Brailsford đã sử dụng nhiều phương pháp để theo đuổi hiệu suất cao nhất: từ việc tổng hợp cái gọi là “lợi ích cận biên” và sự tham gia của bác sĩ tâm lý Steve Peters để giúp các tay đua kiểm soát phần cảm xúc, phi lý trong não của họ có khả năng cản trở hiệu suất – theo điều mà ông gọi là triết lý CORE (cam kết + quyền sở hữu + trách nhiệm = sự xuất sắc).
Phong cách quản lý: Nhà độc tài vs Kẻ kích hoạt
“Nếu không cẩn thận, bạn có thể dễ dàng ăn gậy hơn là củ cà rốt. Về cơ bản, hầu hết chúng ta đều hoạt động tốt hơn khi theo đuổi thứ gì đó và sử dụng củ cà rốt để kích hoạt động lực đó. Mô hình độc tài/kiểm soát mà tôi không chắc là cách lý tưởng để có được con người tối ưu”, Brailsford nói.
Việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa “củ cà rốt và cây gậy” tỏ ra khó khăn đối với các HLV của MU, và Erik ten Hag cũng không khác gì sau khởi đầu tồi tệ ở mùa giải này. Ten Hag thiên về cách tiếp cận chuyên quyền hơn, nếu không muốn nói là ở mức độ tương tự như Louis van Gaal, người bị cáo buộc là quá kiểm soát và độc tài ở Old Trafford.
Khi Ten Hag hủy bỏ ngày nghỉ theo kế hoạch và yêu cầu các cầu thủ chạy 13,8 km vào buổi sáng sau trận thua 0-4 trước Brentford vào đầu mùa giải trước – quãng đường mà đội của ông đã bị đối thủ bỏ xa – HLV này đã giành được sự ngưỡng mộ. Ten Hag từng khẳng định rằng ông lắng nghe các cầu thủ của mình, tổ chức các cuộc họp thường xuyên và điều đó khiến người ta cảm thấy ông có nhiều đặc điểm “có thể hỗ trợ” mà Brailsford nói đến.
Nhưng người ta cho rằng một số cầu thủ cảm thấy cường độ tập luyện kể từ chuyến du đấu trước mùa giải ở Mỹ và lịch thi đấu dày đặc đã góp phần khiến CLB gặp vấn đề về chấn thương. Trong nội bộ CLB, nhiều lo ngại cũng đã được đặt ra về vấn đề chiến thuật, khiến đội trở nên quá cởi mở, đặc biệt là vào thời điểm nhiều cầu thủ chủ chốt vắng mặt vì chấn thương và MU có cảm giác rằng họ sẽ được hưởng lợi từ một đội hình nhỏ gọn hơn.
Giải quyết xung đột
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều cảm thấy mình phải giải quyết xung đột và đoàn kết với nhau, đó phải là một tập thể hạnh phúc. Nhưng một số đội tốt nhất mà tôi từng quản lý không nhất thiết phải là nơi hạnh phúc nhất. Đã có một chút xích mích, một chút lo lắng, nhưng nếu nó được thảo luận, nói đến thì 9 trên 10 lần bạn sẽ giải quyết được, và nếu không thể thì đừng đưa họ vào cùng một đội. Bạn phải giải quyết nó. Bạn không thể bỏ qua nó. Bởi vì nếu bạn cảm thấy có một số hành vi bất thường hoặc một tính cách khó chịu thì những người khác cũng biết điều đó. Tôi nghĩ nếu bạn phụ trách tổ chức đó và phớt lờ nó, chắc chắn bạn tham gia vào rắc rối đó”, Brailsford nói tiếp.
Scott McTominay đã thừa nhận trong tháng này rằng, mặc dù bầu không khí đôi khi trở nên “độc hại” dưới thời những HLV trước đó, nhưng cả đội đều đứng sau Ten Hag trong bối cảnh có thông tin về sự bất ổn trong lòng đội bóng. Nhưng có một số vấn đề gây chia rẽ ở mùa giải này vẫn cần được giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt là tình huống liên quan đến Jadon Sancho, người đã bị cô lập gần 4 tháng sau khi bất hòa với Ten Hag. Đối với một số người, vấn đề này rõ như “con voi trong tủ lạnh”. Về phần Sancho, anh tự thấy mình là nạn nhân của tiêu chuẩn kép trong cách HLV áp dụng một số quy tắc nhất định đối với anh so với đồng đội.
Cristiano Ronaldo đã rời MU vào thời điểm này mùa giải trước, sau khi mối quan hệ với Ten Hag tan vỡ hoàn toàn. Nhưng Sancho vẫn ở lại, dù giá trị chuyển nhượng của anh đã giảm mạnh và MU vẫn đang cố gắng tìm một lối thoát phù hợp. Cũng có một số nghi ngờ về cách Ten Hag xử lý Raphael Varane và Harry Maguire. Các trung vệ đều bị tụt xuống thứ yếu theo thứ tự phân hạng, và Ten Hag cuối cùng phải dựa nhiều vào cả hai vào những thời điểm khác nhau. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi về cách quản lý con người của ông.
Thiết lập quy tắc
“Hãy ngồi xuống cùng nhau với tư cách là một nhóm VĐV và nói về thời gian tập luyện. Nếu tất cả chúng ta đều tập luyện lúc 9 giờ nhưng có người đến vào lúc 9 giờ rưỡi, bạn nghĩ chúng ta nên làm gì? Hãy tự mình quyết định, thảo luận và quay lại với một bộ quy tắc. Và chắc chắn rằng họ sẽ quay lại và ‘quy tắc dành cho tài xế’, như chúng tôi đã gọi, nghiêm khắc hơn bất cứ điều gì chúng tôi nghĩ ra”, Brailsford nói.
Nemanja Matic, người đã rời MU vào mùa Hè mà Ten Hag đến, thừa nhận tình trạng vô kỷ luật đã trở nên tồi tệ khi các cầu thủ đi tập muộn “hầu như mỗi ngày”, đến mức một số thành viên của đội đã lập ra một ủy ban nội bộ để cố gắng giải quyết vấn đề. Chỉ trong một mùa, Matic tuyên bố đã thu được gần 75.000 bảng tiền phạt. Ten Hag thừa nhận mình thừa hưởng một “văn hóa không tốt” và ngay lập tức đưa ra một loạt quy tắc để cầu thủ tuân theo, chẳng hạn như không được sử dụng điện thoại trong giờ ăn và các hình phạt nghiêm khắc nếu đến muộn.
Marcus Rashford đã bị loại khỏi trận đấu với Wolves mùa trước sau khi đến muộn trong một cuộc họp, và Alejandro Garnacho cũng đã phạm phải những quy tắc tương tự. Ten Hag và giám đốc bóng đá John Murtough khẳng định tất cả các cầu thủ đều vui vẻ đăng ký quy tắc ứng xử mới đó ngay từ đầu.
Cẩn trọng trong tuyển dụng
“Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, ai cũng là một diễn viên xuất sắc. Nhưng tôi nghĩ khi nhìn vào quá khứ của các cầu thủ – họ đã như thế nào khi còn trẻ, họ đối phó với những thất bại ở trường như thế nào, khi mọi việc không như ý, họ đã làm gì… thì ta sẽ có dữ liệu phân tích mục tiêu. Hãy xem xét cách họ đối phó với những thách thức, thất bại, cách họ phục hồi sau sa sút”, Brailsford nói.
Giải quyết tình trạng tuyển dụng lộn xộn trong nhiều năm qua là một trong những ưu tiên hàng đầu của Brailsford, do đó ông mong muốn mang về một giám đốc bóng đá giàu kinh nghiệm như Dan Ashworth của Newcastle. Lịch sử chuyển nhượng của MU trong thập kỷ hậu Sir Alex Ferguson đầy rẫy những sai lầm, thường là do CLB không kiểm tra tốt các mục tiêu.
Chẳng hạn, MU chỉ biết rằng Marcos Rojo đang bị điều tra vì cáo buộc hành hung một người hàng xóm sau khi anh này ký hợp đồng với CLB. Sancho được mua với giá 72 triệu bảng từ Dortmund, bất chấp những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ thời gian và kỷ luật. Còn Donny van de Beek đã chùn bước trước dấu hiệu thất bại đầu tiên. Brailsford nói rằng CLB bắt buộc phải biết về mọi khía cạnh của mục tiêu, và thẩm định kỹ lưỡng hơn những người mà họ sẽ mua.
Loại bỏ sự tự mãn: Chỉ số khát khao và Vùng an toàn
“Nếu bạn khao khát và có tài năng nhưng lại gặp phải nhiều phiền nhiễu thì điều đó làm mất/giảm đi tài năng và sự khát khao. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu xem xét những VĐV ở năm đầu hợp đồng, hết hợp đồng, những người vừa bị cắt giảm lương lớn hoặc vừa được tăng lương lớn, những người vừa kết hôn, có con…. Liệu chúng ta có thể lấy những yếu tố đó và nghĩ, ‘Thực ra chỉ số khát khao của người này đã bị ảnh hưởng?”, Brailsford nói.
MU đã giữ cầu thủ trong nhiều năm, đưa ra các thỏa thuận mới hoặc kích hoạt các lựa chọn gia hạn trong một nỗ lực hoàn toàn sai lầm nhằm “bảo vệ giá trị”, và hậu quả là có quá nhiều phe phái vỡ mộng, mất động lực trong đội hình của họ. Ten Hag đã tìm cách phá vỡ văn hóa đó, nhưng đội vẫn có quá nhiều cầu thủ tự mãn. Ví dụ, tiền đạo Anthony Martial đã ở Old Trafford được 8 năm rưỡi. Sẽ rất thú vị khi xem Brailsford nghĩ gì về sự sa sút nghiêm trọng của Marcus Rashford, kể từ khi anh ký hợp đồng mới trị giá 325.000 bảng một tuần trong 5 năm vào mùa Hè.
Chống lại nỗi sợ hãi
“Có sự khác biệt giữa trạng thái đe dọa – nơi bạn đang phải giải tỏa nỗi sợ hãi, và bạn cảm thấy bị đe dọa – với trạng thái thách thức, nơi bạn nhìn thấy cơ hội. Nếu bạn có thể tạo ra trạng thái thách thức đó thay vì trạng thái đe dọa thì bạn đang ở một đội tuyệt vời”, Brailsford.
Đã bao nhiêu năm gần đây MU sợ hãi trên sân? Điều đó đặc biệt phổ biến trong mùa giải này. Trợ lý Ismael Garcia Gomez của Galatasaray thừa nhận rằng, đội của ông đã khiến MU lo lắng ở Champions League và cảm thấy họ bị đông cứng trong trận đấu. MU thua Galatasaray 2-3 trên sân nhà trước khi hòa 3-3 ở Istanbul. Brailsford đã sử dụng những HLV để giúp những cua-rơ học cách tránh trước hoặc kiểm soát cơn sợ của họ, nhằm khiến phần cảm xúc của não không cản trở thành tích của cua-rơ.
Sự cam kết
“Nếu ai đó không có động lực, liệu họ có thành lập ra một đội không? Không. Nếu không có sự cam kết sâu sắc thì tôi không chắc liệu bạn có muốn lên đến đỉnh cao hay không, hãy trở thành người giỏi nhất. Họ phải có khao khát mãnh liệt”, Brailsford.
Khi Brailsford nói về sự cam kết, ông không có ý nói đến cái gọi là “động lực bề mặt”, mà theo ông có thể dao động từ ngày này sang ngày khác. Trong khi tài năng là điều bắt buộc ở cấp độ cao nhất, Brailsford cảm thấy sẽ không hiệu quả nếu không có ý chí sâu sắc để tiến bộ hơn. Nhưng MU đã ký hợp đồng hoặc mắc kẹt với quá nhiều cầu thủ thiếu sự cam kết trong việc cải thiện bản thân, dẫn đến sự thất thường trong phong độ của họ trong nhiều năm qua. Đã bao lần tính cách, tâm lý và nhân cách của các cầu thủ bị đặt dấu hỏi ở Old Trafford.
HLV Jose Mourinho từng cho biết vẫn còn những cầu thủ như thế ở MU, và ông đã cảnh báo ngay từ khi gia nhập CLB vào tháng 5/2016 rằng Quỷ đỏ không có những yếu tố cần thiết để thành công. Ole Gunar Solskjaer thì thừa nhận có quá nhiều cầu thủ cho rằng mình giỏi hơn thực tế. Và Ten Hag cho biết rằng MU đã mua “một số lượng cầu thủ lớn không đủ giỏi trong những năm gần đây”.
Hành vi thắng và hành vi thua
“Bạn rất dễ thực hiệ n những hành vi thắng nhưng chỉ cần 1-2 lần thua cuộc, là hành vi thua sẽ lấn át. Rên rỉ chẳng hạn. Nếu tôi rên rỉ về mọi thứ và rên rỉ rất giống một hành vi thua cuộc. Bạn có thể than vãn về mọi thứ hoặc bạn có thể nói rằng tôi sẽ không than vãn. Hãy dẹp trừ hành vi thua”, Brailsford nói.
Ten Hag sẽ là người đầu tiên đồng ý với điều này và theo ghi nhận của ông, chưa bao giờ ông lấy chấn thương hoặc sự thất bại của các cầu thủ làm cái cớ cho màn trình diễn và kết quả kém cỏi. Nhưng đã có quá nhiều người than vãn và hờn dỗi trong phòng thay đồ những năm qua, và những hành vi tiêu cực đã bén rễ và ăn mòn tập thể.
Lợi ích cận biên và lập kế hoạch ngược
“Tôi nhớ khi bắt đầu kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội, mục tiêu là ngọn núi dường như ở rất xa. Chúng tôi chưa bao giờ làm điều đó trước đây, chúng tôi có thực sự tin rằng mình sẽ lên được đó không? Bước này sẽ đến từ đâu? Toàn bộ lợi ích cận biên là ý tưởng của việc chúng ta hãy tìm kiếm bất cứ điều gì chúng ta có thể để trở nên tốt hơn”, Brailsford nói
Hai năm trước khi Brailsford lần đầu tiên được tuyển dụng làm cố vấn cho British Cycling vào năm 1998, Anh đứng tận thứ 17 thế giới và chỉ giành được 2 huy chương đồng tại Thế vận hội Atlanta. Ý tưởng trở thành người giỏi nhất khi đó có vẻ viển vông.
Tương tự, MU phải đối mặt với một con đường dài để trở lại đỉnh cao sau một thập kỷ sa lầy. Brailsford đã làm việc ngược lại bằng cách trước tiên, tìm ra thứ họ muốn chiến thắng và những gì cần làm để nhận ra xuất phát điểm của môn đua xe đạp Anh, trước khi lập kế hoạch thu hẹp khoảng cách. Đến năm 2012, Anh là số 1 thế giới và giành được 8 huy chương vàng tại Thế vận hội London.
Khái niệm lợi ích cận biên xem xét việc cải thiện càng nhiều mảnh ghép càng tốt để cải thiện hiệu suất tổng thể thêm 1%. Ten Hag nhận thấy MU còn thiếu sót ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dinh dưỡng, dẫn đến việc bổ nhiệm đầu bếp mới và thực hiện các chiến lược dinh dưỡng riêng phù hợp với nhu cầu cụ thể. MU cũng đang cố gắng bắt kịp trong các lĩnh vực khác, bao gồm phân tích dữ liệu và trinh sát, đồng thời màn tổng soát của Brailsford dự kiến sẽ xem xét mọi khía cạnh trong hoạt động bóng đá của CLB.