651! Đấy là số phút thi đấu của Rasmus Hojlund tại Ngoại Hạng Anh tính đến thời điểm này. Đã hơn 10 tiếng đồng hồ, chàng trai Đan Mạch không nổ súng. 0-0-9 là những gì mà anh đang có tại giải đấu cao nhất xứ sương mù trước vòng 14: 9 trận đấu, 0 bàn thắng, 0 kiến tạo. Thà rằng Hojlund đánh mất mình, thà rằng anh vô hại, anh vô duyên trước khung thành và rất nhiều vấn đề khác nữa thì ta không có gì để bàn về anh.
Nhưng Hojlund đã có 7 bàn ở 2 mặt trận còn lại chỉ trong hơn 500 phút. Chưa kể các màn trình diễn gây điên đảo khác tại Atalanta. Con số này đủ để khẳng định đây là một cầu thủ giỏi, anh khác với Rooney, Ronaldo hay Tevez, mà là dạng một tiền đạo sát thủ kiểu “dao găm và súng lục” có tiềm năng lớn kế thừa Van Nistelrooy nhất, tính từ khi tiền đạo người Hà Lan rời Old Trafford.
Vậy thì vấn đề là ở đâu cơ chứ? Phong thủy nước Anh không tốt như ở Châu Âu chăng? Thật ra có một sự khác biệt khá lớn ở đấu trường quốc gia và đấu trường Châu Âu. Đối với đấu trường trong nước, vì gặp nhau nhẵn mặt hàng tuần nên chiến thuật đều được nghiên cứu khá kỹ. Vấn đề con người cũng được đặt ra, thói quen chạy chỗ ra làm sao, tính cách có dễ bị khích bác hay có chơi các trò “tiểu xảo” như đánh rắm kiểu Haaland hay không? Tất cả đều được đưa vào máy tính hết. Các đối thủ ở Châu Âu cũng đều có nghiên cứu tương tự, nhưng thiếu tính va chạm, do khác môi trường và không được gặp nhau hàng tuần. Vì vậy nếu xét ở bình diện này, thì có thể thấy hàng tiền vệ của MU đã bị các đối thủ khác bắt bài khi làm bóng cho Rasmus Hojlund.
Ngược lại ở Châu Âu mọi thứ vẫn còn tự do, ta thấy Bruno Fernandes hay Christian Eriksen vẫn còn cửa tỏa sáng và mớm bóng dài cho Hojlund thể hiện. Ngoài ra Ngoại Hạng Anh rất khốc liệt. Hojlund lại chuyển từ Italia, vốn không phải nền bóng đá coi trọng tốc độ sang giải đấu “chạy và sút”. Đương nhiên đòi hỏi việc thích ứng là không hề đơn giản. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, nếu bạn bảo một cầu thủ sinh năm 2003 phải gồng mình lên thì bạn đã cho anh ấy những gì đây? Đó là điều mà các cựu cầu thủ đã nhìn ra khi phát hiện hoàn cảnh của Hojlund tại Manchester United.
Huyền thoại Ruud Gullit bảo: “Đội bóng phải giúp tiền đạo của mình điền tên lên bảng tỷ số điện tử. Các cầu thủ Man United không có sự liên kết đủ nhiều với Hojlund. Các ngôi sao Man United quá háo hức trong việc ghi bàn. Lúc nào họ cũng mong muốn sút trúng đích”. Nhận định này cũng được Rio Ferdinand đồng ý, khi anh đưa ra hai ví dụ “Antony không tạo liên kết đủ tốt với Hojlund. Bản năng của Antony là suy nghĩ phải làm cho bản thân nổi bật. Trong khi đó, Rashford lại nỗ lực chỉ nhằm mục đích dứt điểm về khung thành đối phương chứ không phải chuyền bóng cho tiền đạo mục tiêu”. Ngay cả HLV Erik ten Hag cũng có vấn đề vì liên tục thay một Martial vô hại bằng một Hojlund biết cách tạo sức ép. Trận hòa Galatasaray đã chỉ ra sai lầm đó.
Tiền đạo luôn ích kỷ, họ cần bàn thắng để tự tin. Tiếc rằng ở MU, chẳng ai cho anh điều ấy cả.