Trên nguyên tắc, Cristiano Ronaldo di chuyển càng ít càng tốt. Ở cái tuổi 36 này, cho dù Ronaldo luôn nổi tiếng về ý thức chuyên nghiệp, được so sánh với các cầu thủ trẻ hơn rất nhiều về những chỉ số liên quan đến thể lực, sức mạnh, tốc độ, anh vẫn không cần phô trương, thể hiện.
Ronaldo mà cố chạy nhanh hơn, rướn mạnh hơn, hoạt động nhiều hơn các cầu thủ khác, thì đấy trước tiên là cách chơi phản logic. Ronaldo không bao giờ là một cầu thủ như vậy.
Ở thái cực ngược lại, chứ không chỉ là đầu sân ngược lại, chúng ta có Harry Maguire – với chiếc băng thủ quân MU trên tay. Maguire nghĩ gì trong pha “tấu hài” suýt khiến đội nhà thủng lưới? Anh “đi bóng” từ cột cờ góc, dọc theo đường biên cuối sân, về phía khung thành David de Gea – cứ như anh là một cầu thủ tấn công của đối phương. Maguire để cho đối phương lấy bóng trong chân và “tiếp tục” gây sóng gió – cứ như đấy là một pha phối hợp nhuần nhuyễn!
Hậu vệ trị giá 80 triệu bảng mà lại chơi bóng cứ như một kẻ ngờ nghệch, cho dù nỗ lực của Maguire lại ở mức độ tột bậc. Anh thở dốc sau pha đi bóng… đe dọa cầu môn đội nhà! Lạ ở chỗ, khu vực trung lộ, ngay trước cầu môn MU, vốn là “bản doanh” của trung vệ đội trưởng Maguire, thì lại thường xuyên là một khoảng trống thênh thang. Bàn mở tỷ số may mắn của Said Benrahma cho West Ham đến từ một tình huống tiêu biểu như vậy. Công bằng mà nói, đấy chỉ là một cú sút rất tầm thường. De Gea có thể bắt gọn, nếu bóng không tình cờ đổi hướng. Vấn đề là, Maguire khi ấy đang phiêu bồng nơi đâu, để cho đối phương tung cú dứt điểm như chỗ không người, ở ngay vị trí do Maguire trấn giữ!
Thế mới thấy rõ khác biệt giữa việc chơi bóng bằng – hoặc không có – đầu óc. Xin nhắc lại, Ronaldo không chạy nhiều. Muốn cũng chẳng được. Nhưng anh luôn di chuyển hợp lý, khôn ngoan, để rút cuộc thì lão tướng này luôn có mặt đúng nơi, đúng lúc cần thiết. Một lần nữa, lại chính Cristiano Ronaldo ghi bàn quan trọng cho MU. Một lần nữa, bàn thắng được ghi từ cự ly chỉ khoảng 1m trước khung thành. Nguyên hàng hậu vệ West Ham đứng nhìn Ronaldo hất bóng vào lưới, sau khi cú hất trong khoảnh khắc trước đó của anh bị thủ môn cản phá. Trong khoảng 1% giây quyết định tình huống, Ronaldo là cầu thủ duy nhất trên sân biết rằng bóng sẽ bật ra, ở nơi anh sẽ ghi bàn. Cũng giống như bàn đầu tiên của Ronaldo ở vòng đấu trước.
Có rất nhiều tình huống nói lên cách di chuyển khôn ngoan, pha lẫn kinh nghiệm già dặn và sự tập trung cao độ của Ronaldo. Đấy là lý do vì sao Ronaldo cùng Lionel Messi thống trị thế giới bóng đá suốt hơn chục năm – dù siêu sao Argentina được đánh giá cao hơn về tài năng thiên phú. Ronaldo không chỉ đem đến cho MU các bàn thắng. Anh là một tấm gương sáng để các cầu thủ xung quanh nhìn vào, từ cách chơi đến tinh thần chuyên nghiệp, và đặc biệt là ý thức chơi bóng một cách có suy nghĩ – điều dường như không có, nơi chính cầu thủ quan trọng nhất trong đội: thủ quân Maguire.
Thật ra, ai là người cần suy nghĩ nhiều nhất ở MU trong hoàn cảnh này? Không phải là cầu thủ nào trên sân, hoặc trên ghế dự bị. Người cần suy nghĩ nhiều nhất chính là HLV Ole Gunnar Solskjaer. Phải làm sao để tận dụng lực lượng tuyệt vời nói chung, cũng như vốn quý mang tên Cristiano Ronaldo mà ông đang có? Không dễ, bởi đây là bài toán hóc búa về chuyên môn. Mọi sự tầm thường về chiến thuật đã được Solskjaer phơi bày trước một West Ham đã mất cầu thủ hay nhất (Michail Antonio). MU lấy trọn 3 điểm trên sân một đối thủ “khó nhằn”. Nhưng đấy trước tiên là nhờ những nỗ lực cá nhân. Solskjaer được cứ vãn danh dự không chỉ bởi Cristiano Ronaldo, mà cả Jesse Lingard nữa. Và đặc biệt, ông được cứ ngay trong phút chót bởi pha bắt phạt đền thành công của David de Gea – người mang tiếng là “thủ môn không biết bắt phạt đền”.
Rio Ferdinand chỉ trích Solskjaer, rằng đáng lẽ ông phải bảo Ronaldo “ngồi xuống”, trong một tình huống bên ngoài đường biên ở Champions League mà ai cũng biết. Solskjaer đã cãi, nhưng hơi thừa. Đáng lẽ ông cứ nói luôn: Ronaldo muốn tự xếp đội hình cũng được, nếu anh cứ giúp MU như thế!