Thủ thành Đặng Văn Lâm đã dính chấn thương vai trong buổi tập cùng Cerezo Osaka. Trước anh, có nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại cũng gặp vận đen tương tự.
Thủ thành ĐT Việt Nam Đặng Văn Lâm được xác nhận gặp chấn thương khá nặng trong màu áo Cerezo Osaka và có thể sẽ phải nghỉ thi đấu tới hết năm 2021. Điều ấy đồng nghĩa, anh sẽ vắng mặt trong 4 trận đấu tiếp theo của tuyển Việt Nam tại vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Theo một vài nguồn tin, Văn Lâm dính chấn thương trong buổi tập chuẩn bị cho trận đấu giữa Cerezo Osaka và Pohang Steelers tại vòng 1/8 AFC Champions League. Ở tình huống nỗ lực cứu bóng ở phần thi đấu đối kháng, Văn Lâm đã bị chấn thương trật khớp vai.
Văn Lâm dính chấn thương khi tập luyện cùng Cerezo Osaka
Văn Lâm chấn thương khiến người hâm mộ tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Trong màu áo CLB, anh đang có cơ hội lớn ra sân sau khi Cerezo Osaka thay huấn luyện viên. Ở tuyển quốc gia, anh cũng mới trở lại khung thành ĐT Việt Nam sau hơn 2 năm. Chấn thương nặng khiến Văn Lâm tạm gác lại những dự định.
Chấn thương của Văn Lâm khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam giật mình khi nhắc lại những trường hợp cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trước đó. Trong quá khứ những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu cũng từng dính chấn thương khá nặng trong thời gian thi đấu ở nước ngoài.
Đoàn Văn Hậu – SC Heerenveen (2019/2020)
Văn Hậu đầu quân cho SC Heerenveen hồi tháng 9/2019 theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm, kèm điều khoản “mua đứt” sau năm đầu tiên. Số tiền lương hậu vệ sinh năm 1999 được nhận ở Heerenveen lên tới khoảng 450.000 euro/năm (11,5 tỷ đồng), theo các thông tin do CLB Hà Nội cung cấp.
Không thể phủ nhận việc Văn Hậu tới châu Âu thi đấu là thương vụ lớn nhất của bóng đá Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Từ mức lương nhận được (cao thứ 4 tại SC Heerenveen) cho tới sự ảnh hưởng về mặt truyền thông, cầu thủ sinh năm 1999 được kỳ vọng sẽ thể hiện được nhiều tại môi trường bóng đá hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên Văn Hậu chỉ được ra sân 4 phút cuối trận thắng 3-0 của SC Heerenveen trước Roda JC tại cúp Quốc gia Hà Lan. Thời gian còn lại, hậu vệ CLB Hà Nội thường có mặt trong danh sách “bệnh binh” hoặc dự bị của đội bóng.
Vào tháng 3/2020, Văn Hậu dính chấn thương đầu gối trong một trận đấu cho đội trẻ Heerenveen. Chấn thương này khiến cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC chấm dứt “giấc mơ Hà Lan” khi sau đó đại dịch Covid-19 ập đến khiến các giải bóng đá ở Hà Lan phải huỷ bỏ.
Lương Xuân Trường – Incheon United (2016), Gangwon FC (2017)
Xuân Trường cũng từng bị chấn thương hành hạ khi thi đấu tại Hàn Quốc. Năm 2016, anh gia nhập Incheon United và không có nhiều cơ hội ra sân do dính chấn thương háng. Khi bình phục, cầu thủ của HAGL cũng thường xuyên xuất hiện trên băng ghế dự bị vì phong độ không đảm bảo.
Sau đó Xuân Trường gia nhập Gangwon FC. Ở giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới, anh gặp chấn thương giãn dây chằng cổ chân và phải rời xa sân cỏ 1 tháng. Giữa năm 2017 anh lại gặp chấn thương đầu gối và cũng rời sân cỏ 2 tuần.
Nguyễn Tuấn Anh – Yokohama FC (2016)
Cũng giống như Xuân Trường, Tuấn Anh từng dính chấn thương khi đang thi đấu ở nước ngoài. Anh bị chấn thương ở vùng miệng sau đó gặp vấn đề ở lưng.
Sau đó Tuấn Anh dính chấn thương đầu gối rất nặng và không được điều trị dứt điểm. Điều này khiến anh trải qua quãng thời gian tồi tệ nhất trong sự nghiệp khi liên tục tái phát chấn thương. Cho đến thời điểm hiện tại, chân sút sinh năm 1995 cũng được xếp vào hàng cầu thủ dễ chấn thương nhất ở đội tuyển Việt Nam và CLB HAGL.
Nguyễn Công Phượng – Mito Hollyhock (2016)
Công Phượng cũng dính chấn thương nặng trong thời gian khoác áo CLB Mito Hollyhock thi đấu ở J.League 2. Cụ thể vào năm 2016, anh bị gãy xương quai xanh khi thi đấu cùng U23 Việt Nam thi đấu VCK U23 châu Á ở Qatar.
Anh phải nghỉ thi đấu 2 tháng và làm ảnh hưởng rất nhiều tới phong độ thi đấu. Công Phượng hoà nhập chậm cùng đội bóng Nhật Bản và cuối cùng quyết định nói lời chia tay vào cuối năm.