Ngôi sao người Brazil rõ ràng là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Tuy nhiên, Casemiro đã bước qua tuổi 31 từ tháng Hai, và do vậy cái giá 70 triệu euro có thể khiến nhiều người phải nhướn mày. Ngoài ra, Casemiro vốn không phải là mục tiêu hàng đầu của M.U cho vị trí tiền vệ phòng ngự. Nhưng sau khi thất bại với Frenkie de Jong dù đã chờ cả tháng, rồi hỏng tiếp vụ Adrien Rabiot, M.U có không nhiều lựa chọn, ngoài việc chơi lớn với Casemiro.
Từ góc nhìn của Real Madrid, những vị khách tới từ Old Trafford quả thật không khác gì những ông già Noel. Dù tình hình tài chính vẫn đang rất ổn, Real Madrid hiểu rằng họ cần bán được ít nhất một ngôi sao để cân đối thu-chi. Dù vẫn đánh giá rất cao tài năng của Casemiro và sự ăn ý giữa anh với bộ đôi Toni Kroos, Luka Modric, lãnh đạo Real có lẽ đã bật champagne khi nhận được cuộc gọi từ M.U. Sau tất cả, họ đã sớm tính tới việc thay thế Casemiro, thể hiện qua việc chi rất nhiều tiền cho bộ đôi tiền vệ trẻ Aurelien Tchouameni và Eduardo Camavinga.
Vụ Casemiro, do đó, không thể được xem là một thắng lợi của M.U trên thị trường chuyển nhượng, dù về mặt chuyên môn, cầu thủ người Brazil chắc chắn là một sự bổ sung tuyệt vời. Họ có thể mua được một cầu thủ khác phù hợp hơn (với phong cách của Ten Hag), hoặc mua chính Casemiro với giá hợp lý hơn, nếu không tự đẩy mình vào thế khó. Câu hỏi là, tại sao M.U luôn tự đẩy mình vào thế khó, dù đang có một bộ máy chuyển nhượng khổng lồ với rất nhiều đại diện?
Hỏi cũng là trả lời. Chính việc bộ máy chuyển nhượng của M.U “khổng lồ” như thế là lý do họ hoạt động không hiệu quả trên thị trường. Có quá nhiều người “có trách nhiệm”, trong khi giữa những con người này lại không có sự phân công cụ thể, và một ai đó chịu trách nhiệm cuối cùng. Một ví dụ là vụ hỏi mua Darwin Nunez. Đại diện của Nunez thú nhận họ sốc khi nhận được các cuộc gọi từ quá nhiều người từ Old Trafford, trong đó có cả CEO mới Richard Arnold lẫn những người thân cận với Ten Hag. Kết quả thế nào thì đã rõ.
Thực tế là hiện tại, M.U đang có quá nhiều người có và muốn có tiếng nói trong các vụ chuyển nhượng. Đầu tiên tất nhiên là Arnorld. Rồi sau đó là John Murtough, nhân vật được xem là giám đốc thể thao của M.U (dù Quỷ đỏ chưa có chức danh này). Darren Fletcher ở cương vị giám đốc kỹ thuật cũng là một vị trí gây bối rối. Ở bộ phận chuyển nhượng M.U cũng mới đón về Tom Keane, anh trai của Michael và Will Keane, hai hậu vệ trưởng thành từ lò Carrington. Kees Vos, người đại diện của Ten Hag, cũng là một nhân vật có tiếng nói. Kees Vos còn là đại diện của Lisandro Martinez, Cody Gakpo và Hakim Ziyech, những người đã và đang được liên hệ với M.U.
Ở hậu trường còn nhiều cái tên nữa có thể ít được nhắc tới nhưng luôn có vai trò nhất định trong việc M.U chọn mua ai và mua như thế nào. Ví dụ Sam Barnett, người chịu trách nhiệm xử lý hợp đồng của cầu thủ và người đại diện của họ. Hay Steve Brown, trưởng bộ phận tuyển trạch, và Dominic Jordan, giám đốc phòng khoa học dữ liệu… Ấy thế nhưng trong rất nhiều trường hợp, M.U vẫn phải nhờ tới người ngoài, ví dụ tay cò lão luyện Pini Zahavi, đóng vai trò tư vấn hay kết nối, hoặc cả hai.
Song dù ai làm việc và ai tham gia, thì có một thực tế chẳng ai phủ nhận được: quy trình chuyển nhượng của M.U hiện quá rối rắm, và thiếu hiệu quả.
Casemiro chỉ kịp làm khán giả
Casemiro sẽ không kịp có mặt trong trận MU vs Liverpool như kỳ vọng của các fan Quỷ đỏ. Lý do bởi sau khi kiểm tra sức khỏe, cầu thủ người Brazil còn phải giải quyết một số thủ tục liên quan tới visa lao động ở Anh.