?
– Hierro, Redondo và cả Raul nữa. Raul là thủ lĩnh trên sân vì mỗi khi đội bóng “mơ màng”, cậu ấy sẽ bắt đầu chạy, pressing và “đánh thức” các đồng đội.
– Liệu những gì diễn ra giữa Simeone và Atletico có thể xảy ra tại Real Madrid hay Barca không?
– Không. Với tôi, Simeone đã làm được một điều không tưởng.
– Ông có ngạc nhiên với những màn trình diễn của Bellingham không? Điều gì khiến ông chú ý hơn: việc cậu ấy ghi rất nhiều bàn thắng, hay sự thích nghi nhanh chóng với Real Madrid?
– Điều thứ hai, chắc chắn rồi. Các cầu thủ Anh thường gặp vấn đề khi ra nước ngoài, nhưng có thể việc từng chơi ở Đức đã giúp cậu ấy dễ thích nghi hơn. Bellingham là một cầu thủ toàn năng, có thể làm mọi thứ ở một trình độ rất cao và biết cách tạo ra khác biệt. Cậu ấy làm được những điều bạn không thể tưởng tượng được, và có những đường chuyền hay bước di chuyển rất đặc biệt.
– Người ta nói rằng ngay khi thấy Bellingham thi đấu ở giai đoạn trước mùa, Ancelotti đã quyết định đẩy cậu ấy lên cao nhất trên hàng tiền vệ để tận dụng khả năng ghi bàn của cậu ấy?
– Đó là những gì chúng ta vừa nói: phải đặt cầu thủ vào vị trí mà họ thể hiện được 100% khả năng. Và nó đã xảy ra với Bellingham.
– Ở tuổi 20, Bellingham đã giống như một thủ lĩnh. Tư chất thủ lĩnh là bẩm sinh hay có thể học được?
– Ai là thủ lĩnh thì sẽ luôn là thủ lĩnh. Bạn có thể học ở trường đại học tốt nhất thế giới, nhưng tư chất thủ lĩnh là thứ hoặc bạn có, hoặc không, chứ không thể học được.
– Liệu ai đó có thể là một thủ lĩnh thầm lặng không?
– Có chứ. Tôi sẽ cho anh biết một người: Dino Zoff. Ông ấy rất ít nói nhưng mỗi khi lên tiếng, tất cả sẽ im lặng và lắng nghe.
– Ông nghĩ sao về màn thay máu của Real Madrid với đội hình đã giành được mọi thứ, và quá trình chuyển giao giữa các cựu binh và dàn cầu thủ trẻ để tiếp tục giành các danh hiệu?
– Real Madrid đã mang về nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Trong bóng đá hiện đại, người ta thường nhìn vào các số liệu trước khi ký hợp đồng với một cầu thủ. Nhưng điều quan trọng là bạn phải tiếp xúc, để biết cậu ta như thế nào.
Các con số rất quan trọng, nhưng điều cơ bản là bạn phải biết cầu thủ đó thể hiện thế nào ở những thời điểm quyết định, vấn đề của cậu ta là gì và điểm mạnh nằm ở đâu. Một điều quan trọng nữa là cậu ta có đủ trình độ chơi cho Real Madrid hay không.
– Ý ông là khả năng chống chọi với áp lực?
– Không, không, tôi luôn nhấn mạnh đến trình độ. Đầu tiên họ phải là những cầu thủ giỏi đã, và khi họ đến chúng ta mới biết họ có chịu được sức ép hay không. Ví dụ như ở mùa giải đầu tiên của tôi (1996/97), Real Madrid từng ký hợp đồng với Carlos Secretario, người đã khoác áo ĐT Bồ Đào Nha nhưng không thể hiện được mình tại Bernabeu.
– Theo ông, đội bóng nào là ứng cử viên cho chức vô địch Champions League mùa này?
– Real Madrid và Man City. City đã có sự trở lại của De Bruyne, một cầu thủ có thể tạo ra khác biệt.
– Phải chăng De Bruyne mới là người tạo ra khác biệt ở City, chứ không phải Haaland?
– Haaland tạo ra khác biệt vì cậu ta ghi bàn, nhưng De Bruyne là cầu thủ trong những thời điểm khó khăn, có thể sáng tạo ra một tình huống đột biến ngay cả khi không ghi bàn.
– Nhưng Mbappe và Haaland vẫn được coi là những cầu thủ tiếp nối kỷ nguyên Ronaldo và Messi?
– Không, chỉ Mbappe và Bellingham thôi.
– Ý ông là Bellingham ở cùng đẳng cấp? Hay cuộc chiến sắp tới sẽ là của bộ ba siêu sao này?
– Phải. Theo tôi, hai cầu thủ có thể cạnh tranh với nhau như Messi và Ronaldo là Mbappe và Bellingham.
– Và không có Haaland?
– Cả hai bọn họ đều kỹ thuật hơn Haaland. Haaland là một tiền đạo đáng gờm, một con quái vật, cậu ta cũng khá khéo léo và có bản năng săn bàn. Nhưng Mbappe và Bellingham lại có tất cả: những bàn thắng, kỹ thuật cá nhân, khả năng đi bóng… Haaland là một “số 9” thuần túy.
– Nếu là HLV hiện tại của Real Madrid và có cơ hội ký hợp đồng với Mbappe hoặc Haaland, ông sẽ chọn ai?
– Thời còn dẫn dắt Milan, chúng tôi từng gặp Bordeaux, đội có một cầu thủ trẻ rất tài năng và tên cậu ấy là Zidane. Nhưng lúc đó, tôi đã có một cầu thủ giỏi ở vị trí đó là Donadoni, và tôi không thấy mình cần thêm lựa chọn. Chúng ta chỉ ký hợp đồng với cầu thủ mà mình cần, đó là một trung phong.
– Tôi nghĩ là tôi hiểu ý ông
– Mbappe không phải là một trung phong, cậu ấy thích chơi ở cánh hơn. Mà tại cánh đó, Real Madrid đã có Vinicius. Tất nhiên, Mbappe là Mbappe và về mặt kỹ thuật, cậu ta hơn Haaland. Nhưng Real Madrid cần tự hỏi mình rằng họ cần ai hơn.
– Dù đã có VAR, những tranh cãi về trọng tài vẫn liên tục xuất hiện ở Tây Ban Nha nhỉ?
– Đấy là anh không biết chuyện ở Italia thôi…
– Ông nghĩ sao về các trọng tài nói chung và VAR nói riêng?
– Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta sẽ mất thêm 2 tiếng đồng hồ nữa mất. Đầu tiên, nhiều trọng tài chưa từng chơi bóng, nên không hiểu rõ chuyển động cơ thể trong từng tình huống cụ thể. Đó là lý do tôi cho rằng nên có thêm một cựu cầu thủ trong tổ VAR. Nhưng các trọng tài thường ở trong thế giới riêng của mình, chống lại tất cả. Họ đòi sự tôn trọng, và không muốn biết thêm điều gì khác.
– Nói tới trọng tài, ông nghĩ gì về việc Barca trả hàng triệu euro cho phó ban trọng tài trong suốt 17 năm? Nó trùng với nhiệm kỳ hai của ông ở Real Madrid đấy?
– Nhưng chúng tôi vẫn vô địch đấy thôi…
– Đúng, nhưng ông nghĩ sao về chuyện này?
– Đó là một vụ scandal và rõ ràng, nó không tốt cho bóng đá. Tôi không hiểu tại sao họ lại làm vậy. Việc chủ tịch Barca đưa tiền cho một phó ban trọng tài đã tệ rồi, nhưng việc trọng tài nhận tiền thì còn tệ hơn.
– Tức là dù tòa án ra phán quyết như thế nào, đó vẫn là việc đáng lên án?
– Dĩ nhiên rồi. Tôi nhớ có lần tôi đến xem giò một cầu thủ, đại diện của anh ta đã đến và đề nghị trả tôi tiền để ký hợp đồng với cậu ta. Tôi đã trả lời: “Không, chuyện này không dính dáng đến tiền bạc. Nếu cậu ta giỏi, tôi sẽ ký và anh không phải đưa tôi gì cả. Còn nếu không, cũng đừng trả tiền cho tôi vì tôi sẽ không ký với cậu ta”.
– Liệu Cristiano Ronaldo có thể tiếp tục ghi hơn 50 bàn ở tuổi 39?
– Cũng còn tùy cậu ấy chơi bóng ở đâu.
– Nhưng ở Saudi Arabia có nhiều ngôi sao khác, và họ thậm chí không ghi được một nửa số bàn thắng đó?
– Ronaldo là một cỗ máy. Năng lượng của cậu ấy là những bàn thắng. Và cậu ấy vẫn đang làm tốt việc đó.
– Đã 15 năm trôi qua kể từ khi ông làm việc ở Tây Ban Nha và bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Nhưng theo hướng tốt hơn hay tệ đi?
– Bóng đá đã trở nên tốc độ hơn, với nhiều điều mới mẻ. Tôi là nhân chứng của một điều đã thay đổi: bàn thắng không được công nhận của Anh vào lưới Đức ở World Cup 2010. Công nghệ goal-line đã được áp dụng như hệ quả của nó.
Ngoài ra còn có VAR, nhưng tất cả vẫn khá lộn xộn khi người ta chưa tìm được hệ thống thích hợp. Về chiến thuật, các thủ môn cũng chạm bóng và chuyền bóng nhiều hơn, chứ không còn là cầu thủ chỉ biết dùng tay nữa.
– Nhưng dù bóng đá trở nên nhanh và mạnh hơn, trình độ của các cầu thủ vẫn là thứ khác biệt?
– Phải, điều đó sẽ không thay đổi. Ai cũng muốn triển khai bóng từ phía dưới, bắt đầu từ thủ môn, nhưng không phải đội nào cũng làm được vì họ không có những cầu thủ thích hợp. Nhưng nếu không chơi kiểu đó, bạn sẽ bị gọi coi là kẻ lạc hậu với lối chơi nhàm chán.
Nhưng liệu việc thủ môn chạm bóng tới 15 lần, còn tiền đạo chỉ 5 lần có thực sự thú vị? Khi không muốn mạo hiểm, các hậu vệ lập tức chuyền về thủ môn cho xong trách nhiệm. Chuyện này xảy ra khá nhiều ở Italia, còn Tây Ban Nha thì ít hơn vì cầu thủ ở đây kỹ thuật hơn.
– Việc các tỷ phú đổ bộ vào bóng đá có phải điều tích cực? Ông từng chỉ trích cách Jose Mourinho bị sa thải bởi giới chủ Mỹ của Roma, CLB mà ông đã có 5 mùa dẫn dắt?
– Họ không tôn trọng người khác, và Paolo Maldini cũng bị đối xử như vậy ở Milan. Anh có thể sa thải, vì công việc của một HLV luôn đi kèm rủi ro phải ra đi bất cứ lúc nào. Nhưng anh không thể chờ Mourinho đi vào phòng thay đồ rồi nói rằng ông ấy không còn là HLV của Roma, hay Maldini không còn là GĐTT của Milan nữa.
Làm ơn! Hãy nói chuyện riêng rồi đưa ra quyết định. Với tôi, đó là sự tôn trọng tối thiểu. Nhưng nó không còn tồn tại trong bóng đá. Các sếp của ngân hàng Lehman Brothers có thể đưa cho nhân viên một thùng các-tông đựng đồ rồi đá họ ra đường. Đó là phong cách của họ, nhưng tôi không hiểu nó.
Tôi nghĩ một người như Maldini, vốn là một phần lịch sử của Milan, phải được thông báo một cách tôn trọng và ra đi vào cuối mùa. Anh cũng có thể sa thải Mourinho, nhưng không phải nói điều đó với ông ấy trong phòng thay đồ.