Một cầu thủ đang chơi như “lên đồng”, về nguyên lý, anh ta phải được xếp đá trận tiếp theo. Thế nhưng, điều đó không trở thành câu chuyện có logic với Vũ Văn Thanh. Tức, có hay đến mấy và có xuất sắc cỡ nào thì anh ta cũng phải ngồi dự bị!
HLV Park Hang Seo mang đến những thành công rực rỡ cho bóng đá Việt Nam nhờ mở lối đi riêng từ chiến thuật cho đến cách chọn lựa con người. Rõ nhất, giới chuyên môn thường đề cập đến câu chuyện nhà cầm quân người Hàn Quốc “không đóng đinh” mà luôn mở rộng cơ hội lên đội tuyển quốc gia với tất cả các cầu thủ.
Thực tế, ông Park đã và đang mở một cuộc sàng lọc trên diện rộng nhằm “đãi cát tìm vàng” từ bình diện giải hạng Nhất cho đến V-League. Có những thời điểm, đội tuyển Việt Nam gom đến gần 4 đội hình. Thế nhưng, khi chốt danh sách, chỉ còn lại những gương mặt quen thuộc đã đồng hành với ông Park trong 4-5 năm qua. Nếu có những người mới, quyền được ưu ái được dành cho những tài năng kế cận.
Trước mỗi giải đấu, người ta cũng thường đưa ra những đoán định về đội hình thi đấu của HLV Park Hang Seo. Đã từng có những bất ngờ từ những chọn lựa, nhưng hầu hết nó đến từ việc xoay chuyển vị trí chứ không phải… đổi người. Cụ thể, ông Park chủ yếu xoay quanh khoảng 17-18 cầu thủ cho bộ khung chính, rồi xoay chiến thuật xoay quanh những con người đó.
Đề cao tính ổn định đã là một quan điểm nhất quán của HLV Park Hang Seo. Thậm chí, khá nhiều lần, nhà cầm quân người Hàn gọi những cầu thủ đang dính chấn thương lên đội tuyển. Đó giống như một sự đặc ân của Park. Đồng thời, ông muốn nhắn gửi cách học trò luôn giữ vững tình cảm và sự trung thành với đội tuyển cũng như cá nhân ông.
Lấy ví dụ, Trần Đình Trọng gặp chấn thương nặng nhưng vẫn có mặt trong những lần tập trung của đội tuyển. Nhiều người nói, Trọng là “gà cưng” của ông Park, nên anh lên tuyển chẳng lấy khó hiểu. Như đã nói ở trên, câu chuyện không chỉ nằm ở tình cảm mà còn cả sự chờ đợi ở tính chuyên môn. Nên nhớ, cầu thủ của câu lạc bộ Hà Nội từng trở thành sự lựa chọn số 1 của ông Park ở cấp độ U23 lẫn đội tuyển quốc gia.
Văn Thanh là một trong những người hùng tại giải U23 châu Á 2018. Hầu hết “thanh niên xuất anh hùng” tại Thường Châu năm ấy trở thành những nhân vật chính đóng góp vào thành công của đội tuyển Việt Nam. Cũng tiếc một số cầu thủ đã đã bị cuốn trôi trong danh vọng, không còn tìm lại được chính mình.
Văn Thanh được xem như một người đặc biệt bởi anh từng “biến mất” bởi một chấn thương tai ác. Rồi khi trở lại, Thanh phải chật vật đi tìm cho mình chỗ đứng, vốn dĩ như nhiều người hay nói, đáng lẽ nó phải thuộc về anh. Ngay cả khi, có trạng thái sung sức, hưng phấn nhất cũng không giúp Thanh thay đổi vị trí dường như đã được “đánh số” trên sa bàn.
Chẳng nói đâu xa, tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 diễn ra ở UAE, khi Trọng Hoàng dính thẻ phạt, Văn Thanh đã có mặt trong đội hình xuất phát gặp đội tuyển Indonesia. Cầu thủ sinh năm 1996 dã có một trận đấu xuất sắc và chính là người “khóa sổ” chiến thắng 4-0 cho đội nhà.
Đó là một “siêu phẩm” vượt gần cả trăm mét từ sân nhà, trước khi tung cứ cứa lòng bằng chân trái, đưa bóng găm vào nóc lưới. Nếu có thang điểm, Văn Thanh xứng đáng nhận được điểm số cao nhất trong số những cầu thủ đá chính.
Về nguyên lý, một cầu thủ đang chơi như “lên đồng”, anh ta phải được xếp đá trận tiếp theo. Thế nhưng, với Vũ Văn Thanh điều đó lại là một sự nghịch lý.
Cầu thủ người Hải Dương đã bị cất lên băng ghế dự bị để nhường chỗ cho Trọng Hoàng. Anh chỉ vào sân từ băng ghế dự bị nhưng vẫn có những đóng góp đáng kể trong chiếc thắng 2-1 trước Malaysia.
Đến trận thứ ba gặp UAE, họ Vũ thậm chí không được vào sân một phút nào. Cái khoảnh khắc, cả đội tuyển ăn mừng chiếc vé lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Văn Thanh vẫn vui hết nấc. Nhưng trong nụ cười, người ta cảm thấy có cái gì đó gường gượng trên môi của anh.
Đã có những tranh luận về cách sử dụng con người của HLV Park Hang Seo. Đại loại, có những thời điểm, không hiểu tại sao, nhà cầm quân người Hàn lại dùng cầu thủ A mà không là B, vốn phù hợp hơn…
Mỗi tranh luận, phản biện dù… có lý, có chính xác đi nữa đôi khi lại bị quy thành “HLV online”. Câu chuyện sử dụng ai, như thế nào trở thành “vùng cấm” không đụng đến nếu ông chuyên gia không muốn bị ném đá: “nếu hay thì làm thay làm HLV đội tuyển luôn đi, ngồi đó mà phán…”
Điều quan trọng nhất, Park đạt được mục tiêu đề ra và đấy là bằng chứng đanh thép để phản pháo lại những lời không hay hướng về ông.
Chuyện của Văn Thanh là một ví dự điển hình. Nhiều người cho rằng, cầu thủ này xứng đáng được một vị trí đá chính thay vì Trọng Hoàng. Đúng, nếu xét về phong độ, tinh thần, trạng thái sung sức thể thao, Văn Thanh xứng đáng hơn đàn anh.
Tuy nhiên, HLV Park Hang Seo lại không nghĩ như vậy. Trong con mắt nhà cầm quân này, Trọng Hoàng có kinh nghiệm và có thể làm nên sự khác biệt bởi có thể đi bóng, dứt điểm bằng 2 chân.
Rõ ràng, rất khó đặt Văn Thanh và Trọng Hoàng lên bàn cân, bởi mỗi người một quan điểm khác nhau. Và chúng ta cũng không phải là HLV Park Hang Seo, người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm cuối cùng.
Ở vòng loại thứ 3 cùng World Cup, có thể HLV Park Hang Seo sẽ lại sử dụng Trọng Hoàng, giống như đội tuyển vừa đạp một vòng xe trở lại nơi xuất phát.
Cũng có thể Văn Thanh sẽ được chọn mặt gửi vàng. Đơn giản, vào lúc này, Thanh trẻ khoẻ, phối hợp ăn ý với nhóm cầu thủ HAGL. Đá với những đối thủ cao lớn, những người như Thanh luôn có đất dụng võ…
Và cũng không ngoại trừ, Văn Thanh sẽ trở lại băng ghế dự bị quen thuộc, nơi mà người ta vẫn nói vui, dù “sao hạng A” nhưng anh sẵn sàng “hát lót” nếu cần.
Thực ra, chọn Văn Thanh hay Trọng Hoàng đôi khi chỉ là “chém gió” cho vui. Chọn ai Thanh, Hoàng hay ai đó chẳng ảnh hưởng gì, miễn sao thầy Park khiến người NHM cảm thấy thoả mãn với những gì diễn ra ở trên sân, thế thôi!.