Bản lĩnh bạc nhược
Dortmund được kỳ vọng lật đổ sự thống trị của Bayern Munich ở mùa giải này sau khi đối thủ đánh mất “thần công” Robert Lewandowski. Ngay cả khi tân binh Sebastien Haller gặp hạn, Dortmund vẫn khởi đầu mùa giải mới đầy ấn tượng với 2 chiến thắng trước Leverkusen và Freiburg.
Edin Terzic trong lần chính thức trở thành HLV trưởng của Dortmund cho thấy tiềm năng của một chiến lược gia hàng đầu. Cho dù mới 39 tuổi, nhưng ông đã sở hữu kinh nghiệm phong phú, từ thi đấu cho đến việc quản lý, và cả làm… trợ lý. Sự am hiểu của Edin Terzic từng giúp Dortmund hồi sinh ở mùa giải 2020/21 với vai trò HLV tạm quyền, và bây giờ, ông càng được kỳ vọng nhiều hơn.
Thế nhưng, Dortmund sau cùng vẫn mang hình hài của một con hổ giấy thường thấy ở các giải đấu lớn. Họ có nét giống với Arsenal trước đây, đội bóng thường xuyên bay cao khi không ai kỳ vọng và ngược lại. Sau khởi đầu giòn giã và được đánh giá như ứng cử viên vô địch hàng đầu bên cạnh Bayern, Dortmund lập tức rơi mặt nạ.
Trận thua ngược 2-3 Werder Bremen vừa qua sốc về kết quả, nhưng không gây bất ngờ về bản chất. Không ai có thể tưởng tượng một đội bóng cửa trên có thể thua ngược trên sân nhà sau khi dẫn trước đối thủ 2-0 đến phút chót. Các bàn thắng của Bremen, đội vừa trở lại Bundesliga mùa này, khiến các khán đài Signal Iduna Park choáng váng.
Nhưng sau khi cú sốc ấy qua đi, người ta sẽ nhận thấy Dortmund thua theo đúng bản chất mong manh của họ. Từ lâu, đội bóng áo vàng-đen không vận hành để đua tranh danh hiệu. Họ được xây dựng, duy trì để làm ăn có lãi với thành tích chấp nhận được, trong đó, tấm vé dự Champions League được xem là một “danh hiệu lớn”.
Các mỹ từ và sự kỳ vọng dành cho Dortmund luôn trở thành vô nghĩa, cho đến khi nào CLB này thay đổi chính sách chuyển nhượng, ngừng bàn các ngôi sao mỗi mùa hè. Tuy nhiên, điều đó có lẽ còn lâu mới xảy ra.
Ám ảnh quá khứ
Thực chất, giới mộ điệu cũng khó trách được cách làm bóng đá thực dụng của Dortmund. Cách đây chưa đầy 20 năm, đội bóng áo vàng-đen đã chìm vào khủng hoảng tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì chi tiêu bạt mạng, vung tay quá trán.
Năm 2005, Dortmund không thể chi trả tiền trả góp mua sân vận động Westfalenstadion. Cuối cùng, họ chấp nhận bán quyền đặt tên sân cho công ty bảo hiểm Signal Iduna theo thỏa thuận kéo dài đến năm 2031.
Cùng thời điểm, Dortmund cũng không có tiền để trả lương cho các cầu thủ, đẩy đội bóng vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng có. Lúc này, họ phải nhờ cậy cả kình địch Bayern Munich để xoay xở qua ngày.
Dortmund đã cần rất nhiều cố gắng và cả sự may mắn để vượt qua cuộc khủng hoảng đó, trở thành CLB tự cường như hiện nay. Họ không có lý do gì để thay đổi, khi mô hình hiện tại vẫn vận hành trơn tru. Thay vì cạnh tranh danh hiệu, Dortmund tự biến mình thành cái nôi đào tạo các tài năng trẻ tiềm năng nhất châu Âu. Đó là lý do mỗi năm, họ đều “xuất khẩu” ít nhất một ngôi sao đắt giá và thu về lợi nhuận khổng lồ.
NHM lâu năm của Dortmund có lẽ cũng phải chấp nhận với thực tế này: CLB của họ sẽ theo đuổi bóng đá đẹp, sở hữu nhiều tài năng trẻ xuất sắc, có những giai đoạn thăng hoa tuyệt đỉnh nhưng… trắng tay vào cuối mùa giải. Đó đơn giản là con đường họ đã chọn, có làm hổ giấy cũng chẳng sao.
Dortmund thu hơn 800 triệu euro trong 8 năm
Kể từ sau khi sa thải Juergen Klopp vào năm 2015, Dortmund chính thức trở thành CLB bán cầu thủ. Trong vòng 8 năm qua, họ đã thu về tổng cộng 836 triệu euro từ việc bán cầu thủ (theo transfermarkt). Trung bình mỗi năm, Dortmund đạt doanh thu hơn 100 triệu euro từ thị trường chuyển nhượng.