– Có lẽ không ai thích hợp hơn anh để nói về cuộc sống của một tiền đạo ở Real Madrid. Năm nay, một tiền đạo Tây Ban Nha là Joselu đang chiến đấu giành vị trí ở đây. Anh hãy phân tích vai trò của anh ấy?
– Có lẽ không chỉ tôi, mà nhiều người sẽ cho rằng một mình Joselu là không đủ. Tôi không biết tại sao. Có lẽ vì cậu ấy là người Tây Ban Nha. Cũng có thể vì cậu ấy chỉ là… Joselu.
Nếu chúng ta phân tích số bàn thắng cậu ấy ghi được và số phút thi đấu của cậu ấy, rồi so sánh với các tiền đạo khác ở La Liga thì Joselu cũng khá giỏi. Nhưng càng ngày, đòi hỏi sẽ ngày càng cao hơn. Và giờ thì chắc cậu ấy đã hiểu rõ áp lực của một tiền đạo ở Real Madrid.
– Anh có nghĩ rằng Real Madrid sẽ kiên nhẫn hơn với một tiền đạo nước ngoài không?
– Có lẽ chính Joselu cũng phải tự nhủ rằng mình sẽ phải ghi bàn trong mọi trận đấu. Cậu ấy đã ghi vô số bàn thắng trong sự nghiệp, nhưng chúng ta vẫn chờ đợi một điều gì đó khác biệt. Hãy thử tưởng tượng, sức ép dồn lên Joselu sẽ lớn thế nào, nếu mọi người cho rằng cậu ấy phải ghi được 35 bàn thắng mỗi mùa.
– Có vẻ như trong tương lai gần, sẽ rất khó để chúng ta chứng kiến một cặp tiền đạo người Tây Ban Nha đẳng cấp như anh và Raul?
– Rất khó. Chúng tôi có lẽ là những tiền đạo Tây Ban Nha xuất sắc cuối cùng ở Real Madrid. Trước đó thì có rất nhiều. Nhưng trong bóng đá hiện đại, thị trường đã mang tính toàn cầu và với tiềm lực tài chính của mình, Real Madrid có thể đưa về những tài năng ở bất cứ đâu. Sẽ thật tuyệt nếu đội bóng lại có một tiền đạo nội xuất sắc. Nhưng ngoài kia có quá nhiều tài năng…
– Anh có ngạc nhiên không khi hiện tại Real Madrid chỉ có đúng một “số 9” đích thực?
– Thực ra tôi ngạc nhiên hơn vì khi họ đặt Rodrygo hay Vinicius vào vị trí đó, và đội bóng vẫn chơi tốt. Tôi vẫn thích những trung phong cổ điển, và đó là lý do tôi nhắc đến Joselu. Đúng là hiện tại, rất khó để một CLB như Real Madrid có hai “số 9”, nhưng sự cạnh tranh là rất quan trọng.
Tôi luôn chơi tốt hơn khi có đối thủ cạnh tranh. Đó là Suker, Raul và Mijatovic tại Real Madrid, hay David Villa tại Valencia. Joselu thì không có sự cạnh tranh, nhưng cậu ấy phải chiến đấu chống lại định kiến rằng tiền đạo Tây Ban Nha không giỏi bằng các tiền đạo nước ngoài.
– Nhưng cũng đúng là Real Madrid luôn cân nhắc những cái tên như Mbappe hay Haaland cho vị trí trung phong?
– Phải, nhưng ở Real Madrid bạn luôn phải sống thấp thỏm dưới thanh gươm Damocles. Vì luôn có một cái tên nào đó sẵn sàng lấy đi vị trí của bạn. Đó là cuộc sống ở một đội bóng lớn, nơi người ta luôn đòi hỏi bạn phải chơi ở trình độ cao nhất và nếu không làm được, bạn sẽ phải “nhảy tàu”. Đó là thứ áp lực cực kỳ kinh khủng. Nhất là ở thời của chúng tôi, khi người ta không quan tâm tới khía cạnh tâm lý của các cầu thủ.
– Real Madrid đã đau đầu vì Mbappe suốt mấy mùa Hè vừa qua. Anh có nhớ một vụ chuyển nhượng nào rắc rối như thế không?
– Thời của tôi thì đó là vụ Karembeu. Anh ấy liên tục xuất hiện trên mặt báo, lúc thì là thông tin gia nhập Real Madrid, khi thì đến Barca. Tôi nhớ ngày nào chúng tôi cũng tán gẫu về chuyện đó trong phòng thay đồ, cho đến khi cả đám quá nản vì những tin đồn.
– Nhưng có một người sắp đến Real Madrid và cũng chơi ở vị trí trung phong là Endrick, một cậu nhóc 17 tuổi đang rất được kỳ vọng?
– Với Endrick, chúng ta phải rất cẩn thận. Cậu ấy còn rất trẻ, và phải biết giữ đôi chân trên mặt đất. Và trên hết, khi đến từ một đất nước khác, bạn phải tính đến rất nhiều biến số.
Đó là cậu ta có hòa nhập tốt không, có đảm đương được vai trò của mình không, có được ra sân không, có ghi bàn không và chống chọi với áp lực như thế nào. Tôi đã chứng kiến nhiều cầu thủ xuất sắc không thể vượt qua sức ép tại Real Madrid, và cả những người đã trưởng thành nhờ đối mặt với khó khăn.
– Có vẻ như đó là trường hợp của Bellingham, người thậm chí đang được so sánh với Zidane. Là người từng sát cánh với Zizou, anh nghĩ cậu ấy có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự không?
– Họ thuộc hai trường hợp khác nhau. Zidane gia nhập Real Madrid khi đã thực sự trưởng thành, trong khi Bellingham thì chưa. Tôi nghĩ sự so sánh bắt nguồn từ ảnh hưởng mà Bellingham tạo ra với đội bóng ở những trận đầu.
Đó là một anh chàng trẻ tuổi, sung sức, tài năng và còn biết ghi bàn. Tất cả đã tạo ra kỳ vọng rất lớn, và chúng ta phải chờ xem cậu ấy có thể đáp ứng nó hay không. Bellingham giờ đang đảm nhiệm vai trò của một ngôi sao, nhưng chắc chắn không phải lúc nào cậu ấy cũng duy trì được phong độ đỉnh cao.
– Nhưng lối chơi thanh thoát của cậu ấy vẫn khiến chúng ta nhớ đến Zidane?
– Đúng là có sự tương đồng nhất định, dù xét về trình độ kỹ thuật thì Zidane ăn đứt Bellingham. Anh ấy có thể dễ dàng loại bỏ đối thủ bằng tài năng kiệt xuất của mình, còn Bellingham thuộc mẫu cầu thủ hiện đại. Đó là tiền vệ vừa biết phòng ngự, vừa biết lao vào vòng cấm và có thể thực hiện một cú tăng tốc dài 30 mét ở phút 90.
– Từ trường hợp của Bellingham, hay rõ hơn là Endrick, có vẻ như các cầu thủ hiện giờ đều sớm ghi dấu ấn khi còn rất trẻ. Anh nghĩ sao về những trường hợp này, khi cũng từng được ra mắt ở La Liga khi còn rất trẻ?
– Có những lúc một cầu thủ phát lộ tài năng từ sớm, và có những thời điểm các CLB chủ động trao cơ hội cho các tài năng trẻ. Giai đoạn này rất quan trọng, và HLV phải là người chỉ đường. Họ phải biết khi nào cho các tài năng trẻ thi đấu, khi nào cho tạm nghỉ.
Đây là một quá trình dài và cần thực hiện từ từ. Vì nếu chúng ta bao bọc các tài năng trẻ, tán dương và đặt cho họ những cái mác Messi hay Ronaldo mới, mọi thứ sẽ hỏng bét. Đó cũng là lý do nhiều tài năng đầy hứa hẹn không bao giờ đạt đến đỉnh cao.