Tối qua, HLV Trần Tiến Đại, người sẽ rời vị trí “thuyền trưởng” CLB Công an Hà Nội đã có một chia sẻ đáng chú ý xoay quanh khoản tiền thưởng vô địch của đội bóng. Ông nói: “Chưa có một đội nào trong lịch sử như CLB CAHN, dù vô địch nhưng cầu thủ không có tiền thưởng từ CLB. Gần một tháng nay, chúng tôi làm đủ mọi cách để đụng vào lòng trắc ẩn, danh dự của cầu thủ để họ thi đấu trong bối cảnh không được nhận tiền thưởng của CLB. Tôi mong mùa giải năm nay sẽ thay đổi để các cầu thủ chơi tập trung”.
Liên quan đến việc này, một lãnh đạo của nhà đương kim vô địch V.League cho biết: Toàn bộ tiền thưởng chức vô địch của CLB từ VPF (5 tỷ đồng) đã được chi thưởng cho Ban huấn luyện, cầu thủ. Thậm chí, CLB CAHN còn chịu thuế thu nhập cho khoản thưởng của VPF. Các khoản thưởng khác theo như thưởng thắng từng trận được thực hiện quy chế của đội bóng đã được đề ra trước đó. Thông tin này cũng đã được thông báo chính thức trên website và fanpage của đội bóng.
Trước CLB Công an Hà Nội, đa số các đội bóng vô địch V.League đều được thưởng 2 khoản. Thứ nhất là tiền thưởng vô địch được BTC quy định ở mỗi mùa. Thứ hai đến từ lãnh đạo CLB, ông bầu, nhà tài trợ, cho đến lãnh đạo địa phương. Với trường hợp CLB Hà Nội (trước kia là Hà Nội T&T), đội luôn được thưởng hơn 10 tỷ đồng cho 2 khoản kể trên.
Với trường hợp của Viettel vô địch V.League 2020, ngoài được thưởng 3 tỷ đồng từ BTC giải, đội bóng còn nhận 5 tỷ đồng từ Tập đoàn Viettel và 1 tỷ đồng từ Bộ Quốc phòng. Với trường hợp CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017, đội được thưởng 3 tỷ đồng từ BTC giải, 200 triệu từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, 100 triệu từ 1 doanh nghiệp Quảng Nam và không dưới 3 tỷ đồng từ bầu Hiển.
CLB Bình Dương vô địch V.League 2014 và 2015 cũng được thưởng từ 8-10 tỷ đồng/mùa từ BTC giải, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo CLB.
Danh sách tiền thưởng của các đội vô địch V.League trong 10 năm qua (*) Không tính tiền thưởng từng trận do mỗi đội quy định riêng V.League 2023: CLB Công an Hà Nội (5 tỷ đồng từ BTC giải) V.League 2022: CLB Hà Nội (3 tỷ từ BTC giải, hơn 7 tỷ từ bầu Hiển) V.League 2021: Giải dừng giữa chừng V.League 2020: Viettel (3 tỷ từ BTC giải, 5 tỷ từ Tập đoàn Viettel, 1 tỷ từ Bộ Quốc phòng) V.League 2019: CLB Hà Nội (3 tỷ từ BTC giải, hơn 7 tỷ từ bầu Hiển) V.League 2018: CLB Hà Nội (3 tỷ từ BTC giải, hơn 7 tỷ từ bầu Hiển) V.League 2017: Quảng Nam (3 tỷ từ BTC giải, 200 triệu từ Tỉnh Quảng Nam, 100 triệu từ doanh nghiệp Quảng Nam, không dưới 3 tỷ đồng từ bầu Hiển) V.League 2016: CLB Hà Nội (3 tỷ đồng từ BTC giải, 10 tỷ đồng từ bầu Hiển và nhà tài trợ) V.League 2015: Bình Dương (3 tỷ từ BTC, 5 tỷ từ lãnh đạo CLB Bình Dương) V.League 2014: Bình Dương (4 tỷ từ BTC, 1 tỷ từ lãnh đạo tỉnh, 5 tỷ từ lãnh đạo CLB) V.League 2013: CLB Hà Nội (4 tỷ từ BTC, 3 tỷ từ bầu Hiển). |