Sau thời Kiatisak, bóng đá Thái Lan mang về những HLV có giá trị cả triệu đô. Thế nhưng, những gì ông kẹ Đông Nam Á nhận được chỉ là chén đắng. Giới truyền thông xứ chùa vàng nói rằng, giả sử Park Hang Seo cầm sa bàn, có trở thành “thánh” đi nữa, ông cũng phải… chết.
HLV Nishino là một nhà cầm quân tài năng, bởi tại Olympic Atlanta 1996, khi nhiều tuyển thủ trụ cột của ĐT Việt Nam hiện nay còn chưa được sinh ra thì ông Nishino đã được cả thế giới biết tới, với việc giúp ĐT Olympic Nhật Bản đánh bại ĐT Olympic Brazil của những Ronaldo, Roberto Carlos, Rivaldo và Bebeto với tỷ số 1-0, một chiến tích lừng lẫy được báo chí Nhật Bản đặt tên là “Phép màu Miami”.
Tại cấp độ CLB, HLV Nishino cũng chứng tỏ được khả năng của mình khi thâu tóm tất cả các danh hiệu cao quý nhất ở quốc nội cùng các đội bóng lớn của Nhật Bản như Kashiwa Reysol hay Gamba Osaka, với 2 lần nhận danh hiệu HLV hay nhất J-League, một lần được AFC bình chọn là HLV của năm nhờ thành tích giành chức vô địch AFC Champions League và HCĐ tại World Cup Clubs năm 2008 với Gamba Osaka.
Với hồ sơ ấn tượng như vậy, người hâm mộ bóng đá Thái Lan đều kì vọng ông sẽ giúp đội bóng xứ chùa vàng lấy lại vị thế đã mất của mình tại Đông Nam Á kể từ khi HLV Kiatisak chia tay đội bóng hồi năm 2017. Nhưng dưới sự dẫn dắt của ông, bóng đá Thái Lan đã không thành công. Đội U23 Thái Lan bị loại khỏi vòng bảng SEA Games 2019 – giải đấu Việt Nam đã giành Huy chương Vàng. Tại vòng loại World Cup 2022, tuyển Thái Lan cũng bị loại khi chỉ có được 9 điểm/8 trận.
Hợp đồng của ông còn đến cuối tháng 1.2022. Tuy nhiên, với thành tích không tốt cùng mâu thuẫn với FAT, ông Nishino đã bị sa thải sau cuộc gặp gỡ trực tuyến. Trước đó, chiến lược gia người Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiếp tục dẫn dắt Thái Lan hướng đến World Cup 2026, khi giải mở rộng từ 32 lên 48 đội. Quyết định của FAT không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi sự rạn nứt trong quan hệ giữa FAT và HLV Nishino là rất lớn, nên việc đường ai nấy đi chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kể từ khi chia tay HLV Kiatisak Senamuang cũng sau vòng loại World Cup 2018, ĐTQG Thái Lan đã trải qua 3 đời HLV là Milovan Rajevac, Sirisak Yodyardthai và vừa kết thúc nhiệm kỳ của Akira Nishino. Sự kiên nhẫn của LĐBĐ Thái Lan dành cho các HLV này (trong đó Rajevac và Akira Nishino từng rất thành công ở World Cup 2010 hay World Cup 2018) là rất thấp.
Nếu nhìn nhận lại những thất bại mà tuyển Thái Lan gánh chịu trong 4 năm trở lại đây, HLV không phải là người duy nhất có lỗi. Năm 2017, Thái Lan chia tay HLV Kiatisak. Sau khi rời ghế, HLV có biệt danh “Zico Thái” đã để lại phát ngôn khiến nhiều người phải suy ngẫm.
“Bóng đá có thắng có thua, và Thái Lan không thể thắng mãi. Họ (FAT) hình như đã quên mất mình là ai. World Cup là một cái đích ai cũng muốn đến, nhưng quan trọng hơn là phải biết mình là ai, biết tự lượng sức mình.
Những nơi tôi từng làm việc, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng lần này khác. Mục tiêu họ đặt ra quá cao, làm sao tôi có thể đưa đội tuyển vào VCK World Cup trong 1 năm được. Tôi ra đi để nhường người khác làm công việc đó”.
Rõ ràng, vào thời điểm đó, Thái Lan đã thể hiện sự thống trị tuyệt đối của mình ở Đông Nam Á. Và như một lẽ tất yếu, Liên đoàn bóng đá nước này mong muốn được chứng kiến tuyển Thái Lan có thể vươn tầm châu Á, thậm chí là thế giới. Chính vì thế, FAT đã quyết định sa thải HLV Kiatisak sau khi kết thúc vòng loại thứ 3 WC 2018 với thành tích 2 điểm sau 8 trận và không tiết tiền để chiêu mộ những HLV “hàng xịn” về đảm nhiệm chiếc ghế thuyền trưởng đội bóng.
LĐBĐ Thái Lan chi ra khoản lương rất lớn lên đến 2 triệu USD trong 4 năm qua dành cho các HLV (970.000 USD/năm với Nishino hay 696.000 USD/năm với Rajevac). Bên cạnh đó, FAT còn cho các đời HLV đội bóng toàn quyền quyết định những vấn đề nội bộ.
Ấy vậy mà tiền bạc và lòng tin lại không đi liền với thành tích. Bóng đá Thái Lan đã phải nhận những bài học vô cùng cay đắng. Hàng loạt những tên tuổi lớn trong làng bóng đá thế giới đến rồi đi. Ngoài khoản bồi hoàn về hợp đồng, đổ vỡ niềm tin, bóng đá Thái Lan hầu như chẳng thu được điều gì đáng giá. Mặt khác, những vấn đề nội bộ bên trong phòng thay đồ của đội tuyển xứ sở chùa vàng lại trở nên vô cùng rối ren.
Bằng chứng là đợt diễn ra các trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup 2022, hậu vệ Theerathon đã từ chối khoác áo ĐT Thái Lan. Trong khi đó, thủ lĩnh trong lối chơi Chanathip đã công khai phát biểu mong muốn LĐBĐ Thái Lan cần mời HLV Kiatsak trở lại dẫn dắt đội tuyển hồi đầu tháng 7. Chưa dừng lại ở đó, “Messi Thái” còn chỉ trích gay gắt cách dụng binh của chiến lược gia người Nhật Bản sau trận hòa thất vọng trước Indonesia. Điều này cho thấy, HLV Akira Nishino đã không còn có thể kiểm soát được những vấn đề nội bộ của đội bóng.
Dẫu vậy, những thất bại của chiến lược gia người Nhật Bản đến từ nhiều yếu tố khách quan hơn là lỗi của bản thân ông. Nishino nhận lời huấn luyện Thái Lan trong 2 năm, nhưng thời gian làm việc thực tế rất ngắn ngủi. Ông ký hợp đồng vào giữa tháng 7/2019, chỉ có vỏn vẹn một tháng rưỡi chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Sau 5 trận vòng loại, Nishino có thêm 2 tuần để làm việc với đội U22 Thái Lan nhằm chuẩn bị cho SEA Games.
Tổng thời gian chuẩn bị cho các giải lớn của HLV người Nhật Bản là 2 tháng. Trước thềm 3 trận cuối vòng loại thứ hai, HLV Nishino mang tới 41 cầu thủ sang UAE. Ông cũng chỉ có khoảng 1 tháng huấn luyện chiến thuật cho học trò, đồng thời mất một số trụ cột vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đại dịch này cũng khiến hệ thống bóng đá Thái Lan tê liệt, trực tiếp tiếp ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện. Tất nhiên, trách nhiệm chính vẫn là của HLV. Nhưng LĐBĐ Thái Lan cũng cần nhìn lại chính mình để đánh giá đầy đủ tiềm lực, sức mạnh và con người nhằm đưa ra phương án hợp lý và mục tiêu phù hợp hơn.
Trong hai năm, FAT sa thải 3 HLV. Ngày trở lại của đội bóng giàu thành tích nhất Đông Nam Á vẫn rất xa vời. Vì lẽ ấy, đã đến lúc LĐBĐ Thái Lan cần phải thay đổi lối tư duy làm bóng đá. Từ bỏ lối suy nghĩ chạy theo thành tích, để đội bóng xứ chùa vàng có thể phát triển từ nền tảng vững chắc.