Thật trùng hợp, khi được bổ nhiệm gần 3 năm trước khi 2 chiến thắng đó diễn ra trên sân nhà tại EURO 96, và trước khi diễn ra lễ bốc thăm VCK, Venables đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về những đối thủ này. Vấn đề của Venables là đội chủ nhà EURO 96 không đủ điều kiện tham dự World Cup 1994, nên đã không có trận đấu nào trong hơn 2 năm trước đó.
Ông nhận ra vấn đề này và muốn gợi lại khái niệm về các trận đấu Anh – Scotland máu lửa trước đây, với sự kình địch cổ xưa có khả năng tạo ra những trận đấu đáng sợ, vượt xa những gì được mong đợi từ các trận giao hữu quốc tế. Trong khi đó, Hà Lan lại là nguồn cảm hứng bóng đá cho Venables. Khi còn là cầu thủ đội trẻ những năm 1950, ông thường xuyên sang Hà Lan thi đấu. Ông ngày càng ngưỡng mộ thứ bóng đá mạo hiểm, tích cực và kỹ thuật của người Hà Lan. Nó giúp ích rất nhiều cho ông vào giữa những năm 1980, khi dẫn dắt một Barcelona vẫn bị ám ảnh bởi Rinus Michels và Johan Cruyff.
Kế hoạch giao hữu với ĐT Scotland của Venables thất bại bởi đối phương liên tục từ chối. Toan tính gặp Hà Lan thành công hơn. Venables đã bay đến Ý để nói chuyện với thủ quân Tam Sư lúc bấy giờ là David Platt, trước khi gặp Tony Adams, người mà Venables sẽ chọn làm đội trưởng thay vì Platt. Venables hỏi cả hai liệu họ có đồng ý rằng ĐT Anh nên trải qua một cuộc cách mạng về bóng đá, thay đổi phong cách bóng dài đơn giản đã thoái trào không. Cả hai đều đồng ý và Venables tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình. Từ đó, Venables đã có kế hoạch tấn công rõ ràng – theo đúng nghĩa đen.
Ông muốn ĐT Anh chơi thứ bóng đá kiểm soát, dâng cao và linh hoạt về mặt chiến thuật. Ông ngay lập tức chấm dứt sự nghiệp của tiền vệ Carlton Palmer và trung vệ Des Walker, những người thiếu phẩm chất kỹ thuật để chơi thứ bóng đá mà Venables mong muốn. Trong trận đầu tiên cầm quân là chiến thắng 1-0 trước Đan Mạch, ông đã cho 3 cầu thủ trẻ ra mắt: hậu vệ trái Graeme Le Saux, cầu thủ chạy cánh Darren Anderton và cầu thủ dự bị là số 10 Matt Le Tissier.
ĐT Anh chơi theo sơ đồ 4-3-2-1 hình “cây thông”, một sơ đồ chưa từng có – và hoàn toàn trái ngược với hệ thống hình hộp 4-4-2 truyền thống. Nhưng đó chỉ là một trong những hệ thống khác nhau mà ĐT Anh đã sử dụng. Họ cũng có thể chơi 3-5-2, 4-3-3 hoặc 4-4-2 truyền thống hơn, thường với một tiền đạo lùi sâu. Ở giai đoạn này, nước Anh cũng linh hoạt như bất kỳ đội bóng nào ở châu Âu – có lẽ ngoại trừ Hà Lan.
Ở thời đại này, người ta thường nói những đội bóng vĩ đại được xây dựng từ hàng phòng ngự, nhưng Venables lại cố tình xây dựng từ phía trước. Trong chiến thắng 2-0 trước ĐT Mỹ vào tháng 9 năm 1994, Venables đã xếp Alan Shearer và Teddy Sheringham cùng đá tiền đạo. Nó hoạt động tốt nên Venables chấm luôn, bỏ qua phép cộng giữa Alan Shearer siêu đẳng cùng Robbie Fowler, Andy Cole, Les Ferdinand và Ian Wright.
Venables đánh giá cao những cầu thủ có kỹ thuật tốt. Ông cũng trao suất ra mắt cho cầu thủ chạy cánh Steve McManaman – người sẽ chơi ở nhiều vai trò khác nhau – và Gareth Southgate, một hậu vệ thông minh, tinh tế hơn nhiều so với một số người tiền nhiệm trong màu áo ĐT Anh. Gary Neville được chọn sau chưa đầy 20 lần ra sân ở Premier League và được sử dụng ở vị trí trung vệ lệch phải, hậu vệ phải và hậu vệ cánh phải trong nhiều hệ thống.
Venables cũng rút ra bài học từ màn trình diễn tệ hại của ĐT Anh. Họ đã bị Romania vượt qua trong trận giao hữu hòa 1-1 vào tháng 10/1994. Trong trận đấu đó, Paul Ince chơi đầy ngoan cường ở hàng tiền vệ cùng với tiền vệ box-to-box Rob Lee, người sau đó được thay thế bởi Dennis Wise, một cầu thủ hiếu chiến khác. Nhưng hàng tiền vệ này không đủ tốt cho thứ bóng đá mà nước Anh mong muốn.
Venables sau đó quyết định sẽ sử dụng cầu thủ yêu thích của mình từ Tottenham là Paul Gascoigne, cùng với Jamie Redknapp có đầu óc thông minh – mặc dù vấn đề chấn thương của Redknapp sau đó dẫn đến việc triệu hồi Ince, người không thực sự hòa thuận với Venables. Nhưng nhóm nòng cốt của ĐT Anh tham dự EURO 96 rất ‘Venables’. Trong số này, chỉ có Shearer, Platt và hậu vệ trái Stuart Pearce đã thi đấu ở EURO 92. Tiếp theo một cuộc cách mạng nhỏ và với Le Saux, hậu vệ cánh trái không thể thi đấu vì chấn thương, nên Venables táo bạo dùng sơ đồ 3-5-2 với 2 cầu thủ chạy cánh có thiên hướng tấn công là Anderton và McManaman đá như hậu vệ cánh.
ĐT Anh không hề xuất sắc trong suốt VCK EURO 96. Họ khởi đầu không tốt trước Thụy Sĩ, nhưng sau đó đã tạo nên 2 trong số những màn trình diễn đáng nhớ nhất của ĐT Anh. Ở trận thứ hai tại vòng bảng, ĐT Anh đụng độ Scotland tại Wembley. Southgate đá ở vị trí tiền vệ, đứng trên bộ ba Pearce – Adams – Neville. Southgate có thể lùi về phòng ngự khi được yêu cầu. Đó là một chiến thuật được mượn từ người Hà Lan bay. Tuy nhiên, ĐT Anh chuyền bóng không đủ tốt nên ở hiệp một, Venables đã thay Pearce bằng Southgate và tung Redknapp vào hàng tiền vệ.
Điều này đã thay đổi trận đấy. Redknapp đã lan tỏa lối chơi tuyệt vời và đưa ĐT Anh vượt lên dẫn trước. Bàn mở tỷ số của ĐT Anh đến sau một pha chuyền bóng trôi chảy, khi Neville chạy lên chồng biên rồi chuyền bóng vào cho Shearer ghi bàn. Sau đó, sau khi David Seaman cản phá được quả phạt đền của Gary McAllister, ĐT Anh nhanh chóng đột phá và Gascoigne ghi bàn thắng được cho là vĩ đại nhất của Tam Sư, khi tâng bóng qua đầu Colin Hendry bằng chân trái, sau đó sút tung lưới Scotland bằng chân phải.
ĐT Anh chỉ cần 1 điểm trước Hà Lan để đảm bảo vé đi tiếp và Venables được khuyến khích chơi thận trọng. Nhưng đây là cơ hội để ông làm điều hằng mong muốn: huấn luyện một đội bóng theo phong cách Hà Lan để giành chiến thắng trước người Hà Lan. Vì vậy, hệ thống của Tam Sư có tính tấn công cao. Với việc Hà Lan kỳ vọng bộ ba hậu vệ sẽ đủ sức bóp chết cặp tiền đạo đối phương, Venables đã chuyển McManaman lên phía trước, tạo thành bộ ba tiền đạo với Shearer và Sheringham, những người chơi lùi sâu hơn bình thường để kéo Michael Reiziger ra. Anderton đá ở hàng tiền vệ cùng với Ince và Gascoigne.
Bộ ba hậu vệ người Hà Lan đã không thể đối phó trong hiệp một và khi Guus Hiddink chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ, họ bị áp đảo ở hàng tiền vệ và sự thống trị của ĐT Anh ngày càng tăng lên. Các bàn thắng cũng xuất hiện. Đầu tiên là quả phạt đền do Shearer thực hiện nhờ tình huống Ince – tiền vệ chơi thấp nhất – lao vào vòng cấm đối phương và bị đốn ngã. Giống như pha kiến tạo của Neville trong trận gặp Scotland, nó cho thấy các cầu thủ phòng thủ của Anh được trao quyền tự do tấn công như thế nào. Venables sau đó cho biết: “Chúng tôi tích cực di chuyển không bóng”. Bàn thứ hai đến từ quả phạt góc, do Sheringham đánh đầu, sau pha tấn công thần tốc của Anderton và McManaman.
Bàn thứ ba là bàn thắng đẹp như tranh vẽ, bắt đầu khi Adams di chuyển vào hàng tiền vệ chủ động giành bóng rồi để Gascoigne chuyền về phía cánh trái. Anh phối hợp với McManaman, đi vào vòng cấm và khi hàng thủ Hà Lan bị dồn sang một bên, Gascoigne và sau đó Sheringham chuyển bóng cho Shearer ở vị trí trống trải, để ghi bàn thứ ba. Bàn thứ tư là của Sheringham, với một pha đá bồi sau khi Anderton cắt vào trong dứt điểm, nhưng cú cú sút của anh bị Edwin van der Sar cản phá. Hà Lan gỡ được 1 bàn, và đó là thứ giúp 2 đội dắt tay nhau đi tiếp, loại bỏ Scotland trong sự hả hê tột cùng của người Anh.
ĐT Anh đã không hoàn thành câu chuyện cổ tích. Ở trận tứ kết, họ may mắn vượt qua Tây Ban Nha trên chấm phạt đền, đặc biệt khi đối thủ của họ có một bàn thắng hoàn hảo nhưng bị thổi việt vị. Họ thất thủ ở vòng bán kết trong loạt luân lưu sau trận hòa 1-1 với Đức, khi Venables bất ngờ quyết định không thay người một lần nào trong 120 phút. Tuy nhiên, EURO 96 không được nhớ đến như một thứ “đã thua” mà là một thứ “suýt thắng”.
Thật khó để tách điều này ra khỏi bối cảnh rộng hơn – niềm tin mới được tìm thấy về nước Anh nói chung: một mùa Hè thời tiết tuyệt vời, sự trỗi dậy của Premier League, sự nổi tiếng của Britpop. Đội bóng của Venables không vô địch EURO nhưng lại gây ấn tượng bằng thứ bóng đá sexy, có trí tuệ và một dàn cầu thủ mới. Chỉ 2 năm sau khi Anh không thể vượt qua vòng loại World Cup và chưa đầy một thập kỷ kể từ khi các CLB Anh bị cấm thi đấu ở các giải đấu ở châu Âu, nước Anh đột nhiên trở thành trung tâm của bóng đá châu Âu. Ý tưởng “Bóng đá trở về nhà” không phải về số phận của chiếc cúp mà là về việc tổ chức giải đấu.
Trong một giải đấu có ít sự phấn khích nói chung với trung bình 2,06 bàn/trận, ĐT Anh đã mang lại nhiều niềm vui. Nó gợi nhớ đến những lời của Johan Cruyff khi nhớ lại thất bại của ĐT Hà Lan trong trận chung kết World Cup 1974. “Có lẽ cuối cùng chúng tôi mới là người chiến thắng thực sự. Tôi nghĩ thế giới nhớ đến đội của chúng tôi nhiều hơn”. ĐT Anh đã không đạt đến trình độ đó, nhưng do Venables lấy cảm hứng từ phong cách chơi của Hà Lan và việc đội bóng của ông đã được định hình bằng chiến thắng 4-1 trước Hà Lan, đó là một điểm tham chiếu thích hợp cho những gì Anh đã tạo ra tại EURO 96.