Bằng nhiều nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), đội tuyển Việt Nam sẽ trở về nhà Mỹ Đình để thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Từ ám ảnh đến vinh quang Mỹ Đình
Mỹ Đình từng là nới chứng kiến những khoảnh khắc thống khổ nhất của các cấp đội tuyển Việt Nam. Từ thất bại trong trận chung kết SEA Games 2003 trước Thái Lan đến thảm bại 0-3 trước Indonesia tại Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Cup) và vô khối trận thua cay đắng khác. Ngay cả chiến thắng lịch sử trước Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2008, thực tế đội tuyển Việt Nam “chỉ” hòa 1-1 trên sân nhà. Thế nên, có một giai đoạn, cứ mỗi khi Đội tuyển đá ở Mỹ Đình, giới mộ điệu lại nơm nớp lo sợ có điều gì đó không may xảy đến.
Nhưng nỗi ám ảnh đã được gột bỏ với triều đại HLV Park Hang Seo, người đã đưa đội tuyển Việt Nam thi đấu thăng hoa và thậm chí vươn lên một tầm cao mới trong nền bóng đá lục địa. Á quân U23 châu Á, đệ tứ anh hào Á vận hội, vô địch AFF Cup, huy chương vàng SEA Games, top 8 Asian Cup, và thành tích mới nhất là lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á là những thành tích chứng minh cho điều đó, không cần viện dẫn thêm nhiều!
Tại Mỹ Đình, thầy trò Park Hang Seo đang trải qua 4 năm liên tiếp bất bại, với tổng cộng 9 trận, 8 thắng và 1 hòa. Bao gồm các chiến thắng tại AFF Cup, đỉnh cao là chiến thắng 1-0 trước Malaysia ở trận chung kết lượt về; vòng loại U23 châu Á, bao gồm màn hủy diệt U23 Thái Lan 4 bàn không gỡ làm nức lòng người hâm mộ; và vòng loại thứ 2 World Cup 2022, với các chiến thắng tối thiểu trước Malaysia và UAE, cùng trận hòa 0-0 với Thái Lan, tiền đề để Những chiến binh sao vàng giành vé ở UAE. Mỹ Đình trở thành mái nhà rộn khúc hoan ca.
2 năm xa nhà
Nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến Đội tuyển chưa chơi một trận đấu nào tại Mỹ Đình kể từ tháng 11/2019. Gần 2 năm đem chuông đi đánh xứ người, thầy trò Park Hang Seo vẫn làm vang danh bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế nhưng Đội tuyển cũng như đứa con, đứa con của dân tộc, đứa con vì hiểm cảnh phải lưu lạc muôn nơi, và đứa con nào cũng mong được về nhà.
Nhà dù xấu dù đẹp, dù sứt sẹo hay hoành tráng thế nào đi chăng nữa vẫn là nơi dang rộng cửa, là chốn bình yên nhất của mỗi con người. Mỹ Đình chính là nhà của đội tuyển Việt Nam. Nơi duy nhất Những chiến binh sao vàng được chơi bóng dưới rự reo hò vang dậy đất trời của 4 vạn đồng bào cùng sắc đỏ vàng nhuộm cả cầu trường. Điều đó tiếp thêm sự tự tin và hưng phẫn cho các tuyển thủ mỗi khi ra sân. Chiều ngược lại, bản thân người hâm mộ cũng quá thèm khát tận hưởng bầu không khí bóng đá và niềm vinh quang chiến thắng Đội tuyển mang lại.
Hơn nữa, việc thi đấu xa nhà lại phải tập trung theo quy định giãn cách ảnh hướng không nhỏ đến tâm lý các cầu thủ. Đơn cử như các tuyển thủ của Viettel, sau khi tham gia những lượt trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup lại tiếp tục sang Thái Lan dự vòng bảng AFC Champions League. Như vậy, tính cả thời gian cách ly và thi đấu, những Quế Ngọc Hải hay Bùi Tiến Dũng phải vắng nhà, xa vợ, xa con hơn 2 tháng ròng rã trong mùa dịch dã. Đó là sự hy sinh rất lớn của họ.
VFF đưa Đội tuyển trở về nhà
Từ khía cạnh thống kê chuyên môn đến yếu tố tinh thần, Mỹ Đình chính là nơi đáng để Đội tuyển về tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đáp ứng sự mong mỏi ấy, chiều 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp với đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, TP Hà Nội và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Cuộc họp đi đến thống nhất cho phép đội tuyển Việt Nam thi đấu các trận sân nhà vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trên SVĐ Mỹ Đình.
Như vậy, theo lịch dự kiến, ngày 7/9 tới thầy trò Park Hang Seo sẽ tiếp đón Australia trên Mỹ Đình, gần tròn 2 năm từ lần ra quân gần nhất trên sân nhà. Tất nhiên, để đội tuyển được chơi tại Mỹ Đình không đơn giản nói có là có, nói không là không trong bối cảnh dịch dã hoành hành như hiện nay. Chẳng hạn như việc tổ chức các trận đấu phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Những người liên quan đến trận đấu sẽ không phải cách ly 14 ngày như quy định hiện có, nhưng sẽ áp dụng “Quy tắc bong bóng”. Những đối tượng này cũng phải đảm bảo tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi sang Việt Nam.
Thế nên, để đội tuyển được thi đấu trên sân Mỹ Đình, cả một hệ thống dịch tễ đã, đang và sẽ phải nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn. Trong đó, không thể không kể công của VFF, cơ quan chủ quản và chịu trách nhiệm chính về đội tuyển Việt Nam. VFF vốn ai nói ai chê cũng được, nhưng lần này, hãy thử khen họ một lần xem sao. Nếu không có bộ máy vận hành trơn tru, sự chuẩn bị kỹ càng và khâu kết nối linh hoạt với các cơ quan chức năng, VFF khó lòng đưa được đội tuyển trở về Mỹ Đình vào thời điểm này.
Không những thế, nỗ lực để đội tuyển Việt Nam không phải thi đấu trên sân trung lập giúp VFF tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho ngân sách. Theo quy định, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) sẽ không chi trả phí thuê sân trung lập tại vòng loại World Cup 2022, thế nên VFF phải tính toán kế hoạch chu toàn, nhất là khi AFC yêu cầu hạn cuối là 16/7 phải báo cáo kế hoạch tổ chức cụ thể. Sau ngày này, nếu không đưa ra đủ điều kiện tổ chức, thầy trò Park Hang Seo sẽ không được chơi trên sân Mỹ Đình. Và như đã đề cập, ngoài mất lợi thế sân nhà còn là chi phí chục tỷ đồng cho mỗi trận trên sân trung lập. Khoản tiền khổng lồ ấy nên để phát triển bóng đá và chống dịch hiệu quả hơn.
Cuối cùng, đối với mỗi con dân đất Việt nói chung, việc chiến thắng Trung Quốc đều đem đến những cảm xúc khó tả. Mùng 1 Tết Nguyên Đán Nhâm Dần tới (1/2/2022 dương lịch), đội tuyển Việt Nam có một cơ hội như thế để đánh bại đội tuyển Trung Quốc ngay tại Mỹ Đình. Dù được vào sân hay không nhưng được chứng kiến một “áo vải cờ đào” được tái hiện ở thế kỷ 21 như thế cũng thực nức lòng dân tộc.