Cristiano Ronaldo đã quay lại Old Trafford và có màn toả sáng trước Newcastle cuối tuần trước. HLV Ole Gunnar Solskjaer đã nở nụ cười khi Man United chiếm ngôi đầu bảng. Nhưng gương mặt của ông ta cùng các thành viên BHL lộ rõ vẻ căng thẳng. Đúng thôi, họ đang phải quản lý một cầu thủ vĩ đại hơn chính họ rất nhiều.
Nguyên tắc 1: Chinh phục cái Tôi của Ronaldo
“Một đêm nọ, chúng tôi trở về sau một trận đấu trên sân khách tại Champions League. Đá xong thì còn phải kiểm tra doping nữa nên khi rời sân thì đã rất muộn, sau đó đến sân bay và đợi hành lý được chất lên máy bay. Vì thế mà chúng tôi thường về đến sân tập Madrid lúc 3 giờ hoặc 4 giờ sáng”.
Paul Clement, trợ lý cũ của HLV Carlo Ancelotti tại Real Madrid cách đây vài năm, nhớ lại cảnh tượng quen thuộc trong những năm tháng mà cả sân Bernabeu nhảy múa theo bước chạy của siêu sao Cristiano Ronaldo
“Hôm sau không phải là ngày nghỉ. Các cầu thủ sẽ tập luyện vào buổi chiều và hai ngày nữa là trận đấu tiếp theo. Vì vậy, các cầu thủ thường nhanh chóng xuống xe buýt, lấy đồ và chạy nhanh qua cổng. Cũng phải thôi, đã gần sáng rồi. Phải nghỉ ngơi chứ”.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy.
“Tôi thấy Cristiano rủ Pepe và Fabio Coentrao đi về phía toà nhà chính: Đi ngâm nước lạnh nào các cậu. Khi đó là 4 giờ sáng và cậu ta không chỉ làm việc đó một mình mà còn rủ người khác tham gia. Cực kỳ chuyên nghiệp. Đó là những điều Ronaldo đã lặp đi lặp lại và chính những hành động tưởng chừng nhỏ bé nhưng cực kỳ hiệu quả ấy đã đưa anh lên cấp độ siêu phàm”.
Ronaldo như một cầu thủ xuất hiện trong giấc mơ của các HLV. Những thành tích, những kỷ lục, số danh hiệu và giải thưởng cá nhân của Ronaldo đủ để lấp đầy một căn phòng. Nó cho thấy nỗi ám ảnh 24/7 của Ronaldo về việc trở thành cầu thủ xuất sắc nhất.
Nhưng vẫn còn đó những thách thức dành cho HLV Ole Gunnar Solskjaer lẫn Man United khi nói đến việc quản lý Ronaldo.
Sir Alex Ferguson đã đúng. Ancelotti cũng vậy. Luiz Felipe Scolari cũng là một HLV mà Ronaldo coi như “cha mình”. Và điểm chung giữa những người đàn ông này là họ đã dành những điều tốt nhất cho Ronaldo: họ biết Ronaldo là một cầu thủ đặc biệt, vì vậy được đối xử một cách đặc biệt.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Ronaldo với rất nhiều HLV khác như Jose Mourinho, Rafa Benitez, Carlos Queiroz, Maurizio Sarri lại không tốt đẹp, nhiều rạn nứt hay đổ vỡ hoàn toàn. Đó chính là bởi những nhà quản lý này không xử lý được cái Tôi của Ronaldo. Nguyên tắc vàng mà ai cũng cần nhớ khi làm việc với Ronaldo: Hãy luôn làm cho anh ta hạnh phúc. Nhưng đôi khi điều đó nói thì dễ hơn làm.
Bài học đầu tiên có lẽ là hãy biết cách chiều chuộng Ronaldo. Phải chinh phục được cái Tôi của cầu thủ này. Ronaldo cần cảm thấy được yêu thương. Anh muốn cảm thấy mình quan trọng, vì vậy hãy đối xử với Ronaldo như một vị vua. Thành thật mà nói, Ronaldo mang tư duy của một người luôn tin rằng khuôn mặt của mình nên được in lên những tờ tiền.
“Tôi nhớ một câu chuyện. Tôi đã được phỏng vấn trên đài phát thanh về sự phát triển trong tương lai của Ronaldo và đã nói rằng tôi hy vọng Ronaldo sẽ khiến chúng ta quên đi Eusebio và Luis Figo. Trong vòng một giờ, luật sư của tôi đã nghe hàng trăm cuộc điện thoại.
Anh ấy là một CĐV của Benfica và có vai trò trong HĐQT của CLB. Anh ta nói rằng tôi điên rồi còn các CĐV Benfica phản đối dữ dội. Đối với họ, Eusebio giống như nữ ca sĩ Amalia Rodrigues – Nữ hoàng nhạc Fado của Bồ Đào Nha. Nếu bạn tỏ ra thiếu tôn trọng cô ấy, mọi người sẽ chống lại bạn.
Tôi khẳng định chỉ có chấn thương mới ngăn cản Ronaldo trở thành huyền thoại. Vị luật sư không tin và chúng tôi đã đánh cược: nếu Ronaldo trở nên vĩ đại thì tôi thắng một chai Champagne hảo hạng, và ngược lại. Sau khi Ronaldo đoạt Quả Bóng Vàng đầu tiên, tôi được nếm vị Champagne tuyệt vời”, Laszlo Boloni, cựu HLV của Ronaldo ở Sporting Lisbon kể lại.
Một HLV khéo léo sẽ hiểu rằng đó là sự trao đi xứng đáng.
Nguyên tắc 2: Ronaldo phải là trung tâm vũ trụ
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ancelotti ở Madrid, ông đã có cuộc trò chuyện quan trọng với cầu thủ ngôi sao của đội. Ancelotti tin rằng 4-3-2-1 là sơ đồ tốt nhất cho đội bóng. Nhưng có một lý do khiến HLV từng ba lần vô địch cúp C1 châu Âu không triển khai sơ đồ này ở Madrid: Ronaldo không thích nó.
Clement nói: “Carlo đã dựng nên đội hình đó trước khi gặp các cầu thủ. Khi đó Ronaldo còn là một tiền vệ cánh. Anh ta đến gặp Carlo và nói rằng mình cảm thấy thoải mái hơn khi chơi bên cánh trái để rê dắt, chuyền, tạt và sút bóng như anh vẫn đang làm.
Một trong những điểm mạnh nhất của Carlo với tư cách là một HLV là sự nhạy cảm. Ông liền nói: Chà, cậu phải thoải mái, đó là điều quan trọng nhất. Vì lẽ đó, Ancelotti đã chỉnh lại hệ thống chiến thuật để giúp Ronaldo hài lòng nhất. Nếu là HLV khác, ông ta có thể đã muốn áp đặt và cho mọi người biết rằng ai là ông chủ.
Nhưng Ancelotti nhận ra rằng làm theo mong muốn của Ronaldo cũng có thể mang về lợi ích cho bản thân. Và đừng nhầm điều đó với cái gọi là “quyền lực của cầu thủ” hoặc nghĩ rằng Ronaldo hỗn xược. Carlo trò chuyện với Ronaldo và nảy ra ý tưởng đó. Vậy thôi!”.
Ít nhất thì Solskjaer sẽ không phải lo lắng về vị trí tốt nhất của Ronaldo lúc này. Ở tuổi 36, Ronaldo đã tự điều chỉnh để hoạt động như một tiền đạo trung tâm, dù vẫn có thể đảo vị trí. Nhưng Benitez thì đã thất bại khi kế nhiệm Ancelotti tại Bernabeu vào năm 2015. Benitez đã từ chối thực hiện mong muốn của Ronaldo.
“Sai lầm lớn nhất là cố gắng ép Ronaldo vào hệ thống hoặc đặt hệ thống lên trước cầu thủ. Đó là những gì Rafa đã cố gắng làm trong khi cần làm điều ngược lại: xây dựng đội bóng xung quanh Ronaldo. Một sai lầm lớn đôi khi xảy ra khi HLV mong đợi Ronaldo cư xử như một cầu thủ bình thường”, một người ở Real nói.
Aitor Karanka, trợ lý cũ của Mourinho tại Madrid, có quan điểm hơi khác: “Một cầu thủ như Ronaldo luôn khác biệt nhưng với Jose, đội bóng luôn đứng trên các cá nhân. Mourinho cần Ronaldo ghi bàn như mọi khi, nhưng cũng có lúc ông cần cầu thủ này phòng ngự. Ông muốn Ronaldo biết rằng, ngoài việc ghi bàn, cậu ta cũng cần tuân theo chiến thuật nữa”.
Có phải Ronaldo luôn muốn chứng tỏ rằng anh là cầu thủ giỏi nhất thế giới?
“Chính xác,” Karanka nói. “Ai cũng muốn được công nhận là người xuất sắc nhất. Đôi khi đó là động lực. Khi không nhận được lời khen, bạn sẽ muốn chứng tỏ mình vào ngày hôm sau. Nhưng Ronaldo sẽ nói thẳng: Anh không thấy rằng tôi là người giỏi nhất à?”.
Mối quan hệ giữa Mourinho và Ronaldo cơ bản là đã tìm được sự cân bằng phù hợp. Real đã vô địch La Liga vào thời điểm mà nhiều nhà quan sát cho rằng Pep Guardiola đã tạo nên một Barcelona đẹp mắt nhất trong lịch sử. Mối quan hệ của Mourinho với Ronaldo có thể đã xấu đi đáng kể, nhưng ít nhất cũng có những thời điểm họ cảm thấy hạnh phúc.
Nguyên tắc 3: Đừng thách thức Ronaldo
Theo thời gian, Mourinho dường như quên mất rằng ông đang phải đối mặt với một cá nhân phức tạp và nhạy cảm, người trước hết cần cảm nhận được tình cảm từ HLV của mình. Nhưng Benitez, người đã đến và bị sa thải tại Real nhanh như một cơn lốc, không bao giờ quan tâm đến điều đó.
Khi các nhà báo Tây Ban Nha hỏi Benitez trong cuộc họp báo đầu tiên, rằng liệu ông có coi Ronaldo là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hay không, thì câu nói xa xỉ nhất mà ông này dành cho Ronaldo là: “một trong những người giỏi nhất”. Khi nhậm chức, Benitez đã đến thăm ĐT Xứ Wales để gặp gỡ Gareth Bale đầu tiên.
Vấn đề xảy ra: mọi người đều cho rằng Ronaldo không được đối xử theo cách tương tự. Và vậy là mối quan hệ bắt đầu xấu đi. Có lẽ Benitez từ chối việc chinh phục cái Tôi của Ronaldo.
Hay ông ta là một HLV kém tài? Dễ thấy nhất là Benitez đã quá xa cách với cầu thủ, quá độc đoán, không bao giờ tìm ra công thức phù hợp với Ronaldo và hậu quả là cả đội cùng hứng chịu. Ronaldo là Ronaldo, HLV không có cửa giành chiến thắng trong trận chiến này.
Benitez chỉ ở Bernabeu trong 7 tháng và ngay sau khi ông bị sa thải, ông đã ủy quyền cho một nhân viên đưa cho Ronaldo một chiếc USB chứa những clip chứng minh việc anh đã đánh mất phong độ. Ronaldo không thèm để ý đến nó và gửi lại một tin nhắn: “Nói với Benitez rằng tôi sẽ gửi một chiếc USB có tất cả các thành tích của tôi để ông ta nghiên cứu”.
Nói chuyện với Ferguson về Ronaldo, điều đầu tiên bạn nhận thấy là ánh sáng loé lên trong đôi mắt ông ấy. Ông ấy thích nói về cậu bé mà ông đã vượt mặt Arsenal và Liverpool để sở hữu. Ferguson không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nói chuyện với Ronaldo và luôn thể hiện tình cảm với cậu học trò cũ.
“Cristiano Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà tôi từng dẫn dắt. Cậu ta vượt qua tất cả những cầu thủ vĩ đại khác mà tôi từng huấn luyện ở Man United”, Ferguson viết trong cuốn tự truyện của mình. Đó là sự ngưỡng mộ song phương và không có gì đáng ngạc nhiên về sự tôn trọng lâu dài mà họ dành cho nhau. Nó cực kỳ sâu sắc chứ không chỉ đơn thuần là bóng đá.
Ronaldo chưa bao giờ quên sự ủng hộ của Ferguson dành cho anh sau cái chết của cha anh năm 2005, hay cách mà Sir Alex ủng hộ mình sau chiếc thẻ đỏ mà Wayne Rooney phải nhận khi ĐT Anh gặp Bồ Đào Nha tại World Cup 2006. Ai có thể quên cái nháy mắt của Ronaldo ngay sau khi Rooney bị đuổi khỏi sân?
Ronaldo bị các tờ báo lá cải ở Anh công kích đến mức anh đã cân nhắc nghiêm túc việc từ bỏ Man United và Premier League. Ferguson đã bảo vệ cầu thủ một cách quyết liệt, đích thân bay đến Bồ Đào Nha để nói những lời bất cứ ai trong phút yếu lòng cũng muốn nghe. “Cậu là một trong những cầu thủ dũng cảm nhất thế giới khi đến với Man United nhưng không can đảm chút nào nếu chọn cách bỏ đi”.
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Ronaldo được miễn nhiễm với những pha nắn gân kiểu “máy sấy tóc” của Ferguson. Không có nhiều HLV dám mắng mỏ Ronaldo nhưng Ferguson thì dám làm như thế. Chẳng hạn như lần Man United đụng Benfica ở Champions League và Ronaldo quá khao khát thể hiện bản thân trước cừu địch của đội bóng cũ Sporting, đến nỗi anh đã mắc sai lầm kinh điển.
“Trận đấu đã trở thành The Cristiano Ronaldo Show. Cậu ta đã cố gắng thể hiện kỹ năng của mình và mọi thứ sai bét. Chúng tôi đã thua và sau đó HLV đã tẩn Ronaldo: Tự thi đấu theo ý thích? Mày nghĩ mày là ai?”, Rio Ferdinand viết trong cuốn tự truyện của mình.
“Ferguson biết Ronaldo là chìa khóa của thành công. Rất nhiều HLV sẽ sợ hãi khi đối mặt với những cầu thủ như thế. Tôi chưa bao giờ thấy các HLV của ĐT Anh dám quát David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard hay Wayne Rooney theo kiểu đó. Nhưng Ferguson sẽ trị bất cứ ai một cách công tư phân minh. Nếu bạn là người chân chính và muốn nói, ông ấy sẵn sàng mở lòng với bạn”.
Một giả thuyết trong phòng thay đồ cho rằng, nếu Ferguson có thể loại cả Ronaldo, đó là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người. “Đó là cách Ferguson nói với toàn đội: Không quan trọng các anh là ai, tốt hơn hãy thể hiện theo đúng cách”, Ferdinand kể.
Ferguson là một bậc thầy về quản lý và đắc nhân tâm. Tuy nhiên, đó rõ ràng không phải là một trải nghiệm phổ biến mà một cầu thủ ngôi sao có thể may mắn bắt gặp. Ông cũng đứng về phía Ronaldo khi Ruud van Nistelrooy bắt nạt đàn em ngay trên sân tập vì không chuyền cho anh ta. Một lần nữa, HLV thành công nhất trong lịch sử Man United cho thấy rằng lòng trung thành sẽ được đền đáp.
Nguyên tắc 4: Ronaldo không cần HLV thúc đít
Thật dễ hiểu tại sao Roy Keane lại nói rằng Ronaldo là người đồng đội thông minh nhất mà ông từng sát cánh.
Boloni, HLV của Ronaldo ở Sporting, nói: “Về mặt chiến thuật, cậu ấy biết mọi thứ. Đôi khi Ronaldo cố gắng rê bóng, phạm lỗi và để mất bóng. Tôi sẽ chỉ hét lên: Ronaldo và trong giây phút tiếp theo, cậu ta biết chính xác những gì cần phải làm. Tôi không phải giải thích chi tiết nhưng cầu ta biết chạy chính xác vào đúng chỗ hoặc giành lại bóng đúng như tôi muốn.
Chắc chắn, Ronaldo là một tiền đạo thực thụ bởi cậu ta không thích phòng ngự. Nhưng nếu đội bóng cần Ronaldo làm nhiệm vụ phòng ngự, cậu ta sẽ làm điều đó. Ngay cả bây giờ, cậu ta vẫn lùi về để cùng các đồng đội phòng thủ phạt góc. Ronaldo không phải là người gây ra vấn đề cho HLV”.
Dòng cuối cùng đó không hoàn toàn đúng với Queiroz khi ông này làm HLV trưởng ĐT Bồ Đào Nha bởi sự xích mích đã nảy sinh giữa cặp đôi này. Ronaldo luôn hiểu rõ sức mạnh của tiếng nói bản thân. “Hãy hỏi Queiroz”, anh trả lời khi được yêu cầu giải thích về màn trình diễn đáng thất vọng tại World Cup 2010.
Queiroz đã bị sa thải sau giải đấu và, theo cuốn sách xuất bản năm 2015 của Guillem Balague về Ronaldo, Queiroz đã không bao giờ nói chuyện lại lần nào nữa với cầu thủ này.
Chúng ta cũng không nên quên phản ứng của Ronaldo khi Sarri can đảm thay anh ở phút 55 trong trận Juventus gặp AC Milan (Ronaldo đi thẳng xuống đường hầm, tắm rửa và rời SVĐ trước khi trận đấu kết thúc).
Hoặc sự thay đổi thái độ của Ronaldo trong năm cuối cùng của mình ở Manchester (nếu mọi thông tin từ báo chí đều chính xác), khi trái tim anh ấy hướng về Real Madrid và tạo ra ấn tượng rằng anh ấy coi Old Trafford như một nhà tù năm sao (dẫn lời Ronaldo: Tôi là một nô lệ).
Cuối cùng là trận derby Manchester vào cuối mùa giải 2008/09 khi Ferguson thay anh trước khi hết giờ và phản ứng tức giận của Ronaldo đã dẫn đến một lời cảnh cáo công khai hiếm hoi từ Sir Alex. “Nó không thể có được mọi thứ theo ý muốn của mình”, Ferguson nói với giới truyền thông sau đó.
Ở giai đoạn đó, Ronaldo chỉ còn ở Old Trafford vài tuần nữa và Ferguson, tất nhiên, biết điều đó. Mặc dù vậy, đối đầu với Ronaldo nhìn chung không phải là ý kiến hay. Bên cạnh đó, không mấy khi anh ấy cần một màn roi vọt từ chính HLV của mình.
“Không bao giờ, và tôi cũng chưa từng thấy Ancelotti làm vậy”, Clement khẳng định khi được hỏi liệu ông đã bao giờ thấy điều đó. Clement trước đây đã từng là HLV của Chelsea và PSG. Ông có một trong những bản lý lịch ấn tượng hơn bất kỳ HLV người Anh nào, đã từng làm việc tốt với Zlatan Ibrahimovic và sau đó là dàn Galacticos của Madrid.
Ở Madrid, ông không chỉ là một HLV có chuyên môn mà trở thành bạn tâm giao với Ronaldo, thấu hiểu điều gì khiến anh quan tâm và tìm cách phát huy hết khả năng của ngôi sao số 1 này.
“Trước đây, tôi đã từng gặp những cầu thủ xuất sắc nhất, họ rất khôn ngoan. Họ thích nói về bản thân, những gì đã và đang làm, hay những gì đang phấn đấu. Nhưng Ronaldo lại giống như một chàng trai bình thường. Chúng tôi đã trò chuyện về mọi thứ: cuộc sống gia đình, công việc kinh doanh hay quan điểm nhân sinh.
Ronaldo là mẫu cầu thủ không bao giờ phải để HLV thúc vào lưng mình. Cậu ta tự biết phải làm gì cho bản thân. Khi họp toàn đội, một số cầu thủ thường đến cuối cùng cho dù vẫn đúng giờ. Họ nhận lương cao nhưng thích đến muộn nhất và ngồi phía sau. Trong khi đó, Ronaldo, Casillas, Ramos, Pepe luôn đến sớm 5 hoặc 10 phút và ngồi ở hàng ghế đầu”, Clement nói.
Solskjaer là kiểu HLV gần gũi, luôn cố gắng trở thành người bạn tâm lý đối với các cầu thủ. Nhưng Ronaldo đã trở lại Man United và việc ngôi sao này mong đợi một vai diễn chính có thể tạo ra những vấn đề, trong đó khúc mắc lớn nhất là làm thế nào để Ronaldo không đòi thi đấu mọi phút, mọi trận đấu.
Thêm vào đó, Kieran McKenna và Michael Carrick cũng sẽ gặp thách thức tương tự với tư cách là thành viên huấn luyện đội một của Man United. Làm thế nào để huấn luyện một cầu thủ đã đạt tới đẳng cấp cao nhất? Làm thế nào để nói với người đã 5 lần giành Quả Bóng Vàng rằng anh ta có thể làm gì để tốt hơn? Rất khó.
Clement nói: “Có rất nhiều điều không thể huấn luyện Ronaldo. Chúng ta tạo ra khuôn khổ và kỉ luật, nhưng điều quan trọng hơn là cần cung cấp môi trường thích hợp để anh ta phát triển. Carlo rất giỏi trong việc quản lý khía cạnh đó – cứng rắn nhưng công bằng, đòi hỏi sự tôn trọng song phương: Tôi là HLV, anh là cầu thủ. Tôi tôn trọng công việc của anh và anh phải tôn trọng công việc của tôi.
Nhiều người có thể hiểu sai về điều này. Nhiều HLV danh tiếng đã không thể hòa mình vào dòng chảy. Không phải họ bất tài, có lẽ, họ chỉ quá sa đà vào kỉ luật và chiến thuật khô cứng mà thôi”.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế rằng Ronaldo đang có những rắc rối trong cuộc sống cá nhân và một vụ kiện dân sự liên quan đến cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ trong kỳ nghỉ ở Las Vegas năm 2009 vẫn đang được tiến hành tố tụng tại Mỹ.
Nhưng thật dễ hiểu tại sao một cựu HLV khác của Ronaldo dự đoán sự hiện diện của ngôi sao này tại Old Trafford sẽ là “cơ hội cấp bằng thạc sĩ cho Marcus Rashford, Mason Greenwood, cho cả đội ngũ HLV và nhân viên y tế của Man United”.
“Mọi người nói về việc Cristiano là một con quái vật trong quá trình tập luyện. Cậu ta là một cỗ máy, làm một cách xuất sắc những điều nhàm chán và khô cứng. Đổi lại, Ronaldo mong đợi sự khổ luyện sẽ được đáp lại bằng những màn trình diễn chói sáng.
Không ai có thể lơ là tập luyện hay có một ngày nghỉ lười biếng với Ronaldo. Thái độ của cầu thủ này rất dễ lan toả. Nó gây áp lực lên tất cả mọi người để nâng cao trình độ của họ. Nếu bạn cho Ronaldo xem một video, anh ta muốn video đó phải rõ ràng và chính xác, hoặc sẽ thắc mắc nếu phải nghe một bài thuyết trình lộn xộn”, Clement bổ sung cho quan điểm đó.
“Một ngày nọ, cậu ta hỏi tôi về ngữ pháp tiếng Anh. Ronaldo kéo tôi sang một bên và hỏi: Paul, cụm động từ trong tiếng Anh là gì? Tôi phải nói rằng tôi cũng không rõ. Ông là người Anh cơ mà? Ronaldo đã ở Madrid được 4 năm vào thời điểm đó nhưng vẫn học tiếng Anh”, Clement bật cười.
Tất cả những điều này giúp giải thích lý do tại sao Ferguson sau 8 năm an hưởng tuổi già vẫn làm mọi cách để can thiệp nhằm đưa Ronaldo trở lại Old Trafford sau khi có thông tin anh sẽ gia nhập Man City. “Hãy xem đoạn phim cũ khi Ferguson nói chuyện với Ronaldo. Cánh tay của ông luôn ôm lấy cậu ấy”, Phil Neville, cựu cầu thủ Man United chỉ ra.
Những HLV đối xử với Ronaldo theo cách này có xu hướng được đền đáp xứng đáng. Đó có lẽ là điều Solskjaer và các thành viên BHL của mình cần nghiên cứu để có thể quản lý được Ronaldo hoàn hảo như Alex Ferguson của hơn 12 năm trước.