Trước Gareth Southgate, HLV gần nhất đưa ĐT Anh vào đến bán kết một giải đấu lớn là Venables. Ký ức tuyệt vời của EURO 1996 vẫn còn đọng lại đến tận bây giờ, khi mà Tam sư vẫn chưa thể giành thêm được bất cứ danh hiệu gì.
Nạn hooligan cũng ngày càng trở nên đáng báo động hơn ở Anh vào thời điểm đó. Trước và sau mỗi trận đấu bóng đá, các CĐV đều tụ tập uống bia rượu, ẩu đả, gây rối khiến chính phủ Anh hoang mang khi nghĩ về hình ảnh của nước nhà tại kỳ EURO đầu tiên mà họ là chủ nhà, cũng đồng thời là giải đấu lớn đầu tiên kể từ World Cup 1966.
Tuy nhiên, sau khi Terry Venables lên thay Taylor, phong cách thi đấu của ĐT Anh ngày càng ổn định hơn. Alan Shearer là do Taylor phát hiện, nhưng người đưa Shearer lên đẳng cấp thế giới phải là Venables. Chứng kiến sự khởi sắc của ĐTQG, kết hợp công tác tuyên truyền với khẩu hiệu “Khi bóng đá về nhà” của chính quyền, người Anh ngày càng ý thức họ cần phải xây dựng một môi trường bóng đá lành mạnh, trở thành đội chủ nhà mẫu mực tại EURO 1996.
Mỗi trận đấu là một ngày hội, mỗi chiến thắng đều có giá trị hơn cả một thắng lợi, mỗi phút bóng lăn đều tạo ra cảm xúc, EURO 1996 có lẽ là ví dụ sống động nhất cho khái niệm: Bóng đá không chỉ là bóng đá. Nó là chất keo gắn kết dân tộc, là niềm tự hào đủ lớn để cả một quốc gia phải thay đổi. Cũng chính vì vậy cho dù ĐT Anh chỉ vào tới bán kết, nhưng EURO ‘96 mãi mãi sống trong tim người Anh như một thời khắc lịch sử của Tam sư.
Không chỉ thành danh với ĐT Anh, Venables còn là một trong những HLV người Anh hiếm hoi để lại ấn tượng ở nước ngoài. Bên cạnh Bobby Robson, nước Anh tự hào về Venables, người giúp Barca vô địch La Liga mùa 1984/85 và đoạt Copa de la Liga 1 năm sau.
Sự ra đi của Venables càng khiến người hâm mộ đau đớn khi chỉ 1 tháng trước, huyền thoại vĩ đại nhất làng túc cầu xứ sương mù, Bobby Charlton cũng qua đời. Cathy Ferguson, người phụ nữ đứng sau thành công của Sir Alex Ferguson, cũng lên thiên đàng trong những ngày đầu tháng 10.
Với Vương quốc Anh nói chung, đây thật sự là một năm mất mát. Những nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực đều không hẹn mà cùng gặp nhau ở thiên đàng. Hồi tháng 9, Sir Michael Gambon, diễn viên nổi tiếng vào vai Giáo sư Dumbledore trong serie Harry Potter yên nghỉ tại bệnh viện.
Trước đó, Sir Michael Parkinson, một người dẫn chương trình huyền thoại của xứ sương mù cũng qua đời ở tuổi 88. Trong sự nghiệp, Parkinson có hẳn một chương trình riêng mang tên mình, đồng thời gây tiếng vang khi từng phỏng vấn Muhammed Ali, John Wayne, Tom Cruise, Madonna và Sir Paul McCartney.